CTCP FPT (FPT): Tiếp đà tăng trưởng 2 chữ số với động lực từ khối Công nghệ

                                                                                                                                                                     Nguồn: ABS

Tiếp đà tăng trưởng 2 chữ số với động lực từ khối Công nghệ

 

 

Q2/2024, FPT tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới với doanh thu thuần và LNST tăng trưởng 2 con số svck. Cụ thể, doanh thu thuần (DTT) Q2/2024 đạt 15.245 tỷ đồng (+22,1% svck), LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.875 tỷ đồng (+24,2% svck). FPT tạo nên kỉ lục mới về 2 con số này nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là Khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và LNTT tăng trưởng lần lượt 27,3% và 22,3% so với 6T2023, chiếm tỷ trọng 62% và 47%, đạt 18.077 tỷ đồng doanh thu, trong đó dịch vụ CNTT nước ngoài đạt 14.573 tỷ đồng (+29,8% svck), chiếm 81,6%, được thúc đẩy từ thị trường Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương (APAC);

Công ty ghi nhận các khoản chi phí tăng svck nhưng không ảnh hưởng đến kết quả HĐKD như: (i) Chi phí tài chính tăng +17,5% lên mức 337,9 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá trong kỳ, trong khi đó lãi vay giảm -29,3% về mức 150 tỷ đồng. (ii) Chi phí BH&QLDN tăng +21,8% lên mức 3.305,5 tỷ đồng chủ yếu do chi phí bán hàng tăng +28,2%. Tuy nhiên tỷ lệ chi phí BH&QLDN trên DTT là 21,65%, giảm nhẹ svck là 21,74%. (iii) Khoản doanh thu hoạt động tài chính giảm -8,6% về mức 569,2 tỷ đồng do doanh thu lãi tiền gửi giảm -39% trong Q2/2024 về mức 269,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của FPT đạt 29.338 tỷ đồng (+21,4% svck), LNTT đạt 5.203 tỷ đồng (+19,9% svck), LNST đạt mức 3.673 tỷ đồng (+22,3% svck), biên LN gộp giảm nhẹ 0,02 điểm phần trăm về 38%. Như vậy, FPT đã hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 48% mục tiêu LNTT của năm.

Doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào hỗ trợ cho tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại 30/06/2024, tổng tài sản của FPT đạt 65.286 tỷ đồng (+8,3% so với đầu năm), trong đó khoản mục tiền và các khoản tiền gửi chiếm tới 41% TTS đạt 26.752 tỷ đồng (+9,7% so với đầu kỳ) chủ yếu do công ty đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 19.916 tỷ đồng (+23,6%).

Khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.992,5 tỷ đồng (+13,6% so với đầu năm, chiếm 16,8% TTS) do khoản phải thu ngắn hạn từ bên thứ 3 chiếm 93,5% với 10.309 tỷ đồng (+14,3% so với đầu năm) với các khách hàng chiếm từ 2% KPT gồm ngân hàng VCB là 472,6 tỷ đồng (+66,3%), công ty Petronas Digital Sdn Bhd là 147,8 tỷ đồng (-23,9%), công ty LG Electronics là 67,5 tỷ đồng (-66,5%). FPT vẫn chưa trích lập dự phòng cho các khoản phải thu này. Số ngày các khoản phải thu duy trì đều quanh 240 ngày. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy khoản phải thu cao không gặp nhiều rủi ro khi công ty có lượng tiền mặt dồi dào, chỉ số CFO luôn dương, trong Q2/2024 đạt 3.728,8 tỷ đồng

Tỷ lệ nợ trên VCSH ở mức cao tuy nhiên tỷ lệ D/E vẫn trong phạm vi an toàn.

Tổng nợ vay của FPT tính đến 30/06/2024 là 16.502 tỷ đồng (+17,4% so với đầu kỳ, chiếm 25,2% tổng nguồn vốn) trong đó nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn tổng nợ vay là 16.024 tỷ đồng (+15,8% so với đầu kỳ). Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng được thực hiện nhằm bổ sung, tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại các khoản vay và nợ thuê tài chính, 73% đến từ khoản vay bằng đồng VND, 18,9% đến từ đồng USD, 8% đến từ đồng JPY và 0,1% từ đồng EUR. Công ty đã phòng ngừa rủi ro tỷ giá USD và JPY bằng các giao dịch hoán đổi ngoại tệ với lần lượt 129 triệu USD (+114,8% so với đầu năm) và 8,29 tỷ JPY (-29,3% so với đầu năm). Ngoài ra, FPT còn có nguồn chi trả khoản vay đến từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ bằng đồng ngoại tệ gồm 206 triệu USD (+6,7%) và 35,8 tỷ JPY (+42,8%).

Công ty sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao với tỷ lệ nợ/VCSH là 0,99 lần. Tuy nhiên tỷ lệ D/E của FPT nằm ở dưới mức rủi ro là 0,5 lần.

Chúng tôi đánh giá sức khỏe tài chính của FPT ổn định với lượng tiền mặt chiếm phần lớn TTS, dòng tiền CFO dương và luôn tăng đều trong nhiều năm trở lại đây. Là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ, Viễn thông và Giáo dục, không ngừng mở rộng hoạt động trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, công ty luôn duy trì tỷ lệ nợ vay/VCSH ở mức an toàn.

Ngoài ra, công ty duy trì chi trả cổ tức đều đặn bằng tiền mặt với tỷ lệ là 20%.

HSC được biết việc phát hành quyền mua cổ phiếu sẽ diễn ra trước khi niêm yết.

Các mảng kinh doanh lõi chính tiếp tục là động lực tăng trưởng cho FPT trong nửa cuối năm 2024:

Về mảng Công nghệ, chúng tôi kỳ vọng FPT tiếp tục duy trì phong độ tăng trưởng 2 chữ số khi tập trung triển khai các dự án chuyển đổi số, đặc biệt với mảng dịch vụ CNTT nước ngoài hướng tới 5 tỷ USD doanh thu vào năm 2030 khi nhóm này chiếm 80% cơ cấu DT công nghệ. Trong 8 tháng đầu năm 2024, khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 22.774 tỷ đồng (+19% svck), FPT thắng thầu 29 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD. Ngoài ra, trong tháng 9, (i) doanh nghiệp còn mở rộng thêm văn phòng thứ 2 tại Đức, khai trương văn phòng đầu tiên tại Thụy Điển, bám sát chiến lược triển khai DC5 (Digital Conglomerate 5.0) và đầu tư mạnh mẽ vào AI, Automotive, Chip bán dẫn, Cloud trong giai đoạn 2024 – 2026 tại hai quốc gia trên. Đồng thời (ii) hợp tác thành lập liên doanh PT FPT Metrodata Indonesia (FMI) với chiến lược cùng đầu tư và nghiên cứu giải pháp an ninh mạng, AI, Cloud, giúp Indonesia trở thành quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi số và AI tại khu vực ĐNÁ. Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế số của Indonesia được đánh giá có mức phát triển nhanh nhất ĐNÁ, việc liên doanh sẽ giúp FPT IS đạt được mục tiêu về chuyển đổi số tại thị trường nước ngoài, mở rộng thị phần và phát triển hệ sinh thái công nghệ đạt chuẩn quốc tế.

Mảng viễn thông và giáo dục tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng 2 chữ số khi doanh nghiệp liên tục đầu tư thêm vào Capex, nâng cao chất lượng dịch vụ, bắt kịp các nhu cầu phát triển mới.

  • Về mảng Viễn thông, hiện tại FPT đang có khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang Trung tâm dữ liệu quận 9 (Data center) với mục đích nhằm nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông và các hệ thống Trung tâm dữ liệu, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2024. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nội dung cung cấp bản quyền cũng là động lực giúp mảng Viễn thông tiếp đà phát triển. Chúng tôi nhận định thị trường băng thông rộng dần bão hòa, do đó việc FPT chủ động cập nhật, đón bắt nhu cầu phát triển AI, bigdata,... sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở để phát triển hơn trong tương lai. Ngoài ra FPT cũng sẽ tập trung mở rộng các mô hình về nội dung số cho cộng đồng thông qua nền tảng xã hội trực tuyến và trực tiếp tương tự như thành công của cộng đồng VnExpress Marathon với quy mô 10.000 người mà FPT đã từng thực hiện thành công,
  • Đối với mảng Giáo dục, Tổ hợp giáo dục FPT tại Thanh Hóa và Khuôn viên đại học FPT tại Quy Nhơn cũng thuộc khoản chi phí cơ bản dở dang doanh nghiệp đang triển khai nhằm đầu tư mở rộng về chiều ngang và chiều sâu các cơ sở đào tạo, giáo dục mới, mở thêm các chuyên ngành đào tạo, phục vụ theo nhu cầu phát triển nhân sự trong lĩnh vực như Chip bán dẫn, Automotive, Game Design,...

Định giá:

Kế hoạch LNTT năm 2024 của FPT là 10.875 tỷ đồng tương đương LNST là 9.211 tỷ đồng, tương ứng 2024F EPS và BVPS là 6.370đ/CP và 26.803đ/CP. Cổ phiếu đang giao dịch với hệ số P/E và P/B 2024F lần lượt là 21,5 lần và 5,1 lần.