Đầu tư mà không có kiến thức hay kinh nghiệm thì thua lỗ là điều dễ hiểu. Nhưng nếu đã có một chiến lược đầu tư tốt mà bạn vẫn bị mất tiền trên thị trường thì nguyên nhân chỉ có thể là do không tuân thủ kỷ luật đầu tư.
Tiếp cận
Mark Douglas là tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Trading in The Zone" cho rằng 95% các sai lầm trong giao dịch xuất phát từ tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư. Đó là sợ bị sai, sợ mất tiền, sợ bỏ lỡ cơ hội.
Để vượt qua nỗi sợ này, trader cần có hai điều. Thứ nhất là phương pháp đầu tư hiệu quả. Thứ hai là kỷ luật đầu tư. Thực tế, số nhà đầu tư thất bại do thiếu kỷ luật còn nhiều hơn vì thiếu hiểu biết. Không ít người có kiến thức sâu rộng về kinh tế, tài chính, có kỹ năng phân tích kỹ thuật tuyệt vời nhưng vì không có kỷ luật, đặt lệnh theo một cách không nhất quán nên khó kiếm được lợi nhuận.
I/ Kỷ luật trong đầu tư quan trọng đến thế nào?
Trong đầu tư chứng khoán, cảm xúc là yếu tố luôn song hành với trader. Cảm xúc khi đầu tư rất đa dạng. Đó có thể là sự nghi ngờ, là hy vọng, tin tưởng, hưng phấn, lo sợ, tuyệt vọng, chán nản, mất niềm tin… Những cảm xúc này đến từ việc kỳ vọng được hoặc không được đáp ứng. Và cho dù cảm xúc đó là tích cực hay tiêu cực thì với nhà đầu tư, để cảm xúc chi phối quyết định là điều tối kỵ.
Tại sao lại như vậy?
Nếu đầu tư thành công, bạn kiếm được nhiều tiền, tâm lý hưng phấn thái quá, bạn kỳ vọng rằng giá sẽ còn tăng nữa và quyết định không chốt lời dù đã đạt lợi nhuận vượt mục tiêu. Thế nhưng sau đó thị trường điều chỉnh, giá cổ phiếu giảm, lợi nhuận xuống dưới mức kỳ vọng. Ngược lại, nếu thất bại liên tiếp, nhà đầu tư có thể thấy thiếu tự tin, nghi ngờ mọi thứ dẫn tới thiếu quyết đoán, bỏ lỡ cơ hội. Cảm xúc, tâm lý thị trường chính là rào cản khiến trader khó có thể thực hiện hiệu quả các chiến lược của mình.
Hiếm ai có thể gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc trước những nhịp biến động của thị trường. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát tâm lý, cân bằng cảm xúc nếu tuân thủ kỷ luật đã đặt ra. Đây chính là khác biệt giữa một trader giỏi với những người khác. Một nhà giao dịch giỏi sẽ biết cách điều tiết tâm lý, biết “tham lam” và “sợ hãi” đúng thời điểm để tìm kiếm những cơ hội mới.
Warren Buffett - một trong những nhà đầu tư thành công nhất thời đại cho rằng bạn không nhất thiết phải có trí thông minh kiệt xuất, tầm nhìn quá xa hay nắm trong tay các thông tin nội bộ khi đầu tư chứng khoán. “Điều cần ở đây là phải có một khuôn mẫu tư duy sáng suốt và đúng đắn cho việc ra quyết định cùng khả năng giữ cho các cảm xúc không tác động đến các khuôn mẫu đó”, ông chia sẻ.
Vậy kỷ luật trong đầu tư, giao dịch chứng khoán là gì? Đó là nguyên tắc chọn thời điểm mua và bán. Thành bại trong đầu tư được xác định từ lúc mua, bởi giá bán được xác định từ lúc mua chứ không phải tại lúc bán. Bạn phải biết mình mua cổ phiếu khi nào và sẽ bán nó trong trường hợp lãi/lỗ bao nhiêu. Và dù thị trường có diễn ra như thế nào, bạn vẫn sẽ tuân thủ nguyên tắc này. Đó chính là bí quyết của thành công.
II/ 3 nguyên tắc để đầu tư có kỷ luật
Muốn thành công lâu dài và bền vững trên thị trường, chiến lược là điều kiện cần, kỷ luật là điều kiện đủ. Dưới đây là 3 nguyên tắc giúp trader giao dịch có kỷ luật.
Chỉ đầu tư vào những thứ bạn hiểu
Bạn đầu tư gì, đầu tư theo phong cách hay phương pháp, chiến lược nào không phải là vấn đề, miễn là bạn chỉ đầu tư vào những thứ bạn thực sự hiểu. Đừng vì ai đó nói rằng mã này đang có giá tốt, cổ phiếu kia đang là trend mà “đổ tiền” vào khi không có một chút thông tin gì. Bạn có thể chỉ mất một vài phút để vào lệnh nhưng hãy dành ít nhất là vài ngày để nghiên cứu về khoản đầu tư của mình trước khi quyết định.
Hãy nhớ giá cao không phải là đắt và ngược lại, giá thấp chưa chắc đã rẻ. Chỉ có giá trị nội tại của doanh nghiệp, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai mới là thứ đáng để đầu tư.
Đặt ra lợi nhuận kỳ vọng và mức độ rủi ro phù hợp
Như đã nói, gốc rễ của các trạng thái tâm lý, cảm xúc trong đầu tư đến từ sự kỳ vọng. Do đó, để đầu tư có kỷ luật, mỗi trader phải đặt ra mức kỳ vọng và độ chấp nhận rủi ro cho từng loại chứng khoán và cho toàn danh mục.
Khi đã đạt mục tiêu lợi nhuận, hãy thoát khỏi thị trường. Đừng đặt niềm tin rằng giá sẽ tiếp tục tăng mà duy trì trạng thái có lời quá lâu vì thị trường có thể đảo chiều bất ngờ. Chốt lời sẽ không khiến bạn mất nhiều tiền nhưng ham muốn “bán đỉnh” có thể khiến bạn phải hối hận.
Đồng thời, trước khi giao dịch, bạn hãy đặt ra ngưỡng cắt lỗ và một khi điều đó xảy ra, hãy dứt khoát thực hiện mà không do dự. Trong một số trường hợp sau khi cắt lỗ thì giá tăng trở lại nhưng điều đó rất khó đoán. Còn nếu không hành động kịp thời thì mọi thành quả mà bạn tích lũy bấy lâu có thể sẽ tiêu tan chỉ trong phút chốc.
Xây dựng kế hoạch quản trị nguồn vốn
Quản trị nguồn vốn, quản trị rủi ro, hiểu rõ về sự vận động của dòng tiền cũng là một nguyên tắc quan trọng để thiết lập kỷ luật đầu tư. Trader cần phải cân đối giữa tiền mặt và các khoản giao dịch. Không bao giờ nên đầu tư tất cả số tiền bạn có mà hãy giữ lại 20-30% như một khoản dự phòng cho tình huống khẩn cấp hoặc đôi khi là để đầu tư cho cơ hội tiềm năng mới mà không cần phải băn khoăn xem cần bán hay giữ cổ phiếu nào trong danh mục.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần cẩn trọng khi dùng đòn bẩy - margin, nhất là full margin. Bởi margin cũng giống con dao hai lưỡi và bạn không biết khi nào lưỡi dao sẽ hướng về phía mình. Nếu giá cổ phiếu giảm, tài khoản của bạn sẽ bị bào mòn rất nhanh dẫn tới thua lỗ nặng nề, rất khó để gỡ lại.
Trong ngắn hạn, biến động trên thị trường chứng khoán phản ánh tâm lý của nhà đầu tư. Và tuân thủ kỷ luật chính là “sợi dây” cột chặt cảm xúc, không để cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát và ảnh hưởng tới những quyết định quan trọng.