Khi đầu tư, rủi ro là một phần tất yếu. Và để so sánh mức độ rủi ro của danh mục đầu tư với toàn bộ thị trường, ta sẽ sử dụng hệ số beta.
I/ Hệ số beta là gì?
Hệ số beta hay beta (β) được dùng để đo biến động (hay còn gọi là thước đo rủi ro hệ thống) của một khoản đầu tư/danh mục đầu tư với toàn bộ thị trường.
Công thức: β = Cov (Ri,Rm) / Var(Rm)
Trong đó:
Ri: Tỷ suất sinh lời của khoản đầu tư.
Rm: Tỷ suất sinh lời của thị trường, có giá trị bằng tỷ lệ của hiệu số giá đóng cửa phiên đang xét (P1) và giá đóng cửa phiên điều chỉnh (P0) so với giá đóng cửa phiên điều chỉnh. Rm = (P1-P0)/P0.
Cov (Ri, Rm): Hiệp phương sai tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu và tỷ suất sinh lợi của thị trường.
Var (Rm): Phương sai tỷ suất sinh lợi thị trường.
Giá trị beta bằng 1 đồng nghĩa với việc danh mục đó biến động chính xác và cùng chiều với thị trường. Khi beta có giá trị tuyệt đối nằm trong khoảng từ 0 đến 1 nghĩa là danh mục có mức độ biến động ít hơn thị trường và khi beta có giá trị tuyệt đối lớn hơn 1 thì danh mục có mức độ biến động lớn hơn thị trường.
Nếu beta >0 thì danh mục đầu tư và thị trường có biến động cùng chiều, còn beta < 0 thì danh mục đầu tư và thị trường có biến động ngược chiều.
Thông thường, hệ số beta của cổ phiếu sẽ được các công ty chứng khoán, website về tài chính cung cấp nhưng chúng sẽ có kết quả rất khác nhau do mốc thời gian tính khác nhau. Tuy nhiên trader thể lấy kết quả gần đúng bằng cách tính trung bình cộng các giá trị beta này.
Hệ số beta trong danh mục đầu tư
Beta toàn bộ danh mục = Trung bình cộng beta theo tỷ lệ nắm giữ của các cổ phiếu thành phần.
Ví dụ: Danh mục của bạn có 3 cổ phiếu A, B, C với hệ số beta lần lượt là 0.8, 1.5 và 1.3, tỷ lệ nắm phần trăm theo giá trị tài sản lần lượt là 20%, 30%, 50% thì β danh mục của bạn là: β = 0.8*20% + 1.5 *30% + 1.3*50% = 1.26
Lưu ý: Với tiền mặt hoặc tiền gửi ngân hàng thì sẽ lấy β = 0. Nếu sử dụng đòn bẩy thì lấy beta nhân với tỷ lệ đòn bẩy tương ứng. Khi beta tăng gấp đôi thì đòn bẩy phải giảm 4 lần mới tối ưu hóa lợi nhuận/rủi ro.
Mô hình định giá tài sản CAMP theo beta
Một trong những ứng dụng quan trọng của hệ số beta chính là dùng để tính mô hình định giá tài sản CAMP (Capital Asset Pricing Model). Đây là mô hình thể hiện quan hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng của một tài sản hay danh mục đầu tư tương quan với rủi ro hệ thống beta và suất sinh lời của thị trường.
Công thức: R = R0 + β * (Rtt – R0)
Trong đó:
R: Mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý.
R0: Suất lợi nhuận phi rủi ro. Bạn có thể sử dụng lãi suất trái phiếu chính phủ hoặc lãi suất của các ngân hàng lớn, có mức độ an toàn cao.
β: Hệ số Beta của danh mục.
Rtt: Suất lợi nhuận kỳ vọng của toàn thị trường.
Từ công thức này có thể thấy khi kỳ vọng lợi nhuận càng cao thì phải chấp nhận mức rủi ro càng lớn.
II/ Ý nghĩa của hệ số beta trong đầu tư chứng khoán
Việc tính toán giá trị hệ số beta sẽ giúp nhà đầu tư so sánh được mức độ biến động giá của cổ phiếu so với mức độ biến động chung trên thị trường, từ đó đưa ra các quyết định lựa chọn cổ phiếu phù hợp với khẩu vị rủi ro, đồng thời có kế hoạch quản lý tương ứng. Mặt khác, beta còn giúp nhà đầu tư biết liệu loại cổ phiếu/danh mục họ lựa chọn có đi đúng hướng với thị trường hay không.
Bên cạnh đó, hệ số beta còn giúp tính toán mô hình định giá tài sản vốn CAPM giúp nhà đầu tư phân tích và định giá cổ phiếu.
III/ Mối quan hệ alpha và beta
Nhắc tới beta thì không thể không nhắc tới alpha. Giống với beta, alpha cũng là một chỉ số dùng để đánh giá hiệu suất đầu tư có liên quan đến những rủi ro trên thị trường. Khác biệt ở chỗ chỉ số alpha là phần lợi suất vượt trội khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của một khoản đầu tư so với tỷ suất lợi nhuận của một chỉ số tham chiếu được lựa chọn.
Ví dụ bạn có một 2 khoản đầu tư là A và B, bạn lấy chỉ số tham chiếu là Vnindex. Trong năm 2020, tỷ suất lợi nhuận của danh mục A là 20%, danh mục B là 12% còn của Vn-Index là 14%. Khi này, alpha của khoản đầu tư A là 5%, khoản đầu tư B là -3%. Alpha của một khoản đầu tư có thể âm hoặc dương. Giá trị alpha không thể hiện khoản đầu tư đang lỗ hay lãi mà chỉ thể hiện rằng khoản đầu tư đó có tỷ suất sinh lợi kém hơn hoặc tốt hơn so với chỉ số tham chiếu được lựa chọn.
Hai chỉ số alpha và beta có thể đại diện cho 2 trường phái đầu tư khác nhau. Alpha thường gắn với trường phái đầu tư chủ động khi nhà đầu tư đi tìm alpha cho danh mục đầu tư của mình bằng cách lựa chọn một danh mục có tỷ suất sinh lợi tốt hơn thị trường. Ngược lại, các nhà đầu tư thụ động sẽ chọn beta. Cụ thể, họ sẽ tìm một danh mục gồm các chứng khoán có thể mô phỏng một cách tốt nhất và toàn diện nhất tổng thể thị trường, tức tìm danh mục có beta xấp xỉ bằng 1.
IV/ Ứng dụng beta trong thực tế đầu tư
Với nhà đầu tư cá nhân, để có thể xác định chính xác mức rủi ro của danh mục bằng phương pháp định lượng như lý thuyết có thể sẽ không phù hợp. Cụ thể, ngoài việc cần dữ liệu giá trong nhiều năm, nhà đầu tư còn phải tính đến các điều kiện thị trường, nhóm ngành và chính sách chia cổ tức của từng cổ phiếu thành phần. Thực tế, sử dụng beta để tính rủi ro danh mục được sử dụng nhiều với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Vậy nhà đầu tư cá nhân có thể ứng dụng được thông số này trong đầu tư? Hoàn toàn có thể, nhưng với phương pháp định tính.
Trước hết, nhà đầu tư cần xác định mức độ rủi ro mình có thể chấp nhận được. Nói đơn giản hơn, mức rủi ro chấp nhận chính là số tiền có thể mất cho danh mục đầu tư. Khi số tiền chấp nhận mất này càng lớn thì khả năng chấp nhận rủi ro càng cao.
Sau khi xác định được khả năng chịu đựng rủi ro, nhà đầu tư cần kiểm tra khả năng danh mục biến động giá. Finashark đã xây dựng hệ thống quản trị danh mục tự động, nhà đầu tư chỉ cần đưa ra các kịch bản biến động giá, hệ thống sẽ tự động trả lời câu hỏi phức tạp này nhanh chóng. Đây chính là bước khó nhất trong việc xác định và ứng dụng beta cho danh mục đầu tư.
Bước sau cùng, nhà đầu tư cần liên tục quản trị danh mục dựa trên sự thay đổi của thị trường và mức beta của danh mục mỗi ngày để có thể nhanh chóng điều chỉnh danh mục tối ưu.
Tóm lại, hệ số beta là thước đo rủi ro có hệ thống của một khoản đầu tư, giúp nhà đầu tư lựa chọn được danh mục thích hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngoài rủi ro hệ thống (rủi ro ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường) thì nhà đầu tư còn có thể gặp phải rủi ro phi hệ thống (rủi ro mang tính cá biệt, chỉ tác động đến một nhóm ngành, một công ty, doanh nghiệp…). Rủi ro phi hệ thống có thể giảm thiểu bằng cách đa dạng hóa danh mục, cách phân bổ nguồn vốn và đặc biệt là lựa chọn cách khoản đầu tư một cách cẩn thận, tỉ mỉ.