Dịch vụ tiện ích - Điện: Thông qua Quy hoạch điện 8, mở đường cho các dự án đầu tư năng lượng mới

    Nguồn: HSC

Thông qua Quy hoạch điện 8, mở đường cho các dự án đầu tư năng lượng mới
 

 

Tóm tắt

  • Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã được thông qua vào ngày 15/5/2023.
  • Quy hoạch điện 8, bị trì hoãn 1 năm, xác nhận Việt Nam sẽ phụ thuộc vào LNG và điện gió để đảm bảo có đủ năng lượng phục vụ phát triển kinh tế từ nay tới năm 2030.
  • Quy hoạch này cũng đặt mục tiêu cho tới năm 2050 sẽ ngừng hoạt động các nhà máy điện than và cắt giảm một nửa công suất điện khí để đáp ứng cam kết COP26 (giảm phát thải carbon ròng xuống 0). Chúng tôi tin rằng các chính sách điện cũng sẽ được điều chỉnh.
  • PC1, doanh nghiệp đầu ngành xây dựng điện Việt Nam, sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi chính khi Quy hoạch điện 8 được thông qua và là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong ngành.

Quy hoạch điện 8 được thông qua ngày 15/5/2023

Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (QHĐ 8) đã được thông qua vào ngày 15/5/2023 sau khi bị trì hoãn hơn 1 năm. QHĐ 8 sẽ là cơ sở pháp lý đối với các chính sách điện mới, bao gồm cả phương án định giá điện gió sau khi chính sách giá FIT kết thúc vào tháng 10/2021. Phê duyệt QHĐ 8 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư công suất truyền tải và phát điện mới.

Mở đường phát triển các dự án năng lượng

QHĐ 8 đặt ra một số kế hoạch và mục tiêu chính xung quanh chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam trong 10 năm tới, bao gồm: (1) phát triển mạnh mẽ công suất phát điện để hỗ trợ tăng trưởng GDP, với LNG và điện gió là nhiên liệu chính; (2) tận dụng tối đa sản lượng điện tái tạo, đồng thời kiểm soát tỷ trọng điện tái tạo trong lưới điện truyền tải liên vùng để giảm thiểu gánh nặng tiềm ẩn cho hệ thống; và (3) phát triển lưới điện đồng bộ với sự phát triển của công suất phát điện, mặc dù không xây dựng đường dây truyền tải điện liên miền mới trong giai đoạn 2021-2030.

Sau năm 2030, theo QHĐ 8, Việt Nam sẽ giảm dần lượng khí thải carbon để đáp ứng cam kết COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26) giảm mức phát thải carbon ròng xuống 0 vào năm 2050. Việt Nam sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện than và giảm một nửa công suất điện khí vào năm 2050, thay thế điện than bằng điện sinh khối và LNG nhập khẩu bằng khí hydrogen để đảm bảo cung cấp đủ điện.

PC1 được hưởng lợi chính, lựa chọn hàng đầu trong ngành tiện ích

PC1, công ty được hưởng lợi nhờ kinh nghiệm 60 năm và có thương hiệu mạnh trong ngành xây dựng điện, là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong ngành điện. PC1 là tổng thầu EPC của các dự án truyền tải điện và trạm biến áp trọng điểm quốc gia đến 500 kV và các dự án điện tái tạo.

Trong số những công ty khác chúng tôi khuyến nghị trong ngành điện, POW cũng sẽ được hưởng lợi nhờ các nhà máy NT3 & NT4 (điện LNG, công suất 750MW/nhà máy) sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 và 2025. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tái tạo bao gồm GEG và REE sẽ không được hưởng lợi ngay lập tức do giá bán điện gió hiện không có lãi. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cơ chế giá điện sẽ được điều chỉnh tăng từ năm 2025 do QHĐ 8 định hướng điện gió là một trong những nguồn điện chính trong giai đoạn 2021- 2030.