Nguồn: HSC
CPI có thể tăng nhẹ trong tháng 10 do giá dầu
CPI tiếp tục giảm trong tháng 9/2024, đúng như dự báo
Trong tháng 9/2024, CPI tổng thể tiếp tục hạ nhiệt xuống 2,63% so với cùng kỳ (so với dự báo của chúng tôi là tăng 2,73% so với cùng kỳ) chủ yếu do (1) nhóm giao thông đóng góp giảm nhiều hơn do giá nhiên liệu giảm và (2) mức nền cao hơn. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp là 2,54% so với cùng kỳ, tháng thứ 10 liên tiếp ở dưới mức 3%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, lạm phát tổng thể tăng 3,88% so với cùng kỳ trong khi lạm phát cơ bản tăng nhẹ hơn ở mức 2,69% so với cùng kỳ.
HSC giữ nguyên dự báo CPI năm 2024 bình quân ở mức 3,8%
HSC dự báo CPI sẽ tăng nhẹ 2,92% so với cùng kỳ trong tháng 10 do giá dầu thô có khả năng sẽ phục hồi trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Trung Đông leo thang. Chúng tôi duy trì dự báo CPI tổng thể năm 2024 bình quân ở mức 3,8%, trước khi hạ nhiệt xuống 3,4% trong năm 2025.
Giá thép Trung Quốc tăng mạnh gần đây tác động hạn chế tới CPI
Trong tháng 9/2024, Trung Quốc đã công bố các chính sách hỗ trợ tài khóa & kích thích tiền tệ mạnh mẽ để vực dậy thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn. Những nỗ lực này đã giúp giá bán các sản phẩm thép chính ở Trung Quốc hồi phục, bao gồm thép thanh và thép cuộn cán nóng.
Trong quá khứ, giá thép Trung Quốc có một số tương quan với chi phí vật liệu xây dựng nhà ở của Việt Nam (đóng góp 2% trong giỏ CPI). Tuy nhiên, HSC cho rằng giá thép của Trung Quốc không có nhiều dư địa tăng giá trong trung hạn do nhu cầu trong nước vẫn ảm đạm trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi cho rằng khó có thể xuất hiện một xu hướng tăng giá bền vững trong dài hạn cho tới khi hoạt động xây dựng nhà ở hồi phục. Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể hướng tới mục đích giảm lượng nhà ở tồn kho chưa bán được (để hỗ trợ giá bán) bằng cách trì hoãn việc xây dựng nhà mới, điều này có thể làm chậm hơn nữa tốc độ phục hồi của hoạt động xây dựng.