Cập nhật Kinh tế vĩ mô: Thương mại & FDI giai đoạn 2025-2027; Nhìn xa hơn chính sách thuế quan của ông Trump

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Thương mại & FDI giai đoạn 2025-2027: Nhìn xa hơn chính sách thuế quan của ông Trump

 

 

  • Trước rủi ro về chính sách thuế quan mạnh tay của Mỹ, HSC dự báo tăng trưởng KNXK của Việt Nam sẽ giảm xuống lần lượt 11%, 7,5% và 7% vào năm 2025, 2026 và 2027 (so với dự báo trước là tăng trưởng lần lượt 12% và 11% trong năm 2025-2026).
  • Trong khi đó, HSC dự báo KNNK của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 11%, 8,5% và 8% trong 2025, 2026 và 2027. Chúng tôi dự báo KNNK tăng trưởng mạnh hơn so với KNXK trong 2026-2027 do Việt Nam có thể tăng nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc.
  • Chúng tôi dự báo tăng trưởng FDI thực hiện giảm tốc xuống 6% và 4% trong 2025- 2026, sau đó phục hồi lên 8% trong năm 2027. Trong khi đó, FDI đăng ký có thể tiếp tục giảm 7% trong 2025, ổn định trong 2026 và hồi phục nhẹ trong 2027.

Việt Nam có vị thế tốt để duy trì tăng trưởng KNXK vừa phải

Trong 10 tháng đầu năm 2024, KNXK và KNNK tăng lần lượt 14,9% và 16,8% so với cùng kỳ, so với giảm lần lượt 6,8% và 10,4% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm 2023. HSC giữ nguyên dự báo tăng trưởng KNXK và KNNK năm 2024 đạt lần lượt 15% và 17,5% (so với giảm lần lượt 4,6% và 9,2% so với cùng kỳ trong năm 2023).

Trước rủi ro về chính sách thuế quan mạnh tay của Mỹ, HSC dự báo tăng trưởng KNXK của Việt Nam sẽ giảm tốc nhưng vẫn ở mức vừa phải, tăng trưởng lần lượt 11%, 7,5% và 7% trong giai đoạn 2025-2027 (so với dự báo trước đó của chúng tôi là tăng trưởng lần lượt 12% và 11% trong năm 2025 và 2026). Những nguyên nhân chính của chúng tôi bao gồm: (1) Sản phẩm Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh tại Mỹ mặc dù có thể chịu mức thuế suất bổ sung 10-20%, (2) Quan hệ ngoại giao tốt giữa Việt Nam và Mỹ giúp giảm thiểu nguy cơ phải chịu thêm thuế suất đặc biệt của Mỹ nhắm vào từng quốc gia và (3) Nhu cầu đối với sản phẩm Việt Nam có thể tăng ở EU và Trung Quốc.

Việt Nam vẫn sẽ thu hút vốn FDI dài hạn

Trong 10 tháng đầu năm 2024, FDI thực hiện và đăng ký tăng 8,8% và 1,9% so với cùng kỳ (so với tăng 3,2% và 14,7% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu 2023). HSC giữ nguyên dự báo FDI thực hiện năm 2024 tăng 9% nhưng hạ dự báo FDI đăng ký năm 2024 xuống giảm 4,4% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là tăng 9%).

Triển vọng FDI nhiều khả năng sẽ suy yếu do bất định gia tăng trong các chính sách kinh tế của Mỹ. Theo đó, HSC dự báo tăng trưởng FDI thực hiện sẽ giảm xuống lần lượt 6% và 4% trong năm 2025-2026, trước khi phục hồi lên 8% vào năm 2027. Trong khi đó, chúng tôi dự báo FDI đăng ký sẽ giảm 7% so với cùng kỳ trong năm 2025, ổn định trong năm 2026 và phục hồi nhẹ 4% vào năm 2027.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong dài hạn. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến hiện tại, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định so với các quốc gia mới nổi tương đồng. Mặc dù khả năng ông Trump trở lại làm Tổng thống Mỹ đã rất cao ngay từ đầu năm 2024, Việt Nam vẫn có nhiều dự án FDI đăng ký lớn, bao gồm dự án công nghệ Amkor trị giá 1,1 tỷ USD của Mỹ và dự án sợi sinh học trị giá 730 triệu USD của Hyosung của Hàn Quốc.

Điều này cho thấy nhiều NĐT NN vẫn xác định Việt Nam là điểm đến dài hạn chi phí cạnh tranh, vị trí chiến lược và khả năng tiếp cận thị trường đa dạng. Chúng tôi tin rằng những lợi thế lâu dài này vẫn sẽ tiếp tục trong và sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.