Mở tài khoản giao dịch chứng khoán cần giấy tờ gì, cách nạp rút tiền và đọc bảng giá chi tiết nhất

Mở tài khoản giao dịch chứng khoán có khó không, cần thủ tục gì? Cách nạp rút tiền vào tài khoản, đọc bảng giá chứng khoán cho người mới?

Đầu tư chứng khoán là mua bán các sản phẩm của thị trường chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh… Để trở thành nhà đầu tư, việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán là điều kiện thiết yếu.

Mở tài khoản giao dịch chứng khoán cần giấy tờ gì?

Khi đề nghị mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại quầy giao dịch hoặc tự mở online tại nhà trên website/ứng dụng của công ty chứng khoán, nếu là người Việt Nam, nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn CMND/CCCD còn hiệu lực (hộ chiếu không được chấp nhận).

Trường hợp nhà đầu tư cá nhân người nước ngoài có nhu cầu đầu tư chứng khoán, bạn cần chuẩn bản sao hộ chiếu (đã công chứng), lý lịch tư pháp của nhà đầu tư nước ngoài đã hợp pháp. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị bộ hồ sơ mở tài khoản được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền nước sở tại và hợp thức hóa bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Nếu mở tài khoản trực tiếp, bạn chỉ cần đến các chi nhánh/văn phòng đại diện của các CTCK để được giao dịch viên hỗ trợ. Nếu chọn hình thức mở online tại nhà, ngoài giấy tờ trên, bạn cần chuẩn bị điện thoại có kết nối Internet. Các bước sẽ bao gồm:

  • Truy cập website/ứng dụng của CTCK.
  • Điền chính xác thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để nạp/rút tiền vào tài khoản chứng khoán.
  • Chọn dịch vụ đầu tư phù hợp.
  • Để cập nhật đầy đủ tính năng tài khoản, nhà đầu tư cần gửi hồ sơ gồm một bản photo CCCD/CMND, bản cứng sử dụng dịch vụ giao dịch chứng khoán và đăng ký mở tài khoản đã ký tên rồi gửi cho nhân viên môi giới hoặc gửi đến phòng giao dịch của CTCK.

Cách rút và nộp tiền vào tài khoản chứng khoán

Khi áp dụng thành công một trong hai cách mở tài khoản giao dịch chứng khoán thành công, nhà đầu tư cần nạp tiền vào tài khoản để có thể mua bán chứng khoán.

Có 3 cách để nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản chứng khoán.

  • Nộp tiền trực tiếp ở chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng
  • Nộp tiền tới tài khoản của công ty chứng khoán qua ứng dụng Mobile Banking hoặc Internet Banking của ngân hàng, (chuyển tiền nhanh 24/7 hoặc chuyển tiền thường).
  • Sử dụng tính năng Nộp tiền chứng khoán được cung cấp sẵn tại ứng dụng/Internet banking (nếu có) của một số ngân hàng.

Để rút tiền, nhà đầu tư truy cập trang giao dịch trực tuyến hoặc ứng dụng của CTCK, chọn Giao dịch tiền hoặc Chuyển tiền trực tuyến, chọn chuyển tiền ra ngân hàng (tiền sẽ được chuyển từ tài khoản chứng khoán sang tài khoản ngân hàng nhận đã được đăng ký trước).

Cách đọc bảng giá chứng khoán

Trước đây, khi internet, công nghệ và các thiết bị như điện thoại, laptop, ipad… chưa phát triển, nhà đầu tư thường tập trung đến các CTCK trong giờ giao dịch để cùng nhau xem bảng giá trước khi mua bán. Nhưng giờ đây, chỉ cần ngồi ở nhà, bạn cũng có thể dễ theo dõi giá các loại chứng khoán khác nhau.

Cụ thể, sau khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư đăng nhập vào tài khoản và theo dõi bảng giá được cập nhật liên tục trong từng phiên. Trên bảng giá này, nhà đầu tư cần dựa vào dữ liệu từ các cột để biết giá mua bán, cổ phiếu nào đang tăng giảm, sức mua bao nhiêu…

Dưới đây sẽ là một số thông tin quan trọng nhất khi đọc bảng giá.

Cột “Mã CK” (Mã chứng khoán)

Đây là cột ghi danh sách các mã chứng khoán giao dịch (được sắp xếp theo thứ tự từ A – Z). Mỗi công ty niêm yết đều được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp 1 mã chứng khoán riêng.

Cột “TC“ (Giá Tham chiếu – Màu vàng)

Giá tham chiếu mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó, được lấy làm cơ sở để tính toán Giá trần và Giá sàn. Riêng sàn UPCOM, giá tham chiếu được tính bằng Giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.

Cột “Trần” (Giá Trần – Màu tím) và cột “Sàn” (Giá Sàn – Màu xanh lam)

Giá trần/giá sàn là mức giá cao nhất/thấp nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.

  • Tại Sàn HOSE: Giá trần/giá sàn = Giá tham chiếu +/- 7% giá tham chiếu
  • Sàn HNX: Giá trần/giá sàn = Giá tham chiếu +/- 10% giá tham chiếu
  • Sàn UPCOM: Giá trần/sàn = Giá tham chiếu +/- 15% giá tham chiếu.

Nhà đầu tư chỉ được phép đặt giá mua/bán nằm trong khoảng giá sàn - giá trần. So với giá tham chiếu, giá chứng khoán màu xanh chứng tỏ chứng khoán đang tăng nhưng không phải giá trần, giá màu đỏ là đang giảm nhưng không phải giá sàn.

Cột “Tổng KL” (Tổng khối lượng)

Cột này cho biết khối lượng giao dịch của cổ phiếu trong một ngày giao dịch.

Cột “Bên mua”

Hệ thống hiển thị 03 mức giá đặt mua cao nhất và khối lượng đặt mua tương ứng. Các cột “Giá 1” và “KL1”, “Giá 2” và “KL2”, “Giá 3” và “ KL3” lần lượt là giá đặt mua cao nhất, cao thứ hai và cao thứ ba ở thời điểm hiện tại hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua sẽ được ưu tiên cho giá mua cao hơn.

Cột “Bên bán”

Hệ thống hiển thị 03 mức giá bán rẻ nhất và khối lượng bán tương ứng. Các cột “Giá 1” và “KL1”, “Giá 2” và “KL2”, “Giá 3” và “ KL3” lần lượt là giá chào bán thấp nhất nhất, thấp thứ hai và thấp thứ ba ở thời điểm hiện tại hiện tại và khối lượng chào bán tương ứng. Lệnh chào bán sẽ được ưu tiên cho giá bán thấp hơn.

Lưu ý:

+ Ngoài 03 mức Giá mua / Giá bán trên, thị trường vẫn còn các mức Giá mua / Giá bán khác, nhưng không được hiển thị (do không tốt bằng ba mức giá trên màn hình).

+ Khi có lệnh ATO hoặc ATC, thì các lệnh này sẽ hiển thị ở vị trí cột “Giá 1” và “KL 1” của “Bên mua” và “Bên bán”.

Cột “Khớp lệnh”

Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá”, “KL”, “+/-“. Trong thời gian giao dịch, ý nghĩa của các cột như sau:

  • Cột “Giá”: Mức giá khớp trong phiên hoặc cuối ngày
  • Cột “KL” (Khối lượng khớp): Khối lượng cổ phiếu khớp tương ứng với mức giá khớp
  • Cột “+/-“ (Tăng/Giảm giá): là mức thay đổi giá sao với Giá tham chiếu

Cột “Giá”

Là hệ thống cột bao gồm các cột “Giá cao nhất”, “Giá thấp nhất” và “Giá TB”

  • Giá cao nhất: Mức giá khớp cao nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại.
  • Giá thấp nhất: Mức giá khớp thấp nhất từ đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại.

Cột “Dư mua / Dư bán”

  • Tại phiên Khớp lệnh liên tục: Dư mua / Dư bán biểu thị khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp.
  • Kết thúc ngày giao dịch: Cột “Dư mua / Dư bán” biểu thị khối lượng cổ phiếu không được thực hiện trong ngày giao dịch.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về mở tài khoản giao dịch chứng khoán, cách nạp rút tiền, đọc bảng giá. Ngoài những nội dung này, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu thêm về các lệnh quan trọng, các trường phái/phương pháp đầu tư, chọn lọc cổ phiếu… để trang bị những tri thức cần thiết trước khi gia nhập thị trường.

Để biết thêm những thông tin chi tiết liên quan đến khóa học đầu tư chứng khoán ngắn hạn của Finashark, nhà đầu tư vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Finashark - Hệ thống phân tích dữ liệu dòng tiền chuyên nghiệp, hiệu quả

Hotline: 0901 345 869

Email: lienhe@finashark.vn

Website: finashark.vn