Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): Tiềm năng tăng tốc mạnh mẽ

                                                                                                                                                                     Nguồn: PHS

Tiềm năng tăng tốc mạnh mẽ

 

 

  • Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của VPB sẽ khởi sắc nhờ sự phục hồi của hoạt động bán lẻ và tiêu dùng trong nước với tăng trưởng tín dụng dự kiến trong năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 20.2% và 24%. Đồng thời, chúng tôi cũng cho rằng FE Credit có thể có lãi vào năm 2025F khi khả năng trả nợ của dân cư được nâng cao nhờ điều kiện kinh tế tốt hơn.
  • NIM của VPB sẽ cải thiện lên 6.07% trong năm 2024 và 6.82% trong năm 2025 nhờ chi phí đầu vào ổn định và hoạt động tín dụng khởi sắc hơn. Qua đó, LNST của VPB trong năm 2024 và 2025 lần lượt là 13,111 tỷ đồng (+54.4%) và 18,539 tỷ đồng (+41.4%).
  • Với P/B dự phóng 2024F và 2025F lần lượt là 1.3x và 1.1x, PHS ước tính giá trị hợp lý của VPB là 24,600 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng giá là 24%.

Điểm nhấn đầu tư

Tăng Trưởng tín dụng tích cực và duy trì vị trí số 1 về NIM. Tăng trưởng tín dụng trong H1 2024 của ngân hàng đạt 7.8%YTD, cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn ngành. Tín dụng bán lẻ và cho vay bất động sản là những trụ cột chính trong tăng trưởng cho vay của VPB. Hơn nữa, nhờ sự hỗ trợ từ cổ đông chiến lược SMBC (tập đoàn tài chính lớn thứ 2 Nhật Bản), VPB có cơ hội mở rộng phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, khách hàng FDI và các tập đoàn đa quốc gia.

VPB là một trong số ít ngân hàng có NIM cải thiện trong H1 2024, so với cuối năm 2023. NIM của VPB mở rộng 12 bps so với cuối năm 2023 lên 5.34%, cao nhất toàn ngành nhờ (1) Lãi suất cho vay khách hàng trung bình thuộc nhóm cao nhất thị trường; (2) Khả năng tối ưu chi phí huy động vốn. Với sự hậu thuẫn của SMBC, VPB dễ dàng huy động được nguồn vốn quốc tế với lãi suất thấp. VPB đã huy động thành động công 400 triệu USD khoản vay hợp vốn trung dài hạn từ các tổ chức tài chính lớn dưới sự thu xếp của SMBC vào năm 2023, nâng tổng số khoản vay được hậu thuẫn bởi SMBC lên 1.7 tỷ USD trong giai đoạn từ 2020-2023.

Gia tăng mức độ chống chịu rủi ro với tỷ lệ an toàn vốn cao nhất thị trường. Năm 2023, VPB đã hoàn thành thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Qua đó trở thành ngân hàng có CAR mạnh nhất (17%). Nền tảng vốn lớn giúp VPB cải thiện sức mạnh bảng cân đối và có sức chống chịu cao hơn khi những đối mặt với những thách thức vĩ mô.

Với nỗ lực thu hồi nợ, nâng cao chất lượng tài sản và chiến lược cho vay hướng đến những phân khúc bền vững hơn, FE Credit đang từng bước giảm lỗ và dự kiến sẽ chuyển từ lỗ sang lãi trong tương lai gần. Kết thúc H1 2024, LNST của FEC lỗ 707 tỷ đồng, ít hơn so với mức lỗ 2,996 tỷ đồng trong H1 2023. FEC tiếp tục thực hiện chiến lược tái cấu trúc toàn diện và và hạn chế trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, các kết quả của quá trình tái cấu trúc vẫn chưa cho thấy bước tiến rõ rệt khi vẫn ghi nhận hiện tượng bùng nợ. Do đó, chúng tôi cho rằng việc hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc trong năm nay là tương đối thách thức đối với FEC trong bối cảnh hiện tại. Chúng tôi kỳ vọng FEC có thể có lãi vào năm 2025 khi khả năng trả nợ của dân cư được nâng cao nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc hơn.

Dự phóng năm 2024 và 2025

Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng của VPB năm 2024 và 2025 đạt lần lượt là 20.2% và 24% chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và tín dụng tiêu dùng.

NIM của VPB sẽ cải thiện lên 6.07% trong năm 2024 và 6.82% trong năm 2025 nhờ chi phí đầu vào ổn định và hoạt động tín dụng khởi sắc hơn. Chúng tôi cũng cho rằng NIM của FEC sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực trong năm 2024, và sẽ duy trì quanh 16-18% trong năm 2025F khi thu nhập của dân cư có những chuyển biến tích cực hơn. Qua đó, LNST của VPB trong năm 2024 và 2025 lần lượt là 13,111 tỷ đồng (+54.4%) và 18,539 tỷ đồng (+41.4%).

Chiến lược cho vay thận trọng hơn và nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu đã cho những kết quả tương đối tốt khi lớp nợ xấu mới đang hình thành trong Q2 2024 chậm lại so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao. Qua đó, chúng tôi ước tính Tỷ lệ Nợ xấu năm 2024 và 2025 lần lượt là 5.06% và 5.04%. Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ duy trì những chính sách quản lý chất lượng tài sản nghiêm ngặt và ước tính tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2024 và 2025 lần lượt là 53% và 57%.

Nhận xét và đánh giá

Bằng phương pháp định giá Thu nhập thặng dư và P/B, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với VPB với giá hợp lý là 24,600 đồng/cổ phiếu, cho thấy tiềm năng tăng giá 24% so với giá hiện tại.

Rủi ro

Rủi ro gia tăng nợ xấu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bảng cân đối, NIM, và lợi nhuận của VPB khi những khó khăn pháp lý về xử lý nợ xấu còn ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ, đặc biệt là sau ảnh hưởng của bão Yagi.