Công nghệ thông tin: Lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2050

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Tăng trưởng thương mại đối diện nhiều thách thức trong 2025-2026

 

 

  • Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tham vọng trở thành một trung tâm bán dẫn hàng đầu thế giới của Việt Nam.
  • Đến năm 2030, 2040, 2050, quy mô doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam dự kiến đạt lần lượt 25 tỷ USD, 50 tỷ USD và 100 tỷ USD. Cho giai đoạn 2024-2030 (Giai đoạn 1), Việt Nam phấn đấu hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; quy mô nhân lực đạt trên 50.000 kỹ sư.
  • Theo đó, FPT (đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu) có vị thế tốt để hưởng lợi từ các sáng kiến này và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp chip của Việt Nam.

Tầm nhìn và chiến lược cho ngành công nghiệp bán dẫn cho đến năm 2050

Với việc Thủ tướng Chính phủ gần đây ký ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2050, Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn. Chiến lược này bao gồm ba giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2050, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 (2024-2030): Tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, quy mô doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm; quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư.

Giai đoạn 2 (2030-2040): Trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; quy mô doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm; quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư.

Giai đoạn 3 (2040-2050): Trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm.

Công thức C=SET+1 là nền tảng trong kế hoạch đầy tham vọng của Việt Nam

Công thức này đóng vai trò nền tảng trong kế hoạch đầy tham vọng của Việt Nam nhằm trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn. Chiến lược này ưu tiên phát triển (1) chip chuyên dụng, (2) công nghiệp điện tử, (3) nguồn nhân lực có tay nghề cao, trong khi (4) tận dụng vị thế của Việt Nam như một điểm đến đáng tin cậy và hấp dẫn. Trong công thức này, C là Chip (Chip bán dẫn); S là Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng); E là Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử); T là Talent (Nhân tài, Nhân lực); +1 là Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).

Kết luận và khuyến nghị

Để kích thích đầu tư vào các dự án đặc biệt và quy mô lớn, dự thảo luật đang đề xuất các ưu đãi như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, giảm tiền thuê đất, và đẩy nhanh quá trình thông quan cho hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu. FPT (đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu) có vị thế tốt để hưởng lợi từ các sáng kiến này và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Các nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn sẽ giúp thúc đẩy lĩnh vực BĐS KCN trong khi các nhà máy chế tạo chip bán dẫn sẽ tạo ra cơ hội mới cho các công ty cung cấp nguyên vật liệu.