Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai phương pháp phân tích cổ phiếu thông dụng ở Việt Nam và cả thế giới. Nếu phân tích cơ bản thường được các nhà đầu tư giá trị lựa chọn thì phân tích kỹ thuật lại rất được ưa chuộng bởi các trader. Vậy hai phương pháp này có những đặc trưng gì và khác biệt như thế nào?
I/ Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là gì?
Để có thể thành công trên thị trường chứng khoán, bạn không nhất thiết phải là chuyên gia hay nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc nắm vững những kiến thức nền tảng vẫn rất cần thiết. Và phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật là hai phương pháp bạn cần phải hiểu rõ.
Trong bài viết trước về quá trình phân tích thị trường theo Top-down, bạn có thể thấy bóng dáng đâu đó của hai phương pháp chọn lọc cổ phiếu phổ biến này. Ở bài viết này, Finashark sẽ đi sâu hơn vào từng phương pháp, các đặc trưng, ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp để có thể vận dụng trong các giai đoạn, chiến lược phù hợp.
Phân tích cơ bản (Fundamental analysis)
Đây phương pháp đo lường giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách kiểm tra các yếu tố có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Bất cứ điều gì có thể làm thay đổi giá trị của cổ phiếu, từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như nền kinh tế, điều kiện ngành đến các yếu tố vi mô như hiệu quả quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp đều sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Mục đích của FA là xác định giá trị nội tại của chứng khoán và so sánh với giá thị trường. Nếu giá trị nội tại nhỏ hơn giá bán tức là chứng khoán đó đang được định giá thấp, có thể đầu tư nếu mức chênh lệch này tối thiểu là 20%.
Phân tích cơ bản sẽ giúp nhà đầu tư:
Đánh giá tiềm năng phát triển của công ty.
Đo lường giá trị hợp lý.
Dự đoán giá cổ phiếu trong tương lai dựa trên quá trình phân tích tình hình kinh doanh, tăng trưởng.
Ưu điểm của phân tích cơ bản là giúp nhà đầu tư có thể chọn được chứng khoán có độ rủi ro thấp, khả năng mang lại lợi nhuận lâu dài. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức cơ bản về kinh tế họ. Đồng thời quá trình phân tích thường tốn nhiều thời gian vì lượng dữ liệu lớn. Do đó, nhà đầu tư có thể dự báo xu hướng ngắn hạn của chứng khoán.
Phân tích kỹ thuật (Technical analysis)
Phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung – cầu chứng khoán, từ đó giúp cho nhà đầu tư quyết định hành động thế nào: nên mua, bán hay giữ.
Phân tích kỹ thuật có thể giúp nhà đầu tư:
Sớm nhận biết các tín hiệu về sự thay đổi mức giá cổ phiếu, từ đó có thể chuẩn bị kịch bản ứng phó kịp thời.
Dự đoán xu hướng giá tương lai của chứng khoán.
Ưu điểm của phân tích kỹ thuật là đưa ra kết quả nhanh về xu hướng giá của chứng khoán trong ngắn và trung hạn mà không đòi hỏi nhà đầu tư phải có nhiều kiến thức về tài chính. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố mà phân tích kỹ thuật lại không đánh giá được điều này. Mặt khác, việc áp dụng phân tích kỹ thuật cũng không hề đơn giản, nhất là khi nhà đầu tư dễ bị tác động bởi các yếu tố tâm lý trên thị trường.
So sánh phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật
Tiêu chí |
Phân tích kỹ thuật |
Phân tích cơ bản |
Mục đích |
Xác định thời điểm tham gia/rút lui thị trường |
Xác định giá trị sổ sách cổ phiếu => Lựa chọn cổ phiếu tiềm năng sinh lời
|
Chiến lược đầu tư |
Ngắn và trung hạn |
Trung và dài hạn |
Dữ liệu nghiên cứu |
Giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu |
Báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, sự kiện, tin tức về ngành và nền kinh tế |
Phương pháp phân tích |
Dựa trên các chỉ số Dựa trên hành động giá |
Phân tích định lượng: báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính... Phân tích định tính: nhân sự, lãnh đạo, triển vọng doanh nghiệp trong ngành và triển vọng phát triển của ngành… |
II/ Phân tích cơ bản & phân tích kỹ thuật - Sự kết hợp hoàn hảo
Bởi phân tích cơ bản phù hợp với chiến lược đầu tư lâu dài còn phân tích kỹ thuật lại được ứng dụng nhiều trong các giao dịch ngắn hạn nên có ý kiến cho rằng phân hai phương pháp trái ngược nhau. Tuy nhiên điều này là không đúng. Thực tế, phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật bổ trợ rất tốt cho nhau, khắc phục những hạn chế của nhau, giúp cho nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện chiến lược đầu tư đạt hiệu quả cao.
Phân tích cơ bản là phương pháp nền tảng và không có xung đột với phân tích kỹ thuật. Ngược lại, phân tích kỹ thuật có thể khắc phục một số nhược điểm của phân tích cơ bản như bỏ qua vai trò của yếu tố tâm lý của các bên tham gia thị trường, độ chính xác của thông tin mà nhà đầu tư sử dụng. Phân tích cơ bản giúp nhà đầu tư ra quyết định đầu tư, phân tích kỹ thuật giúp nhận định điểm mua vào và bán ra phù hợp.
Tóm lại, cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật đều có thế mạnh riêng. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần biết phát huy thế mạnh của mỗi phương pháp và vận dụng phù hợp với mục tiêu, chiến lược trong các giai đoạn cụ thể.