Sống bằng nghề chứng khoán - Tại sao không?

Ở Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư chứng khoán là nghiệp dư, coi đầu tư chứng khoán là một “nghề tay trái” để kiếm thu nhập thụ động hơn là một công việc chính. Thực tế, không nhiều người dành hết thời gian, tâm sức để đầu tư một cách chuyên nghiệp. 

Nhưng…

Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ sống bằng thu nhập hoàn toàn từ đầu tư chứng khoán hay không? 

Có bao giờ bạn muốn từ bỏ công việc hiện tại, dành trọn thời gian để đầu tư như một chuyên gia thực thụ?

I/ Sống bằng nghề đầu tư chứng khoán liệu có khả thi?

Chứng khoán mới chỉ có mặt ở Việt Nam hơn 20 năm - một chặng đường khá khiêm tốn nếu so sánh với những quốc gia phát triển. Dù vậy, chứng khoán ngày càng trở nên phổ biến và có ảnh hưởng nhất định tới kinh tế, xã hội. Có người giàu lên vì chứng khoán nhưng cũng có không ít người tán gia bại sản. Có người nhanh chóng rời khỏi thị trường khi mới trải qua vài phiên giao dịch nhưng cũng có người kiên trì bám trụ từ những ngày đầu tiên.

Sống bằng nghề đầu tư chứng khoán có được không? Câu trả lời là có. 

Đó là lý do vì sao thế giới có những huyền thoại đầu tư như Benjamin Graham, Warren Buffett, Peter Lynch hay gần đây là George Soros, Ray Dalio, Steve Cohen,  Israel Englander - những nhà quản lý quỹ đầu tư, tỷ phú nổi tiếng. 

Tất nhiên, những tỷ phú đầu tư như vậy không nhiều. Trung bình một nhà đầu tư không chuyên có thể kiếm lợi nhuận 10 - 15%, cao gấp 2, gấp 3 lần lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng ở thời điểm hiện tại (lãi suất 5 - 6%/năm). Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, con số này còn có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào năng lực và may mắn của mỗi người.

Nhưng dĩ nhiên, sống bằng nghề đầu tư chứng khoán cũng không dễ chút nào!

Chưa bàn tới câu chuyện về chuyên môn, để bắt đầu theo đuổi nghề đầu tư, trước tiên bạn phải thay đổi tư duy. Chứng khoán không phải là “canh bạc”, không phải là may rủi. Đó là trí tuệ, là chiến lược mà để thành công, bạn cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Trong đó, dễ thấy nhất chính là thời gian và tiền bạc.

Một trong những lý do khiến nhiều người không kiếm được lợi nhuận bền vững từ chứng khoán là bởi họ chỉ coi đó là một “nghề tay trái”. Nhưng nếu muốn sống với nghề, muốn làm giàu từ đầu tư, bạn phải thực sự coi chứng khoán là công việc chính và dành thời gian xứng đáng cho nó. Dành thời gian để tìm hiểu một cách kỹ càng, để học hỏi, để trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Chỉ khi bạn coi chứng khoán là một nghề, bạn mới có thể sống bằng nghề lâu dài.

Chuỗi đào tạo Phân tích kỹ thuật thực chiến - Chỉ báo ROC, đơn giản hiệu quả và dễ sử dụng

 

II/ Những tố chất cần có của nhà đầu tư chứng khoán

Điểm khác biệt giữa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư nghiệp dư, ngoài kiến thức và kỹ năng, còn thể hiện ở những phẩm chất, đặc điểm tính cách sau đây. 

Biết chấp nhận rủi ro

Trong chứng khoán nói riêng và đầu tư nói chung, rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận. Bạn luôn phải nghĩ đến việc mình có thể mất bao nhiêu tiền trước khi nghĩ tới có thể kiếm được bao nhiêu. Cơ hội thắng thua trên thị trường là 50/50, thậm chí tỷ lệ thắng còn thấp hơn bởi thực tế chỉ có 5 - 10% nhà đầu tư có lời, mức độ cạnh tranh cực kỳ cao. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại là khả năng quản trị rủi ro, khả năng kiểm soát thua lỗ. 

Thị trường chứng khoán không “đứng im” mà luôn biến động và những biến động có thể khiến nhà đầu tư mất nhiều tiền. Do vậy, ngay khi bạn đặt chân vào con đường này, hãy xác định rằng đầu tư sẽ có những lúc được lúc mất. Nhưng sau những lần vấp ngã, bạn sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá để giảm tỷ lệ “đặt cược” sai xuống mức thấp nhất.

Cầu thị và không ngừng học hỏi

Ở bất kỳ một ngành nghề nào, cầu thị và học hỏi cũng sẽ giúp bạn tiến xa trong sự nghiệp. Với chứng khoán, ngay cả những chuyên gia lâu năm nhất, thành công nhất trong nghề thì trau dồi, cập nhật kiến thức mới vẫn là điều họ thường xuyên thực hiện. Khi đầu tư, bạn đừng để cái tôi quá lớn cản trở sự phát triển của bản thân. Hạ cái tôi của mình xuống một chút, bạn sẽ thấy những điều mình biết thực ra rất nhỏ, còn những điều bạn chưa biết lại vô cùng rộng lớn. 

Bạn có thể học từ chính trải nghiệm, sai lầm của bản thân, học từ kinh nghiệm của những nhà đầu tư thành công trên thế giới (mà phần lớn chia sẻ, câu chuyện của họ đều được đúc kết trong những cuốn sách về đầu tư nổi tiếng). Và nếu có thể, hãy học từ những người giỏi nhất.

Trong cuốn "Trên đỉnh phố Wall", Peter Lynch kể rằng ông từng làm phụ golf cho các golf thủ và bạn bè đi cùng họ. Đây cũng là cơ duyên mang ông đến với nghề đầu tư chứng khoán, giúp ông được tiếp xúc thường xuyên với các đại gia, nhà đầu tư, các chính trị gia - những người mà nếu ở ngoài xã hội sẽ rất khó để gặp gỡ. Peter Lynch bật mí cho họ bí quyết chơi golf thì họ dạy ông cách “chơi” chứng khoán mà có lẽ không một sách vở nào sinh động và thực tế hơn.

Có lập trường riêng

Warren Buffett từng bị cho là “khó hiểu”, bị chỉ trích khi không đầu tư vào cổ phiếu của các công ty công nghệ (dot-com) vào khoảng 25 năm trước, khi các cổ phiếu này đang cực kỳ thịnh hành. Tờ tạp chí Barron còn xuất bản một hình của Warren Buffett trên trang bìa với dòng chữ "What’s wrong, Warren?" - "Sai ở đâu, Warren?". Nhưng nhờ kiên định với lập trường ấy, ông đã tránh được cú sụp đổ của "bong bóng" dot-com, gây ra một đợt giảm điểm mạnh. Ngược lại, công ty của ông còn đạt lợi nhuận tốt ngay trong giai đoạn thị trường khủng hoảng.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp bao giờ cũng có lập trường riêng. Họ đưa ra nhận định, phán đoán dựa trên hiểu biết của bản thân, trên những dữ liệu khách quan và khoa học hơn là chỉ nghe tư vấn từ ai đó hay chạy theo trào lưu nào đó. Mặc dù không phải lúc nào họ cũng đúng nhưng khi có lập trường riêng, góc nhìn riêng, nhà đầu tư sẽ giữ được tâm thế bình tĩnh trong mọi tình huống.

Song cần hiểu rằng kiên định với ý kiến của bản thân không đồng nghĩa với việc bảo thủ. Để sống được với nghề chứng khoán, bạn cần biết cách lắng nghe một cách có chọn lọc với tinh thần cởi mở, sẵn sàng thay đổi nếu cần thiết.

Mỗi ngành nghề đều có những góc khuất, những rủi ro hay hạn chế nhất định. Do đó, để sống lâu, sống bền với bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc, coi trọng nghề nghiệp, có tinh thần cầu thị và lắng nghe, ham học hỏi. Và đầu tư chứng khoán cũng không ngoại lệ. Nếu bạn đam mê đầu tư, đam mê chứng khoán, giờ là lúc bạn bắt đầu.