Nguồn: HSC
Nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 6,68% sau Q3 mạnh mẽ
Cuối cùng cơn bão đã đi qua
Mặc dù chịu ảnh hưởng của cơn bão mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua, tăng trưởng GDP Q3/2024 vẫn tiếp tục vượt dự báo của chúng tôi và thị trường trong quý thứ 2 liên tiếp, đạt 7,4% so với cùng kỳ, từ đó giúp tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng lên 6,82%. Bão Yagi chỉ tác động đáng kể đến khu vực nông lâm ngư nghiệp ở 25 tỉnh thành phía Bắc và Thanh Hóa (những tỉnh thành này đóng góp tổng cộng hơn 40% GDP của Việt Nam). Theo thống kê, cơn bão đã gây ra lũ lụt & thiệt hại cho khoảng 285.000ha lúa, cây trồng và cây ăn quả, phá hủy & cuốn trôi 11.832 lồng nuôi trồng thủy sản và thiệt hại khoảng 5,6 triệu gia súc & gia cầm. Từ đó, khu vực nông lâm ngư nghiệp chỉ tăng trưởng 2,58% so với cùng kỳ trong Q3/2024, giảm 1,06 điểm phần trăm so với Q2/2024. Cơn bão cũng làm chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam giảm xuống dưới ngưỡng 50, chấm dứt 5 tháng tăng trưởng liên tiếp.
Tuy nhiên, như đã phân tích trong một báo cáo trước đó, tác động của bão Yagi sẽ chỉ giới hạn trong năm 2024 và không ảnh hưởng đến tăng trưởng năm 2025. Trên thực tế, ngành công nghiệp chế biến & chế tạo và dịch vụ không chịu tác động đáng kể và tiếp tục tăng tốc trong Q3/2024. Cơn bão có vẻ chỉ tác động tạm thời & không nghiêm trọng tới các KCN phía Bắc. Tại Hải Phòng, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão, ước tính 95% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động vài tuần sau bão. Sản lượng điện - một trong những thước đo phản ánh sức mạnh của ngành công nghiệp chế biến & chế tạo và tiêu dùng - vẫn tăng hơn 7% so với cùng kỳ trong tháng 9/2024. Trong khi đó, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao, hơn 1,2 triệu lượt trong tháng 9/2024.
HSC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024
HSC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 6,68% (từ 6,2% trước đó), điều này cho thấy nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại một chút trong Q4/2024 (tăng 6,5% so với cùng kỳ). Chính phủ cho thấy quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8-7% trong năm nay và - để đạt được mục tiêu – HSC tin rằng chính sách tài khóa & tiền tệ sẽ được duy trì và/hoặc mở rộng. NHNN sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động đưa ra các biện pháp hỗ trợ, cơ cấu lại các điều khoản cho vay, giữ nguyên phân loại nợ đồng thời xem xét miễn hoặc giảm lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng của cơn bão. Trong khi đó, Bộ Tài chính được khuyến nghị thực hiện miễn giảm và gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho các đơn vị bị ảnh hưởng.
GDP Q3/2024 và 9 tháng đầu năm 2024Phân tích sâu hơn Q3/2024, tăng trưởng khu vực nông lâm ngư nghiệp chậm lại – chỉ tăng 2,58% so với cùng kỳ (so với tăng 3,64% so với cùng kỳ trong Q2/2024 – trong khi khu vực công nghiệp & xây dựng (tăng 9,11% so với cùng kỳ so với tăng 8,6% so với cùng kỳ trong Q2/2024) và dịch vụ (tăng 7,51% so với cùng kỳ so với tăng 7,1% so với cùng kỳ trong Q2/2024) ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn quý trước. Điều này cho thấy bão Yagi chủ yếu chỉ ảnh hưởng lên khu vực nông lâm ngư nghiệp.
Cụ thể hơn, những ngành tăng trưởng mạnh (cao hơn mức tăng chung của GDP) bao gồm sản xuất (tăng 11,41% so với cùng kỳ), điện (tăng 8,06% so với cùng kỳ), tiện ích khác (tăng 14,33% so với cùng kỳ), thương mại bán buôn/bán lẻ (tăng 7,97% so với cùng kỳ), vận tải & lưu trữ (tăng 11,07% so với cùng kỳ), lưu trú & ăn uống (tăng 8,75% so với cùng kỳ) và tài chính, ngân hàng (tăng 8,44% so với cùng kỳ). Ngành kinh doanh BĐS (tăng 3,89% so với cùng kỳ trong Q2/2024), tăng tốc vừa phải trong quý thứ 2 liên tiếp cho thấy tốc độ phục hồi chậm.
Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ - cao hơn đáng kể so với mức tăng 3,03% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, tích luỹ tài sản tăng 6,86% so với cùng kỳ, so với tăng 3,22% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng lần lượt 16,9% và 17,1% so với cùng kỳ so với giảm lần lượt 5,8% và 8,2% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023, cho thấy hoạt động thương mại quốc tế là động lực quan trọng giúp đẩy mạnh tăng trưởng. Từ đó, GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82% so với cùng kỳ so với tăng 4,24% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023.
KNXK và KNNK tăng lần lượt 15,4% và 17,3% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024
Trong tháng 9, KNXK và KNNK tăng lần lượt 10,7% và 11,1% so với cùng kỳ (Biểu đồ 5-6), so với dự báo của chúng tôi là tăng lần lượt 7,5% và 9,7% so với cùng kỳ (Mời xem: Tăng trưởng thương mại đối diện nhiều thách thức trong 2025-2026 , ngày 24/9/2024, HSC).
So với tháng trước, KNXK và KNNK giảm lần lượt 9,9% và 5,9% cho thấy cơn bão Yagi đã có những tác động nhất định lên ngành công nghiệp chế biến & chế tạo của Việt Nam trong tháng 9/2024, với những cơn mưa lớn và ngập lụt gây ra gián đoạn tạm thời hoạt động kinh doanh, dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng ở miền Bắc Việt Nam. Từ đó, chỉ số PMI giảm xuống 47,3 từ 52,4 trong tháng 8/2024, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy yếu, kết thúc 5 tháng tăng trưởng liên tiếp. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới cũng sụt giảm nhưng với mức độ nhẹ và ít nghiêm trọng hơn đáng kể so với sự sụt giảm chung của hoạt động kinh doanh mới, diều này cho thấy nhu cầu quốc tế vẫn tương đối ổn định.
Mặc dù tạm thời gián đoạn do bão Yagi, nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn lạc quan về triển vọng đầu ra, với tâm lý tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng. Các doanh nghiệp tự tin rằng nhu cầu sẽ cải thiện trong năm tới. Từ đó, chúng tôi tin rằng tác động của bão Yagi lên hoạt động sản xuất chỉ mang tính tạm thời và ngành công nghiệp chế biến & chế tạo sẽ sớm hồi phục trong những tháng tới. Từ đó, KNXK và KNNK 9 tháng đầu năm 2024 tăng lần lượt 15,4% và 17,3% so với cùng kỳ so với dự báo cả năm của chúng tôi là tăng trưởng lần lượt 15% và 17,5%. Các sản phẩm xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong tháng 9 bao gồm máy tính & thiệt bị điện tử (tăng 16,2% so với cùng kỳ), máy móc (tăng 23% so với cùng kỳ), dệt may (tăng 15,9% so với cùng kỳ) và giày dép (tăng 17% so với cùng kỳ). Mặc dù chịu ảnh hưởng của bão, KNXK sản phẩm nông lâm ngư nghiệp tăng 16,6% so với cùng kỳ trong tháng 9/2024, trong đó rau quả tăng 37,6% so với cùng kỳ. Ngược lại, điện thoại các loại giảm 8,3% so với cùng kỳ.
KNNK máy tính và sản phẩm điện tử (tăng 13,1% so với cùng kỳ), tiếp tục tăng trưởng trong tháng thứ 16 liên tiếp, là động lực quan trọng nhất giúp đẩy mạnh tăng trưởng KNNK. Ngoài ra, KNNK xe cộ ghi nhận tháng tăng mạnh nhất và là tháng tăng thứ 5 liên tiếp, từ đó cho thấy những dấu hiệu hồi phục của nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm xa xỉ.
Cán cân thương mại ước tính thặng dư 2,3 tỷ USD trong tháng 9, nâng tổng thặng dư thương mại trong 9 tháng đầu năm 2024 lên 20,8 tỷ USD so với dự báo cả năm của chúng tôi là thặng dư hơn 24,2 tỷ USD.
FDI thực hiện & đăng ký tăng lần lượt 8,9% và 11,6% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024
Trong tháng 9, FDI thực hiện tăng 9,4% so với cùng kỳ, tháng tăng thứ 20 liên tiếp và tương đương mức tăng 8,9% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024 (so với tăng 3,1% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023). Trong khi đó, FDI đăng ký tăng 11,6% so với cùng kỳ, so với tăng 7,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023. Cho năm 2024, HSC tiếp tục dự báo FDI đăng ký và thực hiện đều sẽ tăng trưởng 9% (Mời xem: FDI vẫn tích cực trong bối cảnh bầu cử Tổng thống Mỹ có nhiều bất định, 21/8/2024, HSC).
Đầu tư công tăng 2% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024 (bằng 55,7% kế hoạch năm)
Trong tháng 9, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 3,7% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (428,1 nghìn tỷ đồng) tăng 2% so với cùng kỳ, so với tăng 24,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023, bằng 55,7% kế hoạch năm 2024 của Chính phủ (Biểu đồ 10).
Chính phủ ước tính đã thu ngân sách đạt 85,1% kế hoạch năm 2024 so với chi ngân sách đạt 59,3% kế hoạch năm 2024. Do đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, ngân sách nhà nước thặng dư 191,9 nghìn tỷ đồng, so với mục tiêu thâm hụt 399,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 ('Quyết định 2715' của Bộ Tài chính). Điều này phản ánh tiến độ giải ngân công đang chậm. Trên thực tế, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chỉ là 320,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch ngân sách năm 2024 (677,3 nghìn tỷ đồng) và giảm 11,8% so với cùng kỳ.
Doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 8,8% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024 so với tăng 9,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023
Trong tháng 9, doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 7,6% so với cùng kỳ (tăng 1,2% so với tháng trước), so với tăng 8,4% so với cùng kỳ trong tháng 8/2024 (Biểu đồ 11).
Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tăng 8,8% so với cùng kỳ (so với tăng 9,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023), so với dự báo của chúng tôi là tăng trưởng 9% trong năm 2024, nhờ đóng góp đáng kể từ doanh số bán lẻ dịch vụ lưu trú & ăn uống (tăng 13,6% so với cùng kỳ, đóng góp 11,5% tổng doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ).
Số lượng du khách quốc tế hàng tháng tăng 20,9% so với cùng kỳ trong tháng 9/2024 và tăng 43% trong 9 tháng đầu năm 2024
Trong tháng 9, số lượng du khách quốc tế tăng 20,9% so với cùng kỳ nhưng giảm 10,1% so với tháng trước, tương đương 1,29 triệu lượt. Trong số 3 thị trường hàng đầu, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với 356 nghìn lượt khách (105% mức trước dịch COVID-19), tiếp theo là Trung Quốc với 257 nghìn lượt khách (bằng 43% mức trước dịch COVID-19). Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, số lượng du khách đạt 12,7 triệu lượt (tăng 43% so với cùng kỳ), bằng 98,7% mức trước dịch COVID-19 vào năm 2019.
Trong năm 2024, HSC dự báo số lượng du khách quốc tế sẽ đạt 17,5 triệu lượt, tăng trưởng 39% so với mức 12,6 triệu lượt trong năm 2023 (Mời xem: Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 , 23/1/2024, HSC)
CPI hạ nhiệt nhanh hơn dự báo xuống 2,63% so với cùng kỳ trong tháng 9/2024
Trong tháng 9, CPI tổng thể hạ nhiệt xuống 2,63% so với cùng kỳ (tăng 0,27% so với tháng trước), so với tăng 3,45% so với cùng kỳ trong tháng trước và thấp hơn một chút so với dự báo của chúng tôi. Điều này chủ yếu do đóng góp âm của nhóm giao thông vào lạm phát tổng thể. Trong tháng, giá xăng dầu trong nước giảm 6,86% so với tháng trước, từ đó chi phí nhóm giao thông (chiếm 9,7% tỷ trọng giỏ CPI) giảm 2,77% so với tháng trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, lạm phát tổng thể tăng 3,88% so với cùng kỳ, sát với dự báo cả năm của chúng tôi là tăng 3,8%, chủ yếu do chi phí các nhóm ngoài cơ bản tăng lên.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản tăng 2,54% so với cùng kỳ, so với tăng 2,53% so với cùng kỳ trong tháng 8/2024.