Ngành Ô tô: Bộ Công thương dự kiến xe điện và xe lắp ráp trong nước tăng trưởng vững chắc

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Bộ Công thương dự kiến xe điện và xe lắp ráp trong nước tăng trưởng vững chắc

 

 

  • Theo dự thảo chiến lược phát triển của Bộ Công thương cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, sản lượng ô tô tiêu thụ dự kiến tăng trưởng vững chắc trên 10% mỗi năm cho đến năm 2045.
  • Sản lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước dự báo tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân toàn ngành, chiếm 70% tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2030 và 80-85% vào năm 2045. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ xe điện (bao gồm xe hybrid và các loại xe sử dụng năng lượng sạch khác) dự kiến sẽ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2030 và 80-85% vào năm 2045.
  • Các công ty có cơ sở sản xuất riêng và có sự chuẩn bị cho xe điện sẽ hưởng lợi trong dài hạn, dù rủi ro ngày càng gia tăng do cạnh tranh từ các đối thủ mới, nhất là từ Trung Quốc. VEA (Mua vào) vẫn là lựa chọn hàng đầu của HSC.

Bộ Công thương: Dự kiến sản lượng tiêu thụ ô tô tăng trưởng vững chắc cho đến năm 2045

Bộ Công thương dự kiến sản lượng tiêu thụ ô tô của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể là tăng trưởng 14-16% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2030 (đạt 1,0 triệu chiếc vào năm 2030) và 11-12% mỗi năm trong giai đoạn 2030-2045 (đạt 5,0-5,7 triệu chiếc vào năm 2045).

Xe lắp ráp trong nước tiếp tục được ưu tiên

Xe lắp ráp trong nước dự kiến tăng trưởng 18-20% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2030 (so với mức bình quân chung của toàn ngành là 14-16%) và 13-14% mỗi năm trong giai đoạn 2030- 2045 (mức bình quân chung của toàn ngành: 11-12%). Theo những dự báo này, xe lắp ráp trong nước sẽ đạt 700.000 chiếc vào năm 2030 (chiếm khoảng 70% tổng sản lượng tiêu thụ) và 4,0-4,6 triệu chiếc vào năm 2045 (chiếm khoảng 80-85% tổng sản lượng tiêu thụ), từ mức 62% trong 8 tháng đầu năm 2024.

Để đạt được các mục tiêu này, cần có các chính sách hỗ trợ, bao gồm (i) ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ và (ii) tạo sự khác biệt về thuế/phí giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Xe điện là trọng tâm mới

Xe điện (bao gồm xe hybrid & các loại xe năng lượng sạch khác) cũng là điểm nhấn trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Xe điện dự kiến đóng góp 18-22% tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2030 và 80-85% vào năm 2045. Một số chính sách đã được áp dụng để hỗ trợ xe điện, nhưng việc thiếu hạ tầng trạm sạc hiện nay dường như là rào cản lớn nhất.

Các công ty chuẩn bị cho cả hai xu hướng sẽ được hưởng lợi trong dài hạn

Mặc dù HSC không nhận thấy tác động trực tiếp trong ngắn hạn đối với ngành ô tô nói chung, nhưng chúng tôi kỳ vọng những doanh nghiệp nào sản xuất cả xe lắp ráp trong nước và xe điện sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rủi ro cạnh tranh gia tăng từ những đơn vị mới gia nhập, nhất là các nhà sản xuất Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, HSC ưu tiên cổ phiếu chi trả cổ tức cao VEA (Mua vào, giá mục tiêu 53.800đ, tiềm năng tăng giá 20%). Các liên doanh lớn của VEA là Honda, Toyota và Ford đều có cơ sở sản xuất lâu năm tại Việt Nam, trong đó Toyota khá tích cực trong việc ra mắt các mẫu xe hybrid tại Việt Nam. Trong khi đó, HAX dường như đang đứng trước cơ hội chuyển đổi HĐKD từ kinh doanh/phân phối sang lắp ráp với thương hiệu MG, trong đó công ty con của HAX là PTM (công ty tư nhân/chưa niêm yết, HAX sở hữu 51,6% cổ phần) đã là đại lý lớn nhất. Khuyến nghị hiện tại của HSC đối với HAX (Giảm tỷ trọng, giá mục tiêu 15.800đ, rủi ro giảm giá 6%) chưa tính đến cơ hội này.