Trong đầu tư chứng khoán, bạn từng kiếm được bao nhiêu tiền hay từng đạt tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn tồn tại được bao lâu trên thị trường. Và quản trị vốn đầu tư chính là yếu tố cần thiết để tạo nên thành công của bất kỳ nhà đầu tư nào.
Tiếp cận
Đầu năm 2021, thị trường chứng khoán có đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên sau thời gian dài thăng hoa. VN-Index giảm gần 100 điểm trong một tuần, nhiều nhà đầu tư khóc ròng vì lợi nhuận cả tháng nay đã bốc hơi chỉ sau một phiên giao dịch mà không ai hiểu nguyên nhân sau nó là gì. Đây chính là khắc nghiệt của thị trường chứng khoán mà mọi nhà đầu tư cần phải hiểu và chấp nhận. Rủi ro là có nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được nó, giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro nếu có một chiến lược quản trị vốn đầu tư hiệu quả.
I/ Quản trị vốn đầu tư là gì?
Quản trị vốn trong đầu tư tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng là sự kiểm soát nguồn tiền để đưa ra những quyết định giao dịch tối ưu cho kế hoạch đầu tư. Hiểu một cách đơn giản hơn, quản trị vốn là việc bạn nắm được chi tiết từng khoản chi tiêu cho các hạng mục đầu tư, khoản nào đang hoặc có nguy cơ lỗ hoặc lãi, những rủi ro nào tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận… để xây dựng kịch bản để ứng phó phù hợp.
Rủi ro khi đầu tư chứng khoán là điều khó tránh khỏi. Nó xuất hiện ngay khi nhà đầu tư đặt lệnh. Thông thường, bạn sẽ có thể đối mặt với hai loại rủi ro cơ bản. Một là rủi ro hệ thống, ảnh hưởng tới toàn thị trường (rủi ro thị trường) như: biến động lãi suất, biến động giá hàng hóa, tiền tệ, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng. Thứ hai là rủi ro phi hệ thống, xảy ra ở từng trường hợp đầu tư riêng lẻ, ảnh hưởng cá biệt tới khoản đầu tư.
Chia nhỏ tài khoản giao dịch, đa dạng hóa các danh mục đầu tư là cách thông dụng nhất mà các nhà đầu tư thường quản trị nguồn vốn, kiểm soát rủi ro cũng như tối ưu hóa lợi nhuận kiếm được.
II/ Vai trò của chiến lược quản trị vốn
Sẽ không quá khi nói rằng quản trị nguồn vốn chính là chìa khóa để thành công trên thị trường. Một chiến lược quản trị vốn tốt sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định chính xác vào đúng thời điểm và đạt hiệu suất đầu tư cao nhất.
Bằng cách nào ư?
Trước hết, quản trị nguồn vốn giúp nhà đầu tư trụ lại với thị trường, cho dù bạn đầu tư theo phong cách lướt sóng, trading hay thích nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Thực tế thước đo thành công khi đầu tư chứng khoán tính bằng thời gian nhà đầu tư tồn tại được trên thị trường chứ không phải là vài giao dịch thắng lớn để rồi sau đó mất hết toàn bộ. Chỉ khi quản trị nguồn vốn, bạn mới biết mình đang có bao nhiêu tiền mà còn tiền thì còn cơ hội.
Larry Hite - Chủ tịch quỹ phòng hộ Hite Capital Management đã nói về phong cách sống và trading của ông như sau: “Nếu bạn không đặt cược thì bạn không thể thắng, nếu bạn hết vốn thì bạn không thể đặt cược”.
Khi dành thời gian và công sức để xây dựng chiến lược quản trị nguồn vốn, hiểu rõ tình hình dòng tiền của mình, nhà đầu tư sẽ luôn trong tâm thế chủ động, không để tâm lý bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, dẫn tới những quyết định sai lầm. Đồng thời, bạn có thể tự tin tuân thủ chiến lược đầu tư, nguyên tắc giao dịch và nhất là giữ vững kỷ luật đã đặt ra. Từ đó, nhà đầu tư còn đánh giá được hiệu quả của chiến lược đầu tư hiện tại, những lợi thế, hạn chế và gợi ý các điều chỉnh phù hợp hơn.
Cuối cùng, việc thiết lập chiến lược quản trị vốn sẽ giúp phân biệt giữa người đầu tư nghiêm túc với người chỉ “chơi đùa” với thị trường. Những nhà đầu tư thực sự sẽ nhận thức đúng về bản chất của đầu tư, có “trách nhiệm” với từng đồng tiền của mình. Hãy nhớ, cách bạn ứng xử, hành động với thị trường sẽ phản ánh con người bạn. Đầu tư nghiêm túc, bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Ngược lại, nếu coi đầu tư là may rủi thì dù có kiếm được tiền, bạn cũng chỉ là may mắn. Mà may mắn thì không phải lúc nào cũng mỉm cười.
III/ Nguyên tắc xây dựng chiến lược quản trị nguồn vốn
Thiết lập chiến lược quản trị nguồn vốn là điều kiện cần để thành công còn thành công ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào tính hiệu quả của chiến lược đó.
Vậy làm thế nào để có một chiến lược quản trị vốn, quản trị rủi ro tốt?
Dưới đây là những nguyên tắc bạn nên nhớ.
Xác định mục tiêu
Mục đích lớn nhất khi đầu tư là kiếm tiền nhưng mỗi nhà đầu tư sẽ có những mục tiêu và kỳ vọng lợi nhuận khác nhau.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ cho đầu tư là công việc toàn thời gian, mang lại thu nhập chính để nuôi sống bản thân, gia đình. Nhưng cũng có người “chơi” chứng khoán chỉ để có “đồng ra đồng vào” từ khoản tiền nhàn rỗi. Mặt khác, có nhà đầu tư muốn kiếm lợi nhuận bền vững trong dài hạn, nhưng cũng có nhiều người muốn kiếm tiền trong vài tháng, vài tuần để phục vụ nhu cầu tài chính nào đó.
Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên khi quản trị vốn là xác định rõ mục tiêu. Đây cũng là cơ sở giúp bạn quyết định số vốn tham gia thị trường, lựa chọn loại hình chứng khoán và xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp.
Đa dạng danh mục
Đa dạng hóa danh mục không loại bỏ hoàn toàn rủi ro nhưng là cách hiệu quả để giảm thiểu một phần rủi ro cá biệt của từng loại chứng khoán và đưa danh mục về mức rủi ro tương đương với rủi ro hệ thống.
Có nhiều cách để nhà đầu tư có thể đa dạng danh mục, bao gồm:
Đầu tư đa dạng các loại chứng khoán
Đầu tư cổ phiếu ở nhiều ngành nghề/lĩnh vực khác nhau
Phân bổ vốn đầu tư theo loại chứng khoán và trong mỗi loại lại tiếp tục chia vốn theo tỷ lệ thích hợp.
Chẳng hạn, bạn có thể đặt 50% vốn cho các khoản đầu tư dài hạn, 20% vốn để trading và 30% còn lại là tiền mặt để phòng ngừa thị trường điều chỉnh mạnh. Trong 50% vốn cho đầu tư dài hạn, bạn có thể đầu tư cổ phiếu bluechips, mua chứng chỉ quỹ hoặc trái phiếu…
Đa dạng danh mục như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào vốn đầu tư, phong cách đầu tư và khẩu vị rủi ro của từng người.
Xác định kỳ vọng lợi nhuận và mức rủi ro chấp nhận được
Trong đầu tư, kỳ vọng lợi nhuận luôn đi kèm với mức độ chịu đựng rủi ro. Bạn càng mong kiếm được nhiều thì cũng phải sẵn sàng chịu lỗ tương ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên đặt mức rủi ro quá lớn vì khi mất hết tiền thì bạn sẽ không có cơ hội gỡ lại. Thông thường, các nhà đầu tư trung và dài hạn sẽ đặt tỷ lệ chấp nhận rủi ro tối đa là 20% cho toàn bộ danh mục để trong trường hợp toàn bộ lệnh giao dịch đều chạm stoploss (cắt lỗ) cùng 1 lúc thì vẫn còn 80% tài khoản để tiếp tục đầu tư. Mức kỳ vọng lợi nhuận của từng loại cổ phiếu, chứng khoán sẽ tùy theo các giai đoạn của thị trường. Thực tế, lợi nhuận trung bình mà nhà đầu tư nghiệp dư đạt được thường dao động ở mức 10 - 20%.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần đặt lệnh chốt lời, cắt lỗ trước khi vào lệnh để loại bỏ được hiệu ứng FOMO trong quá trình vào lệnh giao dịch. Bạn cũng chỉ nên giữ mức độ rủi ro không quá 5% tổng số vốn để đảm bảo thời gian hồi vốn sau khi thua lỗ không quá lâu. Và sẽ tốt hơn cho những trader giao dịch liên tục khi đặt tỷ lệ rủi ro thấp.
Định lượng rủi ro cho từng mã chứng khoán
Rủi ro ở các loại cổ phiếu, các cặp tiền khác nhau là hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào ngành/lĩnh vực, giai đoạn của thị trường. Vì vậy các nhà đầu tư cần định lượng được rủi ro có thể xảy ra. Ngay cả khi thị trường đang tăng trưởng tích cực, bạn không nên đặt kỳ vọng quá nhiều hay chắc chắn vào bất kỳ một loại cổ phiếu hay chứng khoán nào bởi thị trường luôn tồn tại những yếu tố bất ngờ mà không ai có thể lường trước được.
Quản trị vốn đầu tư chứng khoán nói riêng và đầu tư tài chính nói chung có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của nhà đầu tư. Nếu bạn muốn kiếm tiền lâu dài và hạn chế tối đa thua lỗ, hãy bắt đầu trang bị những kiến thức về quản trị vốn ngay từ bây giờ.