Phân tích kỹ thuật - Phương pháp đầu tư chứng khoán phù hợp cho nhà đầu tư cá nhân

Nếu như các quỹ đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường với nguồn lực lớn, kinh nghiệm dày dạn có thể lựa chọn nhiều phương pháp đầu tư khi tham gia vào thị trường thì với nhà đầu tư cá nhân, phân tích kỹ thuật (TA) được đánh giá là giải pháp hiệu quả hơn cả.

Tiếp cận

Thực tế, để đạt hiệu quả đầu tư tốt nhất, nhà đầu tư không nên chỉ áp dụng một phương pháp cố định nào mà nên linh hoạt sử dụng các phương pháp tùy theo chiến lược trong các giai đoạn thị trường. Tuy nhiên, nếu phải chọn một phương pháp đầu tư phù hợp nhất cho nhà đầu tư cá nhân, phân tích kỹ thuật nên là ưu tiên hàng đầu.

I/ Vì sao nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng phân tích kỹ thuật?

Để trả lời câu hỏi này, có 2 cần làm rõ.

Thứ nhất, nhà đầu tư cá nhân - họ là ai, họ mong muốn gì khi tham gia thị trường? Thứ hai, phương pháp phân tích kỹ thuật đáp ứng được nguyện vọng của họ như thế nào?

Với câu hỏi thứ nhất, phần lớn nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam là nhà đầu tư nghiệp dư, nhà đầu tư “tay ngang”. Họ bước chân vào thị trường chứng khoán với mục tiêu là kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Họ yêu thích và hạnh phúc khi nhìn thấy những con số trong tài khoản tăng lên từng ngày thay vì phải đợi hàng tháng, hàng năm để thấy rõ sự thay đổi này. Mặt khác, với nguồn lực và kiến thức về tài chính còn hạn chế, nhà đầu tư cá nhân khó có thể áp dụng phân tích cơ bản để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các báo cáo tài chính doanh nghiệp, tình hình kinh tế vĩ mô, vi mô… vốn là những công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức trong quá trình xử lý dữ liệu.

Trong khi đó, ưu điểm của phân tích kỹ thuật là đưa ra kết quả nhanh về xu hướng giá của chứng khoán trong ngắn và trung hạn mà không đòi hỏi nhà đầu tư phải có nhiều kiến thức về tài chính. Phân tích kỹ thuật chỉ tập trung vào giá và khối lượng, cho rằng lịch sử có tính lặp lại và từ đó có thể giúp nhà đầu tư xác định thời điểm thích hợp để mua, bán hay nắm giữ bằng cách nghiên cứu các dữ liệu trong quá khứ. Đồng thời, thông qua các công cụ, chỉ báo kỹ thuật, nhà đầu tư còn có thể nhận biết sớm các tín hiệu về sự thay đổi mức giá chứng khoán để từ đó có phương án, thay đổi phù hợp với diễn biến của thị trường. 

Có thể thấy, về cơ bản, phân tích kỹ thuật không quá khó để học và thời gian tìm hiểu cũng không quá lâu, phù hợp với điều kiện của số đông nhà đầu tư cá nhân.

Chuỗi đào tạo Phân tích kỹ thuật thực chiến: Đồ thị nến phần 2

 

II/ Sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật thế nào?

Mặc dù phân tích kỹ thuật không quá khó để học nhưng để áp dụng và mang lại kết quả đầu tư tốt thì cũng không hề đơn giản. Đó là lý do vì sao phân tích kỹ thuật được đánh giá là hiệu quả cho nhà đầu tư cá nhân nhưng phần lớn nhà đầu tư theo trường phái này thua lỗ. Để sử dụng phân tích kỹ thuật, bạn cần phải có cách tiếp cận phù hợp, nắm rõ các công cụ phân tích cũng như dành thời gian để rèn luyện thường xuyên, nâng cao kỹ năng.

Cách tiếp cận phân tích kỹ thuật

Về hướng tiếp cận, nhà đầu tư có thể áp dụng phân tích Top-down (phân tích từ trên xuống) để:

  • Phân tích kỹ thuật bức tranh tổng quan toàn thị trường

  • Phân tích kỹ thuật ngành để xác định ngành triển vọng

  • Phân tích kỹ thuật với cổ phiếu tiềm năng trong ngành

Khi phân tích kỹ thuật ở cấp độ cổ phiếu theo Top-down, nhà đầu tư có thể chuyển từ các khung thời gian rộng hơn sang các khung hẹp hơn. Trước tiên, để xác định xu hướng dài hạn của chứng khoán cũng như mức hỗ trợ và kháng cự, bạn có thể phân tích biểu đồ tháng và sau đó chuyển sang khung thời gian theo tuần, theo ngày để thiết lập điểm vào lệnh tốt. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng Bottom-up - hướng tiếp cận từ dưới lên, đi vào chứng khoán riêng lẻ thay vì phân tích theo quan điểm vĩ mô. Tuy nhiên, cách này sẽ phù hợp hơn với các nhà đầu tư dài hạn hơn.

4 nhóm công cụ phân tích kỹ thuật thông dụng

Đối với công cụ phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư cần lưu ý tới 4 nhóm dưới đây.

Chỉ báo xu hướng (trend indicators) giúp nhận biết được xu hướng hiện tại của thị trường, xác định lực mạnh/yếu của xu hướng và đôi khi có thể dự báo được cả khả năng đảo chiều của xu hướng. Một số chỉ báo quen thuộc hiện nay bao gồm:

  • Đường trung bình di động (Moving Average - đường MA) dự báo thị trường đang hình thành xu hướng giá tăng hay giảm. 

  • Ichimoku Kinko Hyo (mây Ichimoku) được tạo từ 5 đường (Tenkan-sen, Kijun-sen, Senkou span A, Senkou span B, Chikou span, Komo) giúp xác định vùng hỗ trợ - vùng kháng cự và kiểm tra xem thị trường đang có xu hướng hay không.

Chỉ báo động lượng (momentum) cho thấy sự chuyển động của giá theo thời gian và mức độ mạnh của những chuyển động đó, bất kể giá tăng hay giảm. Hai chỉ báo tiêu biểu trong nhóm này gồm có: 

  • Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) được biểu diễn dưới dạng dao động số từ 0 - 100, là chỉ báo về biến động giá, giúp xác định độ mạnh yếu của một tài sản so với chính nó trong một chu kì. Thực tế, phần lớn các nhà đầu tư dùng RSI để xác định mở tín hiệu giao dịch.

  • Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) giúp nhận biết các biến đổi về động lượng, hướng và thời gian về hành động giá, đồng thời cảnh báo thay đổi về hướng và sức mạnh của một xu hướng.

Chỉ báo biến động cho biết sự thay đổi của giá trong một khoảng thời gian nhất định, gồm 2 chỉ báo thông dụng là:

  • Chỉ báo phạm vi dao động thực (ATR) dùng để đo lường sự biến động của thị trường, từ đó giúp xác định điểm vào - ra dựa theo biến động giá.

  • Dải Bollinger (Bollinger  band - BB) được xây dựng dựa trên đường trung bình đơn giản (Simple Moving Average) nhằm dự báo thay đổi về giá. Thị trường đang quá mua khi giá di chuyển đến phía trên của dải BB và đang quá bán nếu giá di chuyển xuống đáy dải BB. 

Chỉ báo về khối lượng (volume indicators) cho biết khối lượng giao dịch của tài sản trong một khoảng thời gian. Chỉ báo tiêu biểu trong nhóm này gồm: 

  • Chỉ số dòng tiền (Money Flow Index - MFI) là chỉ số dao động từ 0 - 100, cho biết thông tin một tài sản có đang quá mua hay quá bán hay không. Bên cạnh đó, MFI cũng được dùng để quan sát sự thay đổi xu hướng thị trường. 

  • Đường tích lũy/phân phối (A/D) dùng để xác định xem một tài sản đang được tích lũy (mua) hay phân phối (bán), đồng thời giúp nhận định được xu hướng tăng/ giảm và các dấu hiệu phân kỳ, đảo chiều giá.

Lưu ý, ngoài cách chia nhóm chỉ báo dựa vào vai trò, chức năng như trên, các công cụ chỉ báo phân tích kỹ thuật còn có thể được chia thành nhóm chỉ báo sớm (đưa ra tín hiệu về biến động giá trong tương lai) và chỉ báo trễ (xác định xu hướng giá). 

Mặc dù phân tích kỹ thuật vẫn có những hạn chế và sai sót nhất định song phương pháp này vẫn sẽ mang lại kết quả khả quan nếu nhà đầu tư áp dụng đúng và tích lũy kinh nghiệm qua các giao dịch.