Quá trình phân tích thị trường theo phương pháp Top down: Từ vĩ mô đến vi mô và lựa chọn cổ phiếu

Lựa chọn cổ phiếu là bước đầu tiên và cũng là bước cực kỳ quan trọng khi đầu tư chứng khoán. Mặc dù hiện tại có rất nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau song Top-down là một trong những cách phổ biến nhất. Vậy Top-down là gì và gồm những thành phần nào?

I/ Phương pháp Top-down là gì?

Top-down - phân tích từ trên xuống là cách tiếp cận từ khái quát đến chi tiết, giúp nhà đầu tư nhìn được "bức tranh toàn cảnh" thị trường trước khi đi vào phân tích từng doanh nghiệp, cổ phiếu. Sử dụng chiến lược Top-down cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, phân tích các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế thế giới, kinh tế quốc gia, xu hướng phát triển chung để từ đó tìm kiếm cơ hội với những doanh nghiệp cụ thể. 

Tiếp cận thị trường theo phương pháp Top-down là cách hiệu quả để đa dạng danh mục ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này chính là giúp cân bằng tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục một cách hợp lý, không bỏ vốn quá mức vào một hoặc một loại cổ phiếu nào đó. Nhất là khi thị trường trong giai đoạn downtrend, phương pháp Top-down sẽ giúp nâng xác suất chọn đúng cổ phiếu, từ đó tối ưu khoản đầu tư.

Khi sử dụng Top-down, khối lượng dữ liệu cần nghiên cứu, phân tích là rất lớn và đây có thể là cản trở không nhỏ với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân với nguồn lực hạn chế. Bạn có thể sẽ bỏ qua những ngành nghề tiềm năng, những cổ phiếu chất lượng. Vì vậy, các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường không áp dụng Top-down một cách riêng lẻ mà còn kết hợp với các phương pháp phân tích, tiếp cận thị trường khác.

Chuỗi đào tạo Phân tích kỹ thuật thực chiến - Phần 5

 

II/ Quá trình phân tích theo phương pháp Top-down 

Như đã đề cập, phương pháp Top-down sẽ bắt đầu với các yếu tố vĩ mô, đó là nền kinh tế toàn cầu, tiếp theo là cấp độ quốc gia. Sau đó, nhà đầu tư cần đánh giá các xu hướng phát triển, các nhóm ngành hưởng lợi từ những xu hướng đó và sau cùng là lựa chọn những cổ phiếu tốt trong ngành.

Phân tích vĩ mô

Ở cấp độ nền kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư phân tích thị trường theo phương pháp Top-down cần quan tâm tới các yếu tố như: 

  • Tăng trưởng của nền kinh tế thể hiện qua chỉ số GDP.

  • Tăng giảm lãi suất thông qua chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ), ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), BoJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản). 

  • Lạm phát và sự tăng/giảm giá của các loại hàng hóa, tài sản (vàng, xăng dầu, năng lượng, VLXD...).

Tại sao những yếu tố này lại quan trọng? 

Hãy lấy ví dụ với FED. Bản chất của FED là một Ngân hàng Trung ương độc lập có toàn quyền đưa ra các chính sách tiền tệ và thi hành các chính sách đó mà không phải chịu bất kỳ sự quản lý nào của chính phủ Mỹ. Và với vị thế như hiện tại của đồng USD, mọi động thái của FED không chỉ tác động trực tiếp lên nền kinh tế Mỹ mà còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Khi FED tăng cường “bơm” tiền thì không chỉ chứng khoán Mỹ mà thị trường chung trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam) cũng được hưởng lợi ít nhiều. 

Ở cấp độ nền kinh tế trong nước, ngoài các yếu tố cơ bản như GDP, CPI (chỉ số giá tiêu dùng), nhà đầu tư cần chú ý tới tình hình kinh tế - xã hội chung, các chính sách, chương trình hỗ trợ nền kinh tế, đầu tư công, lãi suất ngân hàng, giá cả của các loại hàng hóa hay cả các sự kiện, vấn đề thời sự...

Một ví dụ đơn giản và trực quan nhất chính là lãi suất. Mặt bằng lãi suất thấp chính là yếu tố quan trọng để dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán không ngừng tăng trong thời gian vừa qua. 

Kết quả của quá trình phân tích các yếu tố của nền kinh tế, nhà đầu tư có thể nhận biết được điều gì đang diễn ra, thế giới và quốc gia đang quan tâm tới vấn đề nào. Chuyện gì có khả năng xảy ra sau đó và nếu đó thành hiện thực thì nền kinh tế sẽ xoay chuyển như thế nào, ngành nghề nào sẽ được hưởng lợi hoặc chịu thiệt hại? Đó là tất cả những điều mà mọi nhà đầu tư cần biết.

Phân tích vi mô

Kết quả từ quá trình phân tích vĩ mô nền kinh tế, nhà đầu tư sẽ dự đoán được xu hướng phát triển trong tương lai, những ngành nghề sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh. Tiếp đến sẽ là quá trình chọn lọc và tìm kiếm những doanh nghiệp nổi bật nhất, những cổ phiếu “ngoại hạng”, cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng ấn tượng… trong các nhóm ngành đó để đưa vào danh mục. 

Vậy bước tiếp theo sẽ là gì? 

Đó là nghiên cứu các báo cáo tài chính để tìm hiểu sâu hơn về vị thế doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh trong ngành, doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ vay nợ, tăng trưởng EPS… và rất nhiều tiêu chí khác nữa. 

Tuy nhiên, chỉ cần tìm được đúng mã cổ phiếu là bạn đã đi được một nửa chặng đường đầu tư rồi. Chặng đường còn lại là xác định chiến lược cho mỗi cổ phiếu, tìm thời điểm vào lệnh tốt nhất. Và ở giai đoạn sau này, bạn vẫn có thể tiếp tục áp dụng Top-down khi phân tích kỹ thuật cổ phiếu. Song song với đó, nhà đầu tư cũng không nên bỏ qua các phương pháp khác để đạt mục tiêu đầu tư.