Nguồn: MBS
Kinh tế Việt Nam cho thấy nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc
Giá gạo tăng do ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ làm tăng áp lực lên lạm phát
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0.88% so với tháng trước và tăng 2.96% và so với cùng kỳ năm trước, xấp xỉ so với mức tăng 2.89% của tháng 8/2022. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3.1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4.57%.
So với tháng trước, CPI tháng 8 tăng chủ yếu do giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Chỉ số giá nhóm gạo tăng 4.41% so với tháng trước, tác động vào chỉ số nhóm lương thực tăng tăng 3.28%. Ngoài ra, trong tháng 8 trải qua 3 đợt điều chỉnh giá xăng dầu làm cho giá xăng tăng 9.85% so với tháng trước, giá dầu diezen tăng 15.9%. Tuy nhiên, CPI bình quân vẫn thể hiện xu hướng giảm điểm, chủ yếu vẫn là nhờ bình quân giá xăng, dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17.56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11.3% do ảnh hưởng bởi giá dầu brent thế giới tháng 8 giảm mạnh 33% từ mức đỉnh (-12.8% svck).
Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng nhẹ trong những tháng tới và trung bình cả năm 2023 sẽ dao động ở mức 3.4% dựa trên các yếu tố sau. Đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm chi phí giáo dục và vật liệu xây dựng đã tăng đáng kể lần lượt là 7.2% và 6.6% so với cùng kỳ. Giá nhóm gạo sẽ tăng do ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho xuất khẩu gạo của nước ta, đồng thời kéo theo giá nội địa tăng lên. Cuối cùng, giá dầu cho đến nay đã tăng 18% so với mức đáy vào tháng 6 và dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 83 USD /thùng vào cuối năm.
Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục tăng trưởng tích cực
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 2.9% so với tháng trước (+2.6% svck). Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, duy nhất ngành chế biến, chế tạo có tăng trưởng âm với mức giảm 0.6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10.1%).
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm lần đầu trong 6 tháng. Với kết quả 50,5, tăng so với mức 48,7 của tháng 7, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong sáu tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài năm tháng. Tuy nhiên, tình hình việc làm kém tích cực hơn khi các công ty vẫn do dự trong việc tuyển thêm nhân viên và do đó, số lượng việc làm đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32.37 tỷ USD, tăng 7.7% so với tháng trước (-7.6% svck). Xuất khẩu 8 tháng ước đạt 227.71 tỷ USD (- 10% svck). Các mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng âm lớn nhất bao gồm điện thoại linh kiện (-15.4% svck), giày dép (-17.6% svck), gỗ và các sản phẩm từ gỗ (- 25.4%), thủy sản (-25% svck). Về thị trường xuất khẩu 8 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 53 tỷ USD (- 21% svck), xuất siêu sang EU ước đạt 19.6 tỷ USD (-9.7% svck); xuất siêu sang Nhật Bản 1.5 tỷ USD (năm ngoái nhập siêu 146 triệu USD). Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn ghi nhận những điểm sáng trong tăng trưởng bao gồm xuất khẩu gạo (+37.3% svck), phương tiện vận tải và phụ tùng (+15.3% svck), rau quả (+68% svck).
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32.37 tỷ USD, tăng 7.7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207.5 tỷ USD, (-16.2% svck). Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 32.3 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2023 có 2 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 10 tỷ USD (chiếm 38.8% tổng kim ngạch) là điện tử, máy tính linh kiện và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với mức giảm lần lượt là 6% và 13% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20.1 tỷ USD, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ góp phần tạo sự ổn định cho VND trong khi USD có xu hướng mạnh lên.
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7.6% so với cùng kỳ và 0.9% so với tháng trước. Do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn trong tháng mùa hè cuối cùng của năm. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 7% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng), trong đó doanh thu du lịch tăng 47% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến nước ta 8 tháng ước đạt hơn 7.8 triệu lượt người, gấp 5.4 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69.2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Đầu tư
Tháng 8, vốn đăng ký cấp mới tăng 39% so với cùng kỳ năm trước về số vốn đăng ký, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13.1 tỷ USD, tăng 1.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10.75 tỷ USD (chiếm 82.1% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 863.5 triệu USD (chiếm 6.6%), hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 625.9 triệu USD, (chiếm 4.8%). Đáng chú ý trong tháng 8/2023, Việt Nam đã đón nhận dự án 165 triệu USD xây dựng Nhà máy Innovation Precision tại VSIP Nghệ An, do Green-wich Management Limited (Trung Quốc).
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 61.3 nghìn tỷ đồng, tăng 29.1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 352.1 nghìn tỷ đồng, bằng 49.4% kế hoạch năm và tăng 17.1% so với cùng kỳ năm trước
Tỷ giá nổi sóng do ảnh hưởng bởi chính sách giảm lãi suất
Tỷ giá trong nước thể hiện xu hướng tăng mạnh trong tháng. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND. Hiện tại, tỷ giá đã chính thức vượt lên trên mức 24,000 VND/USD. So với cuối tháng 7, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 470 đồng và hiện giao dịch ở mức 24,140 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23,991 đồng/USD, tăng 233 đồng và 24,035 đồng/USD, tăng 312 đồng.
Số liệu gần nhất cho thấy đồng USD index hiện đã tăng lên mức 104.8, đây là mức cao trong năm tháng gần đây khi những lo lắng về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền trú ẩn an toàn của Mỹ. Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 8 tháng trong tháng 8, do nhu cầu yếu tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và biện pháp kích thích không thể phục hồi tiêu dùng hợp lý.
Chúng tôi dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng với tầm nhìn Fed có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay nhưng áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.