Cách xây dựng một phương pháp đầu tư chứng khoán riêng phù hợp với cá nhân

“Người thành công luôn có lối đi riêng”, điều này đúng trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả đầu tư. Vì vậy, mỗi cá nhân chỉ nên học hỏi phương pháp, chiến lược đầu tư của những nhà đầu tư nổi tiếng, kết hợp với trải nghiệm thực tế của bản thân để tự xây dựng phương pháp đầu tư cho riêng mình.

I/ Vì sao nhà đầu tư nên tự xây dựng phương pháp riêng?

Thành công trên thị trường chứng khoán là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có cả may mắn nên sẽ không có một công thức nào đúng cho tất cả. Đó là lý do vì sao ngay cả khi bạn áp dụng chính xác phương pháp đầu tư của Warren Buffett, Peter Lynch, George Soros… hay bất cứ nhà đầu tư huyền thoại nào, bạn cũng không thể đạt thành tựu giống như họ.

Phương pháp đầu tư là gì?

Phương pháp đầu tư là một bộ nguyên tắc đầu tư mang tính hệ thống mà dựa vào đó, bạn có thể biết được nên hành động như thế nào trong những tình huống cụ thể. Từ phương pháp đầu tư, nhà đầu tư sẽ có được chiến lược đầu tư. Mỗi phương pháp khác nhau sẽ cho ra kết quả đầu tư khác nhau với điểm mạnh và điểm yếu riêng. 

Ví dụ, phương pháp đầu tư theo giá trị của Warren Buffett ưu tiên tích lũy tài sản và cần nhiều thời gian để suất đầu tư phản ánh giá trị thật. Phương pháp này tập trung vào quá trình phân tích và định giá tài sản. Ngược lại, phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng của William O'neil ưu tiên các công ty có tiềm năng tăng trưởng và ứng dụng phân tích kỹ thuật để mua trong ngắn hạn.

Sự phù hợp với nhu cầu cá nhân

Vì sao mỗi nhà đầu tư nên tự xây dựng phương pháp riêng? 

Thứ nhất, chỉ có bạn mới hiểu rõ nhất nhu cầu của bản thân. Bạn biết mình muốn gì, cần gì và khả năng đáp ứng của bạn như thế nào. 

Ví dụ cùng một số vốn là 10 triệu đồng đầu tư chứng khoán, sau 1 tháng, nhà đầu tư A cần phải đạt mức lãi ròng 2 triệu (20% vốn) mới cảm thấy thỏa mãn. Với nhà đầu tư B, chỉ cần đạt mức 1 triệu đồng (10% vốn) là đã hạnh phúc. Khác biệt nằm ở mục tiêu đầu tư của mỗi người. 

Thứ hai, mỗi nhà đầu tư khi tham gia thị trường cũng sẽ có thời gian đầu tư không giống nhau. Trong ví dụ trên, nhà đầu tư A cần thanh khoản linh hoạt với kỳ vọng đầu tư chỉ trong 2 tháng. Nhà đầu tư B có thể kiên trì bám với thị trường chứng khoán từ năm này sang năm khác. 

Mục tiêu khác nhau, thời gian đầu tư và kỳ vọng lợi nhuận khác nhau nên nếu chỉ lựa chọn một phương pháp đầu tư cụ thể, bạn sẽ khó linh hoạt hành động trong nhiều trường hợp. Vì vậy, bạn không nên nhất thiết phải lựa chọn 1 phương pháp đầu tư, mà có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, tùy mỗi thời điểm để đạt được mục tiêu đề ra.

Chuỗi đào tạo Phân tích kỹ thuật thực chiến - Áp dụng Fibonacci vào chiến lược đà tăng trưởng

 

II/ Các bước xây dựng phương pháp đầu tư

Xây dựng phương pháp đầu tư là một kỹ năng khó nhằn cả với những nhà đầu tư đã có ít nhiều kinh nghiệm trên thị trường. Kỹ năng này đòi hỏi nhà đầu tư phải dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc trong khi đầu tư và tuân thủ theo các bước trọng dưới đây.

Xác định kỳ vọng lợi nhuận và khả năng chịu đựng rủi ro

Khi đầu tư, bất kỳ ai cũng muốn đạt lợi nhuận cao và rủi ro thấp. Nhưng thế nào là cao và thế nào là thấp? Bạn cần đặt ra một con số cụ thể và thiết thực, phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân. Chẳng hạn bạn không nên chỉ kỳ vọng lợi nhuận ở mức 6 - 7%/năm - xấp xỉ với lãi suất tiền gửi ngân hàng (trung bình khoảng 5 - 6%/năm) bởi nếu như vậy, tốt hơn hết là bạn gửi tiết kiệm để đỡ tốn thời gian, công sức. Bạn cũng không nên đặt mục tiêu lãi bằng lần hay mỗi năm 50 - 70%... nếu bạn không phải là một chuyên gia (thậm chí rất ít chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận cao đến như vậy).

Đừng quên rằng lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro lớn. Hai giá trị này phải tương đương nhau. Bạn muốn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn phải “đặt cược” vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn nhưng tăng trưởng cũng tốt hơn. Còn nếu bạn cảm thấy không thể chịu đựng việc có thể mất đi một khoản vốn lớn, hãy hạ mức kỳ vọng của mình xuống. 

Xác định lợi nhuận và khả năng thua lỗ là bước không thể bỏ qua khi xây dựng phương pháp đầu tư. Đây là cơ sở để lựa chọn kênh đầu tư và phân bổ nguồn vốn phù hợp.

Chọn kênh đầu tư và phân bổ nguồn vốn

Lợi nhuận từ các kênh đầu tư/sản phẩm/loại hình đầu tư là không giống nhau và sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của thị trường. Ví dụ, xét trong 5 năm gần đây (2016 - 2020), hiệu suất sinh lời bình quân của cổ phiếu là 19,2% nhưng của trái phiếu chỉ là 9,8%/năm. Vì vậy, sau khi xác định mức lợi nhuận và rủi ro, bạn cần cân nhắc lựa chọn kênh đầu tư cũng như kế hoạch phân bổ nguồn vốn sao cho phù hợp nhất. Bỏ nhiều vốn vào kênh rủi ro lớn, ít vốn vào kênh rủi ro thấp hơn nếu bạn là người ưa mạo hiểm hoặc ngược lại. 

Tất nhiên, đầu tư sản phẩm nào với vốn bao nhiêu cũng còn phụ thuộc vào tổng số vốn bạn có và thế mạnh của bạn. Nhưng nếu là một người mới bắt đầu, bạn chỉ nên đầu tư vào những thứ bạn có hiểu biết nhất định. Cho dù bạn có thể là người ưa mạo hiểm, có khả năng chấp nhận thua lỗ lớn nhưng cũng đừng vì ham muốn kiếm tiền nhanh để rồi sau đó mất trắng. Cơ hội làm giàu luôn rộng mở, miễn là bạn không để mất hết tiền.

Lựa chọn phương pháp đầu tư phù hợp cho mỗi kênh tài sản

Đầu tư cổ phiếu khác với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ hay chứng khoán phái sinh. Mỗi loại tài sản khác nhau cần có phương pháp đầu tư khác nhau. 

Ví dụ với cổ phiếu, bạn có thể sử dụng phân tích kỹ thuật để tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn. Trái phiếu là một khoản đầu tư lâu dài nên cần chú trọng phân tích cơ bản để lựa chọn công ty uy tín, có khả năng trả lãi. Khi đầu tư chứng chỉ quỹ, cần lưu ý tới hiệu suất sinh lời của quỹ, tính công khai và minh bạch trong cung cấp thông tin…

Đưa ra chiến lược đầu tư và kế hoạch quản trị danh mục

Đưa ra chiến lược đầu tư là công việc yêu cầu nhiều kỹ năng, kiến thức. Đó là cách tiếp cận và phân tích thị trường, nền kinh tế, quan sát dòng tiền để lựa chọn ngành/nhóm ngành tiềm năng. Đó là việc đặt ra những tiêu chí chọn lọc cổ phiếu dựa theo phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, sử dụng bộ lọc, phần mềm hay kết hợp tất cả. Đó là phong cách đầu tư mà bạn muốn theo đuổi: ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Đó còn là điểm chốt lời, cắt lỗ, là việc sử dụng margin hay kỹ thuật “hedging” trên thị trường phái sinh nhằm hạn chế thua lỗ trong trường thị trường cơ sở đi xuống… Tóm lại, chiến lược đầu tư chính là con đường mà bạn lựa chọn để đạt mục tiêu lợi nhuận. 

Khi đã có một chiến lược, bạn cũng cần phải có kế hoạch để quản trị danh mục. Một cách dễ hiểu, quản trị danh mục là cách bạn quản lý danh sách các khoản đầu tư sao cho chúng luôn đảm bảo các tiêu chí lựa chọn ban đầu. Nếu trong một thời điểm nào đó có một khoản đầu tư không đáp ứng các tiêu chí đặt ra, bạn hãy cân nhắc tới việc bán nó và tìm kiếm các cơ hội mới. 

Theo dõi, điều chỉnh và đánh giá hiệu quả của chiến lược 

Trên thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng, không có gì là tuyệt đối 100% và dĩ nhiên, cũng không có một phương pháp, chiến lược đầu tư nào hoàn hảo, luôn đúng trong mọi thời điểm. Vì thế, để nâng cao hiệu suất đầu tư, việc theo dõi, điều chỉnh và đánh giá hiệu quả chiến lược theo thời gian là rất cần thiết. 

Mặt khác, quan điểm, suy nghĩ của mỗi nhà đầu tư cũng có thể thay đổi sau những sai lầm, bài học được từ thực tiễn. Do vậy, tiếp thu những ý tưởng tốt hơn, loại bỏ những sai sót trong tư duy để ngày càng hoàn thiện hơn chính là một trong những yếu tố quan trọng để thành công trên thị trường.

Xây dựng phương pháp đầu tư phù hợp với bản thân là khó nhưng không phải là không thể. Bạn cũng không nhất thiết phải thông thạo, tường tận mọi thứ một chuyên gia thì mới có thể tự xây dựng phương pháp đầu tư hiệu quả. Thành công sẽ không bao giờ “phớt lờ” những ai luôn có tinh thần cầu thị cũng như ý thức rèn luyện, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm.