Nên lựa chọn sản phẩm chứng khoán nào để tham gia?

Cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ quỹ, mỗi loại chứng khoán sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định. Việc lựa chọn sản phẩm nào để tham gia thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kiến thức, sở thích, kỳ vọng lợi nhuận, mức độ chịu rủi ro… của mỗi nhà đầu tư.

I/ Ưu và nhược điểm của các loại chứng khoán 

Sự đa dạng các loại chứng khoán giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn nhưng đồng thời cũng khiến họ khó có thể đưa ra quyết định. Cần lưu ý rằng không có một sản phẩm nào hoàn hảo, đáp ứng tất cả tiêu chí của nhà đầu tư mà mỗi loại sẽ có những lợi thế và hạn chế nhất định, phù hợp với cá tính, phong cách riêng của từng người. 

5 loại chứng khoán phổ biến nhất tại Việt Nam

Cổ phiếu: Là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành. Lợi nhuận từ cổ phiếu có thể do hưởng chênh lệch giá mua-bán, nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng.

Trái phiếu: Là chứng khoán nợ, ghi nhận nghĩa vụ trả nợ của bên vay với bên cho vay. Lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu là khoản tiền lãi mà đơn vị phát hành trái phiếu phải trả thường kỳ cho người mua. 

Chứng chỉ quỹ: Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với phần vốn góp của mình vào quỹ đại chúng hay còn gọi là quỹ mở (Theo điều 4, luật chứng khoán 2019). Khi quỹ hoạt động hiệu quả và sinh lời, nhà đầu tư sẽ được nhận lại và số lãi sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn ban đầu. 

Chứng khoán phái sinh: Là công cụ tài chính, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. Sản phẩm được giao dịch: Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30, HNX.

Chứng quyền có đảm bảo: Là chứng khoán có tài sản đảm bảo do Công ty chứng khoán phát hành, được niêm yết trên sàn chứng khoán và có mã giao dịch riêng. Chứng quyền có đảm bảo luôn gắn liền với 1 mã chứng khoán cơ sở (ETF, cổ phiếu, chỉ số...) để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ. Chứng quyền có bảo đảm cung cấp cho nhà đầu tư quyền hưởng giá chênh lệch của cổ phiếu. Nếu đang sở hữu chứng quyền và có lãi, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận bằng cách bán trực tiếp trên sàn hoặc chờ đến ngày đáo hạn.

So sánh ưu, nhược điểm các loại chứng khoán

Loại chứng khoán

Ưu điểm

Nhược điểm

Cổ phiếu

  • Tính thanh khoản cao.
  • Đa dạng hình thức kiếm lợi nhuận: mua/bán cổ phiếu trên thị trường, hưởng lợi tức...
  • Lợi nhuận hấp dẫn, trung bình có thể đạt từ 15 - 20%/năm.
  • Vốn đầu tư thấp, luôn có cơ hội để kiếm lời.
  • Một số quyền lợi của cổ đông.
  • Biến động nhanh và mạnh, tâm lý đầu tư có thể bị tác động ít nhiều.
  • Cần nhiều thời gian để tìm hiểu thị trường và quản lý danh mục.
  • Rủi ro lớn.

Trái phiếu

  • Lợi nhuận ổn định và bền vững hơn cổ phiếu.
  • Không mất nhiều thời gian để theo dõi thị trường.
  • Có thể chuyển nhượng.

+ Doanh nghiệp không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán đúng hạn.

  • Rủi ro định giá lãi suất điều chỉnh.
  • Thanh khoản thấp.

Chứng khoán phái sinh

  •  Công cụ giúp phòng ngừa rủi ro hiệu quả. 
  • Có thể bán khống, giao dịch T+0 chốt lời/lãi trong ngày.
  • Tính linh hoạt rất cao, nhà đầu tư có thể liên tục thay đổi vị thế. 

+ Tỷ lệ đòn bẩy cao, chỉ cần ký quỹ một phần giá trị hợp đồng. 

  • Biến động giá lớn và nhanh. 
  • Đòn bẩy cao cũng có thể mang lại rủi ro lớn nếu không biết cách kiểm soát. 

Chứng chỉ quỹ

  • Không cần nhiều kiến thức và thời gian nghiên cứu mà vẫn đạt được lợi nhuận tốt.
  • Rủi ro thấp, quỹ được quản lý bởi đội ngũ chuyên gia. 
  • Tính thanh khoản cao tương đương với cổ phiếu, trái phiếu.
  • Thích hợp để tích lũy dài hạn.
  • Phải trả phí quản lý quỹ.
  • Không tham gia vào việc lựa chọn đầu tư.
  • Vẫn có rủi ro thua lỗ nếu quỹ hoạt động không hiệu quả.

Chứng quyền có bảo đảm

  • Vốn đầu tư thấp
  • Không cần ký quỹ
  • Tỷ suất lợi nhuận cao
  • Giao dịch dễ dàng

+ Mất hết chi phí đã bỏ ra mua CW nếu đến ngày đáo hạn lỗ hoặc hòa vốn.

+ Đòn bẩy cao, nguy cơ lỗ cao nếu không biết cách kiểm soát..

+ Vòng đời CW giới hạn, chỉ từ 3 đến 24 tháng.

+ Tổ chức phát hành không có khả năng thanh toán.

Chuỗi đào tạo Phân tích kỹ thuật thực chiến - Phần 3

 

II/ Nên lựa chọn loại chứng khoán nào?

Cho đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu vẫn là sản phẩm chứng khoán được ưa chuộng nhiều nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán phái sinh, chứng quyền, chứng chỉ quỹ cũng ngày càng được nhiều nhà đầu tư biết đến và lựa chọn. Và như đã đề cập, việc lựa chọn loại chứng khoán nào hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi nhà đầu tư. 

Trước khi quyết định

Để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với bản thân, trước tiên bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Mục đích đầu tư: Bạn đầu tư để tích lũy tài chính lâu dài hay muốn có nguồn thu nhập thụ động ngắn hạn? 
  • Hoàn cảnh/sở thích cá nhân: Bạn có nhiều thời gian, có thể dành nhiều giờ để nghiên cứu, theo dõi bảng giá, bạn thích giao dịch hàng ngày hay muốn tập trung thời gian và sức lực cho những công việc chính khác? Bạn là người ưa mạo hiểm hay thích sự an toàn, ổn định. Bạn kỳ vọng lợi nhuận như thế nào khi tham gia thị trường: Chỉ cần cao hơn gửi tiết kiệm hay phải đạt mức 15 - 20%/năm hoặc hơn?
  • Điều kiện tài chính: Bạn có khoản tiền nhàn rỗi lớn (khoảng vài trăm triệu đồng) hay nhỏ (vài triệu đến vài chục triệu đồng). Nhu cầu sử dụng khoản tiền nhàn rỗi của bạn ra sao? (trường hợp cần gấp thì bạn có một khoản dự trữ nào khác không?)

Gợi ý dành cho nhà đầu tư

Nếu bạn là nhà đầu tư mới, vốn ít, hiểu biết và kinh nghiệm với thị trường còn hạn chế, bạn nên lựa chọn đầu tư vào quỹ. Nếu tài chính dư giả, có ý định theo thị trường lâu dài, bạn có thể tham khảo trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó, các nhà đầu tư ưa mạo hiểm, muốn kiếm lời nhanh có thể chọn cổ phiếu, chứng khoán phái sinh, chứng quyền… Song cần lưu ý rằng những sản phẩm chứng khoán này sẽ đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức nhất định về tài chính để có thể trụ lại lâu dài.

Các gợi ý trên đây chỉ mang tính tham khảo bởi thời gian, thời điểm tham gia thị trường của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Nhưng dù lựa chọn loại chứng khoán nào, bạn cũng cần cân nhắc kỹ càng thiệt hơn và có chiến lược đầu tư rõ ràng, nhất là với những chứng khoán dễ biến động như cổ phiếu, chứng khoán phái sinh, chứng quyền.

Thị trường chứng khoán sẽ luôn có cơ hội cho tất cả các sản phẩm, miễn là bạn coi đây là công việc đầu tư nghiêm túc và thực sự đặt tâm, trí vào mỗi khoản đầu tư của mình.