Ngành Thủy sản: Thị trường Mỹ là trọng tâm, cơ hội nhiều hơn rủi ro

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Thị trường Mỹ là trọng tâm, cơ hội nhiều hơn rủi ro

 

 

  • Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo tăng trưởng 10% vào năm 2025 nhờ nhu cầu cải thiện từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.
  • Nếu kế hoạch áp thuế nhập khẩu cao đối với Trung Quốc và các nước khác của ông Trump được áp dụng, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ giành được thị phần so với cá rô phi của Trung Quốc. Tuy nhiên, thuế cao hơn cũng sẽ dẫn đến chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu tăng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hiện đang phải chịu thuế chống trợ cấp 2,84%.
  • VHC, lựa chọn hàng đầu của HSC, đang có vị thế tốt để hưởng lợi từ sự phục hồi đang diễn ra cũng như từ những tiến triển trong tương lai tại thị trường Mỹ. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào đối với FMC và khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với ANV, với lợi nhuận của cả hai công ty dự báo đều tăng trưởng vững chắc trong năm 2025.

Đánh giá KQKD 10 tháng đầu năm 2024: Nhu cầu phục hồi tại các thị trường trọng điểm

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,33 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, tăng 12% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường trọng điểm. Xuất khẩu tôm đạt 3,23 tỷ USD (tăng 13,9% so với cùng kỳ) và xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ). Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU đã chuyển sang vùng tăng trưởng, trong đó Trung Quốc và Hồng Kông ghi nhận mức tăng lớn nhất, vượt qua Mỹ để trở thành điểm đến xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vào cuối năm.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang Trung Quốc (và Hồng Kông) đạt 1,53 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ và xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,53 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU tăng 11% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi ổn định mặc dù kinh tế EU phục hồi chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc tăng nhẹ 1,5-2% so với cùng kỳ do áp lực lạm phát kéo dài. Nhật Bản, trước đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong 10 tháng đầu năm 2024, với doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,25 tỷ USD, trong khi doanh thu xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ đạt 0,65 tỷ USD.

Thị trường Mỹ: Tiềm năng tăng trưởng lớn hơn...

Thị trường Mỹ tiếp tục mang lại tiềm năng đáng kể cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là đối với cá tra và tôm. Nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau những bất ổn kinh tế dự kiến sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, với xuất khẩu sang Mỹ dự báo tăng trưởng 19% đạt 1,85 tỷ USD trong năm 2024. Đáng chú ý là phi lê cá tra đã vượt qua cá rô phi để trở thành loại phi lê cá thịt trắng nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 8/2024, mở ra cơ hội tăng thêm thị phần.

Nếu chính quyền Trump thực hiện các kế hoạch áp mức thuế 10-20% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam và thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể tận dụng lợi thế từ việc giảm nhập khẩu cá rô phi từ Trung Quốc. Hơn nữa, khả năng các nhà nhập khẩu tăng cường tích lũy hàng hóa trước khi mức thuế cao có hiệu lực có thể đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu và giá bán cá tra của Việt Nam trong năm 2025.

...nhưng cũng có chi phí cao hơn

Tuy nhiên, chi phí gia tăng vẫn là một thách thức. Nếu các mức thuế được áp dụng, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam có thể mất đi tính cạnh tranh so với các sản phẩm nội địa của Mỹ. Đặc biệt, các nhà xuất khẩu tôm – hiện đang chịu mức thuế chống trợ cấp 2,48% – có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn về giá với các đối thủ từ Ecuador và Ấn Độ.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển container cao là một rủi ro thường trực đối với các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sự gia tăng xuất khẩu sang Mỹ do tác động của thuế có thể làm trầm trọng thêm chi phí vận chuyển vào năm 2025. Bất chấp những thách thức này, sự kết hợp giữa nhu cầu ngày càng tăng và các cơ hội chiến lược vẫn tạo điều kiện cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt được những lợi ích đáng kể trong bối cảnh chi phí gia tăng.

Khuyến nghị

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VHC, lựa chọn hàng đầu trong ngành thủy sản của chúng tôi, nhờ vị thế tốt trên thị trường Mỹ để hưởng lợi từ sự phục hồi đang diễn ra và tiềm năng phát triển trong năm 2025 thay vì bị ảnh hưởng tiêu cực; tại giá mục tiêu, tiềm năng tăng giá là 31%.

Chúng tôi cũng duy trì khuyến nghị Mua vào đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm FMC dựa trên mức định giá hấp dẫn và đà tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhu cầu cải thiện và công suất hoạt động tăng tại các nhà máy mới. Trong khi đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với ANV, cũng là một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, do lợi nhuận thuần dự báo tăng trưởng mạnh mẽ 214% trong năm 2025, sau đó tăng trưởng 14,5% trong năm 2026.