Phương pháp lên kịch bản thị trường: Tìm động lực cho xu hướng

Xây dựng kịch bản cho thị trường, dự đoán những tình huống, diễn biến có thể xảy ra để có phương án xử lý chủ động, kịp thời là kỹ năng quan trọng khi quản trị nguồn vốn. Và tìm động lực cho xu hướng chính là phương pháp hiệu quả để lên kịch bản thị trường mà nhà đầu tư có thể áp dụng.

I/ Kịch bản thị trường là gì?

Nếu như các chương trình truyền hình cần có biên kịch để lên ý tưởng trước mỗi số phát sóng thì nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng cần xây dựng kịch bản cho thị trường. Một cách dễ hiểu, kịch bản thị trường chứng khoán là những kỳ vọng, phán đoán của nhà đầu tư về diễn biến thị trường xảy ra trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, được đưa ra dựa trên các dữ liệu quá khứ và khả năng phân tích tình hình hiện tại.

Kịch bản càng chi tiết, càng cân nhắc nhiều yếu tố thị trường thì khả năng xảy ra càng cao. Khi thị trường đi đúng kịch bản đã vạch ra trước đó, hiệu suất đầu tư sẽ được tối ưu hóa. Ngược lại, nếu trong quá trình lên kịch bản, bạn không nghiên cứu kỹ hay bỏ qua các thông tin nào đó thì xác suất kịch bản xảy ra sẽ thấp hoặc thậm chí không xảy ra. Lúc này, nhà đầu tư sẽ rơi vào trạng thái bị động, tâm lý có thể bị ảnh hưởng ít nhiều dẫn tới dễ đưa ra những quyết định thiếu chính xác.

Xây dựng kịch bản không chỉ thể hiện tư duy, năng lực mà còn cho thấy thái độ và sự nghiêm túc của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường. Và mặc dù rất khó để đưa ra các dự báo – đặc biệt là những dự báo về tương lai nhưng việc lên kịch bản thị trường sẽ giúp nhà đầu tư ở trong tâm thế chủ động, có phương án trong các tình huống bất ngờ, giảm độ rủi ro xuống mức thấp hơn hay nắm bắt những cơ hội tốt. Nhất là trong bối cảnh sắp tới, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng khó lường. 

Lên kịch bản thị trường cũng giống như việc lên kế hoạch đi dã ngoại hoặc đi du lịch “phượt”. Việc tính toán kỹ các chi phí, nhu cầu, sở thích, thời tiết, quỹ thời gian, tiền bạc… để có chuyến đi an toàn, hiệu quả nhất là vô cùng cần thiết.

II/ Các yếu tố cần cân nhắc khi lên kịch bản thị trường

Khi xây dựng kịch bản thị trường, nhà đầu tư cần phải phân tích các dữ liệu từ quá khứ tới hiện tại. Về cơ bản, bạn có thể sử dụng phương pháp Top-down, tiếp cận thị trường từ vĩ mô đến vi mô.

Phân tích yếu tố vĩ mô

Ở cấp độ vĩ mô, những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán nhà đầu tư cần chú ý khi xây dựng kịch bản là:

  • Các chính sách điều tiết thị trường như chính sách tiền tệ, tài khóa của NHTW, đặc biệt là các NHTW lớn trên thế giới như FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ), ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), BoJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản). 

  • Các chỉ báo vĩ mô như chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, chỉ báo tỷ lệ thất nghiệp NFP, chỉ số giá tiêu dùng CPI, Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic BDI, tỷ giá, lãi suất điều hành...

  • Các yếu tố thị trường như tài sản trú ẩn an toàn (bao gồm giá vàng, đồng CHF, đồng JPY), giá năng lượng (dầu mỏ khí đốt), giá cả hàng hóa, yếu tố liên quan đến chiến tranh, dịch bệnh.

Qua việc phân tích các yếu tố vĩ mô, nhà đầu tư sẽ có góc nhìn toàn cảnh về nền kinh tế thế giới và trong nước, nắm bắt được điều gì đã, đang diễn ra trên toàn cầu và dự báo tác động của những sự kiện này trong tương lai. Chẳng hạn như thông tin FED và nhiều NHTW lớn tăng lãi suất mới đây có thể khiến đồng USD tăng giá, kéo theo đó là biến động tỷ giá; thị trường chứng khoán Mỹ, EU và một số thị trường Châu Á (không loại trừ Việt Nam) có thể tăng điểm, phản ánh kỳ vọng kinh tế thế giới đang phục hồi khá tốt…

Phân tích yếu tố vĩ mô sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra kỳ vọng thị trường tích cực hay tiêu cực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đây là cơ sở để bạn quyết định nên gia tăng hay giảm bớt vốn trong từng hoàn cảnh thị trường.

Phân tích yếu tố vi mô

Bên cạnh yếu tố vĩ mô, quá trình xây dựng kịch bản thị trường cũng không thể bỏ qua các yếu tố vi mô như: 

  • Vận động từ nhóm ngành, bao gồm nhóm ngành có tính chu kỳ (thiết yếu), nhóm ngành không có tính chu kỳ (nhóm ngành xa xỉ phẩm).

  • Vận động từ cổ phiếu trong nhóm ngành nhằm xác định công ty nào tốt nhất trong nhóm ngành đó.

Mục đích của việc phân tích vi mô là tìm được nhóm ngành có kỳ vọng hưởng lợi từ kịch bản thị trường, tiếp đến là thông qua phương pháp và công cụ/phần mềm phân tích để tìm được cổ phiếu tốt nhất, nổi bật nhất trong nhóm ngành đó và đưa vào danh mục đầu tư, chờ thời điểm thích hợp để xuống tiền. 

Chuỗi đào tạo Phân tích kỹ thuật thực chiến - Bí quyết thực chiến với đường xu hướng giá.

 

III/ Động lực cho xu hướng

Ngoài sự kỳ vọng, thị trường cần động lực để xác nhận xu hướng. Động lực với thị trường tài chính là dòng tiền tham gia - biểu hiện rõ ràng nhất cho quyết định của nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng. Kỳ vọng chưa thể tạo ra xu hướng mà chính dòng tiền mới xây dựng xu hướng giá tăng, giảm hay đi ngang. 

Dù không phủ nhận vai trò của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, đặc biệt trong giai đoạn thị trường thăng hoa như thời gian vừa qua nhưng cần lưu ý rằng dòng tiền có thể tạo ra xu hướng cho thị trường, dẫn dắt thị trường là dòng tiền lớn, dòng tiền thông minh từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dòng tiền lớn đổ vào nhóm ngành nào, cổ phiếu nào thì xu hướng sẽ được tạo lập ở đó. 

Để tìm được dòng tiền lớn có tham gia hay không, nhà đầu tư cần nhận ra sự thay đổi về giá cả và dự đoán hướng đi giá cả của các loại tài sản đầu tư quan tâm. Bạn có thể sử dụng các phương pháp định giá như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hay phân tích định lượng… tùy theo chiến lược và phong cách đầu tư của mình. Sau khi xác định được mức độ mạnh yếu của động lực cho xu hướng, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh được kỳ vọng cụ thể hơn và chi tiết đến số tiền kỳ vọng kiếm được, số tiền kỳ vọng mất đi của mỗi kịch bản đề ra.

Lên kịch bản thị trường, tìm động lực cho xu hướng là những kỹ năng quan trọng và cần thiết với mọi nhà đầu tư để có thể tồn tại lâu dài trong thị trường khắc nghiệt. Tất nhiên, xác định đúng xu hướng, tăng xác suất xảy ra cho kịch bản sẽ không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức về tài chính, khả năng quan sát, phán đoán nhanh nhạy, thường xuyên trau dồi và rèn luyện qua thời gian. Nhưng nếu có thể làm chủ kỹ năng này, kết quả bạn nhận được sẽ vô cùng xứng đáng.