Cách sử dụng 4 chỉ số quan trọng của phân tích cơ bản: P/B, P/E, ROE, ROA

Phân tích cơ bản là phương pháp hiệu quả giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng phát triển doanh nghiệp, đưa ra quyết định nên hay không nên đầu tư. Trong đó, chỉ số P/B, P/E, ROE, ROA được sử dụng nhiều nhất.

I/ Chỉ số P/B - Price to Book ratio

Chỉ số P/B là 1 chỉ số tài chính quan trọng, cho biết giá cổ phiếu đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị sổ sách của nó.

P/B = Giá thị trường của cổ phiếu (Price) / Giá trị ghi sổ của cổ phiếu (Book value per Share)

Như vậy, để tính P/B, nhà đầu tư (NĐT) cần biết 2 thông số: 

  • Giá thị trường của cổ phiếu có thể xem tại bảng giá của các CTCK.

  • Giá trị ghi sổ của cổ phiếu. Giá trị ghi sổ hay giá trị sổ sách của cổ phiếu là giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động, không kinh doanh nữa. Cách tính như sau:

Giá trị ghi sổ trên 1 cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ) / Số lượng cổ phiếu lưu hành 

(những thông tin này sẽ được thống kê trong Bảng cân đối kế toán của từng doanh nghiệp).

Ý nghĩa của chỉ số P/B

Sẽ có 2 trường hợp đáng lưu ý với chỉ số P/B.

Nếu P/B>1, giá thị trường lớn hơn giá trị sổ sách. Điều này có nghĩa là thị trường đang kỳ vọng cao về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, NĐT cũng cần chú ý đến nợ vay của doanh nghiệp bởi đây có thể là yếu tố khiến giá trị ghi sổ ở mức thấp, từ đó tới chỉ số P/B sẽ cao.

Nếu P/B<1, giá thị trường nhỏ hơn giá trị sổ sách. Điều này có thể được giải thích theo 2 cách: 

Thứ nhất, thị trường cho rằng giá trị tài sản của công ty đã bị thổi phồng quá mức nên chỉ chấp nhận giá mua thấp hơn giá sổ sách. Thông thường, các NĐT không nên cổ phiếu này bởi vì thị trường sẽ nhanh chóng điều chỉnh lại giá trị tài sản của doanh nghiệp về đúng giá trị thât,

Thứ hai, thu nhập trên tài sản của công ty quá thấp. Nếu điều này là đúng, có thể đặt giả thiết rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dần cải thiện, lợi nhuận tăng nên giá trị sổ sách cũng tăng. Cổ phiếu lúc này đang bị định giá thấp và NĐT có thể xem xét mua vào.

Cách dùng chỉ số P/B

P/B là công cụ giúp NĐT tìm kiếm cổ phiếu đang bị định giá thấp. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự hữu ích khi nghiên cứu các doanh nghiệp có mức độ tập trung vốn cao hoặc các công ty tài chính, bởi tài sản hữu hình của các công ty này tương đối lớn. Ngược lại, P/B sẽ không có nhiều ý nghĩa với các công ty dịch vụ vì tài sản hữu hình thường không lớn.

Bên cạnh đó, NĐT không nên xem xét P/B một cách độc lập mà cần so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh, với mức trung bình ngành và kết hợp với các chỉ số định giá khác.

II/ Chỉ số P/E - Price to Earning ratio

Đây là một chỉ số vô cùng quen thuộc với NĐT, được dùng để đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS). Dựa vào chỉ số P/E, người ta có thể nhận biết được mức giá mà NĐT sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. 

Công thức tính P/E:

P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (Price)/Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)

Trong đó, thu nhập trên một cổ phiếu - EPS là phần lợi nhuận mà doanh nghiệp phân bổ cho mỗi cổ phần đang lưu hành trên thị trường. Thông thường, để đơn giản hóa việc tính EPS, người ta sẽ dùng số cổ phiếu lưu hành vào thời điểm cuối kỳ (nếu tính chính xác sẽ là số cổ phiếu lưu hành trung bình mỗi kỳ).

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu thường đang lưu hành.

Ý nghĩa của chỉ số P/E

Nếu P/E cao, điều này nghĩa là EPS thấp (thậm chí bằng 0) và đây có thể là biểu hiện của doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. 

Trường hợp P/E thấp, có thể xảy ra các giả thiết như:

EPS tăng lên do doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, lợi nhuận tốt hơn. Lúc này, cổ phiếu có thể đang bị định giá thấp, đáng cân nhắc đầu tư.

Doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường (từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con…) làm EPS tăng lên. Tuy nhiên, lợi nhuận này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và không bền vững. Ngoài ra, P/E thấp có thể do cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp bán cổ phiếu  chốt lời làm giá thị trường giảm. Nếu điều này là đúng, NĐT không nên mua cổ phiếu bởi doanh nghiệp khó có triển vọng phát triển.

Cách dùng chỉ số P/E

Giống như P/B, P/E cũng là công cụ để tìm kiếm cổ phiếu đang bị định giá thấp. Chỉ số P/E cũng không có nhiều ý nghĩa nếu đứng một mình nên cần được so sánh với P/E toàn ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập dự kiến của doanh nghiệp.

Chuỗi đào tạo Phân tích kỹ thuật thực chiến - Nhìn nhận về các thông số tài chính quan trọng

 

III/ Chỉ số ROE - Return on common equity

Với các cổ đông của doanh nghiệp, ROE - lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu là tỷ số quan trọng nhất, cho biết mỗi đồng vốn của cổ đông tạo ra được bao nhiêu đồng tiền lãi hay nói cách khác, ROE cho biết hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp.

ROE = Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu

Trong đó:

Lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận ròng) = Doanh thu - Chi phí sản xuất - Thuế. Đây là lợi nhuận ròng dành cho cổ phiếu thường.

Vốn chủ sở hữu = Tài sản - nợ. Đây là nguồn vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Ý nghĩa của chỉ số ROE

Trên lý thuyết, tỷ lệ ROE càng cao càng cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả và sẽ được NĐT chú ý. Tuy nhiên, để xem xét chính xác hơn, ROE thường được so sánh với lãi vay ngân hàng. Cụ thể như sau:

- Nếu ROE nhỏ hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng, vậy nếu doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng

- Nếu ROE cao hơn lãi vay ngân hàng thì phải xem doanh nghiệp đã khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa, sau đó tiềm năng tăng tỷ lệ ROE trong tương lai của doanh nghiệp.

Cách dùng chỉ số ROE

Hệ số này thường được các nhà đầu tư so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường. ROE càng cao thì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp càng lớn và bền vững. 

Ngoài ra, ROE cũng có thể được dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. 

Ta sẽ có tốc độ tăng trưởng g = ROE x Tỷ lệ tái đầu tư (%), trong đó tỷ lệ tái đầu tư (Retention ratio) là tà tỷ lệ phần trăm lợi nhuận được dùng để tái đầu tư sau khi chi trả cổ tức cho cổ đông. Tỷ lệ tái đầu tư = (1 – Tỷ lệ chi trả cổ tức)

Những yếu tố này sẽ góp phần quan trong giúp NĐT quyết định có nên mua cổ phiếu của doanh nghiệp hay không.

IV/ Chỉ số ROA - Return on total assets

ROA - tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản, là chỉ số đo lường mức độ sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp.

ROA = Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản 

Ý nghĩa của chỉ số ROA

Dựa vào chỉ số ROA, NĐT có thể biết được các tỷ lệ sinh lời được tạo ra từ tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu). ROA càng cao và càng ổn định trong một thời gian thì càng cho thấy công ty đang kiếm được nhiều tiền hơn trên lượng đầu tư ít hơn, tức đã sử dụng hiệu quả tài sản và tối ưu các nguồn lực sẵn có.

Cách dùng chỉ số ROA

Mặc dù ROA càng cao sẽ càng tốt song để có thể đánh giá khách quan hơn, NĐT nên xem xét ROA với yếu tố:

Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Thông thường doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp nặng như: thép, xi măng,… thường yêu cầu tài sản cố định rất lớn nên chỉ số ROA sẽ khá thấp. Trong khi đó, những công ty CNTT, hàng tiêu dùng… thường có thường có chỉ số ROA cao do không yêu cầu lớn tài sản cố định.

So sánh ROA của doanh nghiệp với đối thủ trong ngành. ROA cao hơn trung bình ngành là một dấu hiệu tốt cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động tốt.

So sánh ROA của chính doanh nghiệp qua các năm để biết doanh nghiệp có đang phát triển hay không.

Trên đây là cách ý nghĩa, cách dùng của 4 chỉ số quan trọng trong phân tích cơ bản. Như đã đề cập, để có cái nhìn toàn diện về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hay không, NĐT nên kết hợp các chỉ số và xem xét trong các bối cảnh cụ thể.