Đầu tư cổ phiếu dễ hay khó?

Kể từ sau cú rơi của thị trường chứng khoán vào năm 2008, đã rất lâu rồi người ta mới lại thấy một cơn sốt đầu tư cổ phiếu như hiện nay. Người người nhà nhà nói về đầu tư, về các mã cổ phiếu, về việc kiếm lợi nhuận trong mơ chỉ sau vài giao dịch. Nhưng thực sự đầu tư cổ phiếu nói riêng và chứng khoán nói chung có dễ như vậy?

I/ Đầu tư cổ phiếu dễ hay khó?

Với sự bùng nổ của công nghệ, của smartphone, rào cản đầu tư chứng khoán gần như không có. Chỉ cần CCCD hoặc CMND, bạn có thể mở tài khoản chứng khoán online một cách dễ dàng thông qua các ứng dụng, sau đó là nạp tiền và mua bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… trên thị trường. Vốn đầu tư chứng khoán cũng không quá lớn, chỉ từ vài triệu đồng là mua được các mã penny, midcap, quá trình giao dịch diễn ra nhanh chóng. 

Nhà đầu tư ít vốn có thể “đánh chứng khoán” theo chuyên gia, nghe ngóng thông tin từ các hội nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn để mua cổ phiếu. Nếu tài chính tốt hơn, bạn có thể thuê tư vấn, bỏ tiền để tham gia các room “phím hàng” những cổ phiếu tốt. Ở góc độ này, đầu tư chứng khoán rất dễ. Bất kỳ ai cũng có thể “chơi”.

Nhưng nếu đầu tư cổ phiếu dễ như vậy thì tại sao vẫn có tới 90 - 95% nhà đầu tư mất tiền trên thị trường? 

Đây là lại một câu chuyện khác. Câu chuyện của việc coi đầu tư là nghiêm túc, là trí tuệ hơn là may rủi. Với những ai đã có kinh nghiệm với thị trường, đầu tư cổ phiếu khó, thậm chí là rất khó. Lý do là bởi giữa hàng trăm mã cổ phiếu được niêm yết, bạn phải có khả năng dự báo đúng mã cổ phiếu sẽ tăng giá và mang về lợi nhuận. Và tất nhiên, công việc này thì không phải ai cũng làm được. Về cơ bản, bạn sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu, phân tích các yếu tố của doanh nghiệp như tình hình kinh doanh, lợi nhuận, lãnh đạo, triển vọng trong ngành... đồng thời nắm được các kỹ năng phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm mua bán hợp lý.

Chỉ cần một sai lầm nhỏ trong quá trình này, bạn có thể chọn sai cổ phiếu, thua lỗ và thậm chí là mất trắng khoản vốn đầu tư nếu không dừng lỗ.

II/ Nên chọn mua cổ phiếu như thế nào?

Đầu tư cổ phiếu khó vì việc chọn cổ phiếu không hề đơn giản. Có khá nhiều cách lựa chọn cổ phiếu khác nhau song 3 phương pháp phổ biến hiện nay là: 

  • Phân tích cơ bản
  • Phân tích kỹ thuật
  • Phân tích định lượng 

Phân tích cơ bản (Fundamental analysis)

Phân tích cơ bản (FA) là phương pháp thông dụng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn trước năm 2010 và thường gắn với trường phái đầu tư giá trị. Bản chất của phân tích cơ bản là định giá cổ phiếu phù hợp, đồng thời đánh giá đúng tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu.

Khi phân tích cơ bản, nhà đầu tư cần kiểm tra tất cả các yếu tố có thể tác động đến giá cổ phiếu. Bao gồm:

  • Đội ngũ quản lý, nhân lực
  • Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng, kết quả kinh doanh…
  • Nhu cầu thị trường với sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp
  • Lợi thế cạnh tranh trên thị trường
  • Vị thế trong ngành của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động so với đối thủ và trên thị trường
  • Triển vọng của ngành kinh doanh trong tương lai

Từ những thông tin thu thập được, nhà đầu tư có thể đánh giá giá trị hiện tại và kỳ vọng giá trong tương lai của cổ phiếu đó. Khi giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn giá trị thật (giá trị sổ sách) với một biên an toàn tối thiểu nên là 20 - 30%, đó là thời điểm thích hợp để tham gia thị trường.

Phân tích kỹ thuật (Technical analysis)

Phân tích kỹ thuật (TA) là phương pháp sử dụng các biểu đồ, đồ thị giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để phân tích biến động cung - cầu  nhằm dự đoán xu hướng giá trong tương lai, từ đó xác định thời điểm mua bán hoặc nắm giữ cổ phiếu.

3 tiền đề tạo cơ sở nền tảng cho phân tích kỹ thuật là:

  • Giá cả phản ánh tất cả
  • Giá dịch chuyển theo xu hướng
  • Lịch sử sẽ tự lặp lại trong tương lai

Khi phân tích kỹ thuật chứng khoán, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với nhiều phương pháp giao dịch, trong đó giao dịch theo hành động giá (Price action), giao dịch theo xu hướng (trending trading) và giao dịch theo chỉ báo kỹ thuật  (technical indicator) dường như phổ biến hơn cả. 

  • Giao dịch theo hành động giá: Nhà đầu tư cho rằng giá cả là thông tin duy nhất cần quan tâm và việc giao dịch sẽ được thực hiện trên biểu đồ giá mà không sử dụng bất cứ chỉ báo hay công cụ kỹ thuật nào khác.
  • Giao dịch theo xu hướng: Đây là kiểu giao dịch mà nhà đầu tư sẽ thay đổi vị thế tham gia thị trường tùy thuộc vào xu hướng của cổ phiếu. Nếu cổ phiếu có xu hướng tăng giá, nhà đầu tư giao dịch với vị thế mua. Khi cổ phiếu có xu hướng giảm giá, nhà đầu tư có thể chọn tham gia vào vị thế bán. (investopedia.com)
  • Giao dịch theo chỉ báo kỹ thuật: Nhà đầu tư sử dụng các công cụ chỉ báo (chỉ báo xu hướng, chỉ báo động lượng, chỉ báo khối lượng giao dịch, chỉ báo đo lường độ biến động và sức mạnh của thị trường) để xác định điểm vào lệnh, thoát lệnh và các quy tắc quản lý giao dịch.

Phân tích định lượng - Quantitative Analysis

Phân tích định lượng (QA) là một kỹ thuật phân tích cổ phiếu sử dụng mô hình toán học và thống kê, đo lường và nghiên cứu để hiểu hành vi. Theo đó, các dữ liệu từ thị trường như giá, khối lượng cung cầu, tin tức, dữ liệu kinh tế… sẽ được máy học phân tích, tính toán để cho ra một kết quả. Từ kết quả này, nhà đầu tư có thể nắm được diễn biến, tâm lý thị trường, sự chuyển động của các dòng tiền lớn… từ đó tìm kiếm cơ hội đầu tư, xác định thời điểm tham gia thị trường có lợi nhất. 

Với sự hỗ trợ của máy tính, trí tuệ nhân tạo, phân tích định lượng có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn. Đây có thể nói là ưu điểm nổi trội nhất của phân tích định lượng, giải quyết được những hạn chế của phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. 

Chuỗi bài đào tạo về phân tích và nhận định thị trường từ Finashark

Phần I: Nhập môn đầu tư chứng khoán

 

III/ Phương pháp chọn cổ phiếu nào là tốt nhất?

Khi cần thiết lập danh mục dài hạn, nhà đầu tư nên lựa chọn phân tích cơ bản để lựa chọn cổ phiếu chất lượng. Vì thế, phương pháp này sẽ phù hợp với người theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn, e ngại rủi ro ngắn hạn, không muốn giao dịch hàng ngày.

Ngược lại, phương pháp phân tích kỹ thuật lại có thể bù trừ hạn chế của phân tích cơ bản khi có thể giúp nhà đầu tư đưa ra chiến lược giao dịch và kiểm soát rủi ro từ biến động giá. Do đó, nó thường được sử dụng khi cần vạch ra chiến lược đầu tư ngắn và trung hạn, phù hợp với diễn biến thị trường và kiểm soát rủi ro cho danh mục.

Trong khi đó, phân tích định lượng được ứng dụng để tìm các cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sử dụng phương pháp này để đánh giá sự ổn định tài chính của một công ty.

Có thể thấy, mọi phán đoán, mọi phân tích đều chỉ mang tính tương đối, không có phương pháp nào đảm bảo tính chính xác 100%, áp dụng được trong mọi thời điểm. Vậy nên việc chọn phương pháp phân tích cổ phiếu nào sẽ tùy thuộc vào kỳ vọng lợi nhuận, khẩu vị rủi ro và đặc biệt là chiến lược của nhà đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy chắc chắn rằng bạn muốn gì, bạn cần gì để có quyết định sáng suốt.