Tất tần tật về chỉ số chứng khoán thế giới nhà đầu tư nên biết

Các nhà đầu tư chứng khoán dù mới bước chân vào thị trường ít nhiều đã từng nghe báo chí nhắc tới các chỉ số như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq 100… Nhưng liệu bạn có thực sự biết ý nghĩa sau những chỉ số chứng khoán thế giới này? Chỉ số chứng khoán thế giới là gì và có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam hay không? Có những chỉ số chứng khoán nào quan trọng? 

Chỉ số chứng khoán thế giới là gì?

Trước khi tìm hiểu kỹ chỉ số chứng khoán thế giới là gì, hãy bắt đầu với chỉ số thị trường chứng khoán. Đây là một giá trị phản ánh tình hình của thị trường cổ phiếu. Nó được tổng hợp từ danh mục các cổ phiếu dựa theo một số điểm chung nhất định như: cùng sở giao dịch, cùng ngành kinh doanh hoặc giá trị vốn hóa trên thị trường tương đương nhau. Các chỉ số chứng khoán có thể do sở giao dịch chứng khoán, do hãng thông tin hay một thể chế tài chính nào đó định ra.

Từ đây có thể hiểu, chỉ số chứng khoán thế giới là chỉ số của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, có ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường khu vực và toàn cầu.

Bảng sau đây sẽ tập hợp một số chỉ số quan trọng nhất:

Chỉ số chứng khoán

Cấu thành của các chỉ số

S&P 500 (The Standard and Poor's 500)

Được tính dựa trên 500 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán tại Mỹ như Apple, Facebook, Netflix.

DJIA (Dow Jones Industrial Average)

Được tính dựa trên 30 công ty lớn nhất trên tất cả các sàn chứng khoán của Mỹ, bao gồm Nike, Coca-Cola, Intel…

Nasdaq-100

Được tính dựa trên 100 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Nasdaq nhưng không bao gồm các công ty ngành tài chính, ví dụ như Microsoft, Starbucks…

FTSE 100 Index (The Financial Times Stock Exchange 100 Index)

Chỉ số này bao gồm 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên Sàn Chứng khoán London như Prudential Plc, HSBC, Coca-Cola…

CAC 40

CAC 40 được cấu thành từ 40 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất của sàn EuroNext (Pháp), gồm các công ty như Vinci, Engine, Credit Agricole…

DAX (DAX Performance-Index)

Được tính dựa trên 30 cổ phiếu blue chip trên sàn chứng khoán Frankfurt (Đức), tiêu biểu là các công ty Bayer, Linde Plc, Infineon…

 

EURO 50 (EURO STOXX 50)

Chỉ số do STOXX thiết kế, đại diện cho 50 cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất và vốn hóa lớn nhất Eurozone, ví dụ như: Philips, Adidas, Airbus

Nikkei 225 (Nikkei Stock Average)

Chỉ số chứng khoán của Sàn Chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) - Nikkei 225, gồm 225 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường như: Toyota Motor Corp, Mitsubishi UFJ Financial Group Inc, Casio Computer…

Hang Seng Index

Chỉ số được cấu thành bởi 50 công ty lớn nhất tại thị trường chứng khoán Hồng Kông (chiếm 58% vốn hóa), bao gồm:Li Ning Co Ltd, ICBC, Haidilao Intl…

MSCI Emerging Markets Index

Đây là chỉ số bao gồm chứng khoán của 26 thị trường các nền kinh tế mới nổi như Argentina, Brazil, Trung Quốc, Chile, Colombia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Pakistan... Chỉ số đại diện cho 10% khối lượng giao dịch toàn cầu và được dùng như chỉ số tham chiếu cơ bản của các quỹ đầu tư tại thị trường các nền kinh tế mới nổi.

KOSPI (Korea Composite Stock Price Index)

 

Phổ biến nhất là chỉ số KOSPI 200, bao gồm 200 công ty đại chúng được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, gồm có: Daesung Ind, Samsung Electronics Co Ltd, Gs Global…

Ý nghĩa chỉ số chứng khoán thế giới

Có thể thấy, những chỉ số chứng khoán thế giới hàng đầu phần lớn được tổng hợp từ giá trị của các cổ phiếu có vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao trên thị trường. Do đó, chúng chính là thang đo sức khỏe của các nền kinh tế và sự biến động chỉ số, đồng thời sẽ phản ánh tâm lý nhà đầu tư. Khi chỉ số chứng khoán tăng, người mua nhiều hơn người bán, cho thấy nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường. Ngược lại, chỉ số giảm có thể cho thấy số người bán áp đảo người mua, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ thị trường.

Trong bối cảnh các quốc gia, các nền kinh tế ngày càng liên kết, hỗ trợ và ảnh hưởng đến nhau thông qua các hiệp định, liên minh, tổ chức… thì sự tăng/giảm của của các thị trường, nhất là các thị trường lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến khu vực và thế giới. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là sâu sắc hay mờ nhạt, duy trì trong thời gian ngắn hay dài sẽ còn phụ thuộc vào mức độ gắn kết về kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội cụ thể ở từng thời điểm…

Với cá nhân nhà đầu tư Việt Nam, khi không thể nắm rõ được tất cả thông tin trên nền kinh tế toàn cầu thì thường dựa vào chỉ số chứng khoán trên thế giới để dự đoán về thị trường chứng khoán trong nước và đưa ra nhận định đầu tư riêng.

Có thể đầu tư vào chỉ số chứng khoán thế giới không?

Về cơ bản, nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư vào chỉ số mà có thể thông qua Quỹ đầu tư chỉ số ETF - Exchange Traded Fund (quỹ hoán đổi danh mục). Ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1993 tại Mỹ, quỹ ETF được tạo ra để mô phỏng theo chỉ số S&P 500. Ngày nay, ETF đã có mặt ở hầu hết các thị trường chứng khoán, với mục đích mô phỏng gần như hoàn toàn với các chỉ số chứng khoán, trái phiếu và được thực hiện giao dịch tương tự cổ phiếu.

Đầu tư ETF được đánh giá là hình thức đầu tư chứng khoán thụ động, mang đến thêm 1 lựa chọn cho nhà đầu tư. Sản phẩm này có các ưu điểm như chi phí quản lý thấp hơn so với các quỹ quản lý chủ động, đa dạng hóa danh mục đầu tư, mua bán linh hoạt… Dù vậy, nhà đầu tư cũng có thể phải đối mặt với một số hạn chế như thanh khoản kém, lợi tức thấp hơn tự đầu tư cổ phiếu, chênh lệch giá, rủi ro biến động…

Trên đây là những thông tin về chỉ số chứng khoán thế giới mà nhà đầu tư cần nắm được. 

>> Để tìm hiểu thêm về các kiến thức đầu tư, khóa đầu tư chứng khoán chất lượng vui lòng xem tại đây.

 

Finashark - Hệ thống phân tích dữ liệu dòng tiền chuyên nghiệp, hiệu quả

Hotline: 0901 345 869

Email: lienhe@finashark.vn

Website: finashark.vn

Nhận tín hiệu miễn phí tại: Finashark's Telegram channel