Vĩ Mô Và Chiến Lược: Gió đảo chiều, chứng khoán hướng về đỉnh mới

                                                                                                                                                                     Nguồn: MIRAE

Gió đảo chiều, chứng khoán hướng về đỉnh mới

 

 

Bối cảnh toàn cầu:

Mỹ: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) chính thức hạ lãi suất lần đầu tiên sau hai năm với biên độ 50 điểm cơ bản. Với biên bản dự phóng kinh tế của các thành viên FOMC, Fed vẫn tin vào kịch bản “hạ cánh mềm” và lạm phát không còn là nỗi lo lớn.

Trung Quốc: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố một loạt chính sách kích thích kinh tế. Dù thế, hiệu quả của chính sách vẫn là một ẩn số lớn khi Trung Quốc cần phải đối mặt với các thách thức mang tính chiến lược hơn như thất nghiệp và niềm tin tiêu dùng và đầu tư.

Thị trường tiền tệ:

Mức mất giá của VNĐ so với USD kể từ đầu năm đã hạ nhiệt đáng kể chỉ còn 1,3%.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục được neo quanh vùng 4% theo lãi suất phát hành của hợp đồng mua lại đảo ngược (RRP).

Trong tháng 9, Kho bạc Nhà nước thành công huy động gần 33,4 nghìn tỷ đồng thông qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ với lợi suất trúng thầu bình quân đối với các kỳ hạn không ghi nhận sự thay đổi đáng kể so với trước đó.

Trái phiếu doanh nghiệp:

Trong tháng 9, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận 26 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng; nâng tổng giá trị huy động thông qua TPDN tính từ đầu năm đạt hơn 266 nghìn tỷ đồng (+67% YoY).

Theo thông tin đến từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đã có 58 giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn được công bố kể từ ngày 01/09 đến ngày 30/09 với tổng giá trị mua lại trước hạn ghi nhận gần 16,6 nghìn tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp phát hành đã mua lại tổng lượng trái phiếu trước hạn lên đến hơn 131 nghìn tỷ đồng (-27% YoY). Trong đó, các tổ chức tín dụng tiêu biểu là các ngân hàng thương mại là nhóm nhân tố chính trong hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị của toàn ngành ghi nhận hơn 97 nghìn tỷ đồng và chiếm gần 74% tổng giá trị mua lại toàn thị trường. Phần còn lại thuộc về nhóm Bất động sản (11,8%) và Sản xuất (5,95%).

Thị trường chứng khoán tại Việt Nam:

1) Tổng quan thị trường trong tháng 9:

  • VN-Index kéo dài xu hướng tăng sang tháng thứ 3 liên tiếp với mức tăng chỉ hơn 4 điểm trong tháng 9 và đóng cửa tại 1.287,94 (+0,32% MoM).
  • Nhóm Ngân hàng đóng góp phần lớn đến đà tăng của VN-Index trong các nhóm còn lại gần như đều ghi nhận sụt giảm vốn hóa.

2) Hoạt động giao dịch trong tháng 9:

  • Giá trị giao dịch khớp lệnh tiếp tục sụt giảm 7,3% MoM và đạt bình quân 13,6 nghìn tỷ đồng.
  • Nhà đầu tư cá nhân trong nước trở lại mua ròng 5,3 nghìn tỷ đồng, sau khi bán ròng 3,6 nghìn tỷ trong tháng 8.
  • Khối ngoại bán ròng 2,11 nghìn tỷ đồng cùng với nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 3,2 nghìn tỷ đồng.
  • Quỹ ETF rút ròng 28,4 triệu USD trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.

3) Triển vọng trong tháng 10:

  • Diễn biến phân hóa giữa các nhóm ngành và sự cô đọng của dòng tiền tại các cổ phiếu Ngân hàng đã phần nào phản ánh tín hiệu suy yếu trên diện rộng của thị trường trong bối cảnh các câu chuyện tăng trưởng dần trở nên thiếu thuyết phục đối với các nhà đầu tư.
  • Triển vọng về thị trường Việt Nam: (1) Trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tìm được vùng hỗ trợ tại 1.280 điểm và tiếp tục hướng về vùng cản tâm lý 1.300 điểm; (2) Dù vậy, rung lắc có thể sẽ xuất hiện khi tâm lý chốt lời tăng cao khi VN-Index vượt vùng cản tâm lý và xu hướng này có thể kéo dài đến khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.330 điểm.
  • Rủi ro và các yếu tố cần theo dõi: (1) Sự phụ thuộc của thị trường đối với ngành Ngân hàng có khả năng sẽ dẫn đến các phiên điều chỉnh mang tính quay về vùng giá cân bằng mới trong bối cảnh một số cổ phiếu Ngân hàng đã và đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử; (2) Sự thiếu vắng của dòng tiền tại các nhóm ngành còn lại sẽ khiến thị trường thiếu đi bộ đệm cần thiết nếu áp lực chốt lời quay lại đối với nhóm cổ phiếu Ngân hàng; đặc biệt khi tỷ trọng vốn hóa của các nhóm này tương đối thấp so với ngành Ngân hàng.