Nếu như các nhà đầu tư giá trị thường sử dụng phân tích cơ bản để định giá cổ phiếu thì với chiến lược đầu tư tăng trưởng, phân tích kỹ thuật lại được ưu tiên hơn. Trong đó, CANSLIM và VCP là hai phương pháp giúp chọn lọc cổ phiếu khá phổ biến.
I/ Phương pháp CANSLIM
CANSLIM là một phương pháp đầu tư trên thị trường chứng khoán được phát triển bởi Willam O'neil - nhà sáng lập kiêm chủ tịch của tờ báo kinh tế Investor's Business. Phương pháp này được O'neil tìm ra khi nghiên cứu những cổ phiếu có lợi nhuận cao nhất từ năm 1953 – 1985.
Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu theo CANSLIM
Theo O'neil, những cổ phiếu tăng trưởng tốt, đáng đầu tư đều có chung các đặc tính cơ bản sau:
C - Current quarterly earnings per share - EPS (Lợi tức trên cổ phần quý hiện tại)
So với cùng kỳ, tăng trưởng EPS quý hiện tại và quý trước đó cần đạt tối thiểu 20% – 25%. Đồng thời, thu nhập phải đến từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.
A - Annual earnings growth (Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm)
Đây là tiêu chí được xem xét dựa trên các yếu tố như: doanh nghiệp có lãi, tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp trong 3 năm gần nhất; EPS hàng năm tăng trưởng thấp nhất từ 20 – 25%; tỷ suất lợi nhuận ROE từ 17% trở lên; lợi nhuận ròng của năm hoặc quý gần nhất phải đạt đỉnh mới.
Với 2 tiêu chí C và A, O’Neil đã xây dựng 2 chỉ số xếp hạng độc quyền là EPS rating và SMR rating nhằm để đánh giá thu nhập tổng hợp của doanh nghiệp. Trong đó:
EPS rating là chỉ số giúp đánh giá tăng trưởng thu nhập tổng hợp của doanh nghiệp theo thang điểm từ 1 - 99. EPS rating sử dụng số liệu EPS của 2 quý gần nhất và bình quân 3 năm gần nhất để đánh giá. Một cổ phiếu tốt sẽ có EPS rating từ 80 điểm trở lên.
SMR rating là chỉ số xếp hạng chất lượng EPS doanh nghiệp theo thang đo từ E (tệ nhất) đến A (tốt nhất). Chỉ số này được hình thành dựa trên việc đánh giá kết hợp 3 yếu tố: tăng trưởng doanh số, tỷ suất lợi nhuận và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. O’Neil cho rằng cổ phiếu tốt sẽ được xếp hạng B trở lên.
N - New products, New Management, New Highs (Sản phẩm mới, quản lý mới, mức giá mới)
Tiêu chí này được xây dựng nhằm lựa chọn thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu. Đó là khi doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới, bộ máy quản lý mới, hay có những chính sách/quy định thúc đẩy hoạt động ngành được áp dụng và quan trọng nhất là khi giá cổ phiếu mới thiết lập đỉnh.
S - Supply and Demand (Cung và cầu)
Nhà đầu tư nên ưu tiên những cổ phiếu đang được chính doanh nghiệp đang mua lại bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang kỳ vọng cao về sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi khối lượng giao dịch cổ phiếu trên thị trường. Cổ phiếu tốt đi kèm nhu cầu lớn sẽ là lựa chọn an toàn.
L - Leading industry (Cổ phiếu dẫn đầu ngành)
Nên mua cổ phiếu bluechips, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành hay đứng đầu trong một lĩnh vực nào đó. Tuyệt đối tránh cổ phiếu “đội sổ”.
Để phân biệt Cổ phiếu dẫn đầu và Cổ phiếu đội sổ, William O’Neil sử dụng Chỉ số sức mạnh giá tương đối (RS): một chỉ số tính toán thành tích về giá của một cổ phiếu cho trước so với các cổ phiếu còn lại trên thị trường trong 52 tuần gần nhất.
I – Institutional Sponsorship (Sự ủng hộ của đế chế tài chính)
Đây là tiêu chí khẳng định sự quan trọng của các cổ đông doanh nghiệp là tổ chức như quỹ tương hỗ, ngân hàng, quỹ hưu trí… Lý do là bởi những tổ chức này thường có đội ngũ chuyên gia phân tích chuyên nghiệp nên rất khắt khe trong việc lựa chọn cổ phiếu. Do đó, cổ phiếu mà họ lựa chọn thường không phải là “hàng rởm”.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc cổ phiếu có số lượng quỹ tham gia sở hữu đang tăng lên hoặc được các tổ chức lớn, nội bộ doanh nghiệp mua vào thêm. Mặt khác, cần chú ý tới những cổ phiếu mà nội bộ công ty hay các tổ chức liên tục bán ra vì đó có thể là một tín hiệu không tốt.
M – Market direction (định hướng thị trường)
Nhà đầu tư cần xác định xu hướng thị trường để lựa chọn danh mục và điều chỉnh tỷ lệ vốn phù hợp.
Đánh giá về phương pháp CANSLIM
Có thể nói, CANSLIM là sự tổng hòa của cả phân tích kĩ thuật lẫn cơ bản, kết hợp giữa yếu tố định lượng và định tính. Đây là phương pháp chọn cổ phiếu khá khách quan và hiệu quả. Tuy nhiên để tìm được một cổ phiếu hội tụ cả 7 yếu tố trên là rất khó. Do đó, trong quá trình áp dụng, nhà đầu tư không nên quá máy móc. Thực tế bạn chỉ cần tìm được cổ phiếu đáp ứng được 4-6 các tiêu chí thì độ rủi ro khi tham gia thị trường cũng đã giảm đi rất nhiều.
II/ Tìm cổ phiếu theo mẫu hình VCP
VCP là một phương pháp giúp lựa chọn cổ phiếu đã được các nhà đầu tư trên thế giới áp dụng khoảng một thập kỷ nhưng tại Việt Nam, nó chỉ thực sự được biết đến khi cuốn sách “Giao Dịch như một phù thủy chứng khoán” của Mark Minervini trở nên thịnh hành.
Mẫu hình VCP là gì?
VCP - Volatility Contraction Pattern là mẫu hình thu hẹp biên độ biến động giá. Khi thực hiện các giao dịch, Mark Minervini phát hiện ra rằng trong một xu hướng tăng, giá thường biến động mạnh rồi thu hẹp dần dần biên độ biến động trước khi “break out” - bứt phát lên một nền giá mới để tiếp diễn xu hướng. VCP được Mark Minervini ví như “chén thánh” trong giao dịch chứng khoán, giúp nhà đầu tư được mệnh danh là "Phù thủy Trader" đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm đạt 3 con số.
Để nhận diện mô hình VCP, nhà đầu tư cần chú ý vào các đặc điểm sau đây:
Độ biến động giá thu hẹp dần với số lần thu hẹp từ 2-6 lần, độ biến động đầu tiên điều chỉnh ở mức 10 - 35%, kéo dài trong 3-5 tuần. Biên độ của mỗi lần điều chỉnh thu hẹp giảm dần.
Khối lượng giao dịch giảm dần.
Trong một chu kỳ của cổ phiếu (gồm 4 giai đoạn là tích lũy, tăng giá, phân phối, giảm giá), mô hình VCP sẽ nằm trong giai đoạn tăng giá. So với vùng tích lũy ban đầu, giá đã tăng khoảng 30-40%.
Xét về bản chất, mẫu hình VCP hình thành dựa trên quy luật cung - cầu. Qua các đợt điều chỉnh, nguồn cung giảm dần cho đến khi cạn kiệt, dẫn tới biên độ của mỗi lần điều chỉnh sẽ giảm dần. Khi nguồn cung cạn kiệt, bên mua giành chiến thắng, cổ phiếu sẽ được đẩy lên một nền giá mới.
Lưu ý khi sử dụng VCP
Mẫu hình VCP được sử dụng để tìm kiếm thời điểm mua tốt nhất khi cổ phiếu đang trong trend tăng dài hạn. Theo Minervini, đó là tại phiên trước break out (phiên volume cạn kiệt), hoặc bạn cũng có thể mua tại phiên break out. Để phân tích mẫu VCP, nhà đầu tư nên lựa chọn khung thời gian theo ngày hoặc đôi khi là theo tuần.
Nếu tìm cổ phiếu theo mẫu hình này, bạn nên kiên nhẫn chờ đợi VCP hoàn tất thì mới thực hiện mua vào để tránh trường hợp chôn vốn hoặc không đạt lợi nhuận tối ưu khi mua vào/bán ra quá sớm.
Trên đây là hai mô hình giúp tìm mua cổ phiếu và xác định thời điểm mua được đánh giá cao trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ mô hình, phương pháp đầu tư nào, hiệu quả mà CANSLIM hay VCP sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của mỗi nhà đầu tư. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp thêm với các cách phân tích, chọn lọc cổ phiếu khác để tăng độ chính xác, giảm thiểu rủi ro khi giao dịch.