Nếu như “Mắt biếc” để lại dư âm cho rất nhiều tâm hồn về một tình cảm học trò trong sáng. Đó là một câu chuyện buồn về tình yêu, sự chờ đợi trong vô vọng. Nét đẹp của từng thước phim và bài nhạc khoắc khoải chỉ làm dư âm cho người xem về một tác phẩm sâu lắng. Vì sao tác phẩm lại hay, vì nó mô tả lại được một góc nào đó trong tâm hồn mỗi người. Có ai đã từng là Ngạn? có ai đã từng là Hồng, hay Hà Lan? Tất cả mắc kẹt trong ngôi làng Đo Đo vì ai cũng cố chấp không nhận ra được mình đang làm gì, cho đến khi quá muộn màng.
Các sai lầm trong đầu tư, chúng ta gặp phải từng ngày mà chưa hề nhận ra.
Thị trường chứng khoán, bên cạnh những câu chuyện thành công, có lẽ cũng đã từng có rất nhiều những câu chuyện như Mắt Biếc. Bạn không tin ư? Hãy cùng xem nhé. Nếu như “Mắt Biếc” là đầu tư về tình cảm, thì chứng khoán là sự lựa chọn và kỳ vọng của mỗi người.
Ngạn đã chọn đúng cổ phiếu, ngay từ khi công ty vừa lên sàn. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Nhưng vì sao lại là người thua lỗ nặng nề nhất trên thị trường?
Sai lầm của Ngạn là thiếu quyết đoán và không để ý thời điểm hợp lý để ra quyết định đầu tư. Đã có rất nhiều lần, cơ hội vào lệnh xuất hiện, gần như chỉ đợi Ngạn click Buy. Nhưng không. Bởi vì, Ngạn sợ. Sợ thua lỗ khi lỡ may chọn sai cổ phiếu. Và rồi, quyết định đầu tư chỉ đến khi cổ phiếu đã qua vùng tăng trưởng. Lúc này, Ngạn all in và tin rằng cổ phiếu sẽ phục hồi trở lại. Chuyến tàu đưa Ngạn rời ga, bỏ thị trường chứng khoán trong nước mắt có lẽ là đoạn kết cháy tài khoản cay đắng.
Bài học: Phân tích cơ bản là tốt, nhưng cần phân tích kỹ thuật để chọn thời điểm đầu tư hiệu quả nhất. Khi đã xác định được cổ phiếu, phải quyết định ngay. Nếu nhận ra sai lầm, cắt lỗ quyết đoán. Đừng đợi chuyến tàu đưa bạn rời ga trong nước mắt.
Hà Lan bị hấp dẫn bởi sự thú vị của cổ phiếu Penny. Một thứ có thể làm mê hoặc những nhà đầu tư nhỏ lẻ chập chững bước chân lên sàn chứng khoán. Thiết nghĩ, một ngày có thể tăng đến 3%, những phiên giảm nhẹ và đua trần đan xen. Liệu có hấp dẫn?
Đến khi quyết định All in, Hà Lan không chừa cho mình con đường thoát. Và kết quả, cháy tài khoản trong vòng 2 tuần. Nước mắt, hậu quả thua lỗ nặng nề bám theo Hà Lan đến suốt tuổi thanh xuân. Hậu quả kinh khủng từ cổ Penny đã chọn khiến cho Hà Lan gần như bỏ qua hết các cơ hội khác tốt hơn.
Bài học: Đánh cổ Penny không xấu. Nhưng đây không phải là chìa khóa thành công. Phân bổ tỉ trọng giữa Penny và những cổ phiếu tốt sẽ giúp cuộc sống đầu tư nhiều màu sắc và hiệu quả hơn.
Hồng chọn một cổ phiếu không phù hợp với chiến lược đầu tư. Thực tế, cổ không tăng một thời gian dài không có nghĩa là cổ phiếu sẽ tăng sau đó. Thay vì quyết định đóng vị thế, Hồng gồng lệnh khi thua lỗ từng tí một và kéo dài qua năm tháng.
Bài học: Phải có chiến lược giao dịch từ trước khi quyết định mua cổ phiếu. Nói cách khác, quản trị vốn là một phần rất lớn của cuộc chơi đầu tư. Nếu không hiệu quả hay đi chệch so với chiến lược giao dịch ban đầu, cần phải cắt lỗ ngay và tìm các cơ hội khác tốt hơn.
Quyết định tư vấn khi nhìn nhận cổ phiếu do Ngạn đề xuất rất hợp lý. Nhưng sau cùng, lời tư vấn chỉ phù hợp nếu hiểu rõ nhà đầu tư của mình có thế mạnh và điểm yếu gì. Tư vấn chung chung mang tính dự đoán không giúp được Ngạn thoát khỏi chuyến tàu cháy tài khoản.
Vẫn còn rất nhiều bài học đầu tư ở khắp nơi. Nhưng để nhận ra, chúng ta sẽ phải thành thật với chính bản thân mình. Chỉ khi thành thật, cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện. Vậy nên, Có 2 thứ mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng không nên bỏ lỡ. Một là cổ phiếu phù hợp với chiến lược của riêng mình, và hai là tuân thủ kỷ luật quản trị vốn mình đã đặt ra.