Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): Ngôi sao sáng giữa trời đêm

Nguồn: SSI

Ngôi sao sáng giữa trời đêm

 

ACB

 

Tăng trưởng tín dụng đạt 14,3% so với đầu năm (413,7 nghìn tỷ đồng) vượt qua tốc độ tăng trưởng tiền gửi là 11,6% so với đầu năm (458 nghìn tỷ đồng). Cho vay vốn lưu động vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cho vay của ACB với mức 57% hay 236 nghìn tỷ đồng (+3,5% so với quý trước), tiếp theo là cho vay mua nhà chiếm 19,7% tín dụng (81,4 nghìn tỷ đồng, -3,8% so với quý trước). Trong năm 2022, ACB đã chủ động giảm mức cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản xuống chỉ còn 0,5% tổng tín dụng, tương đương khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, tiền gửi của khách hàng tăng 5,6% so với quý trước, đạt gần 414 nghìn tỷ đồng (+9% so với đầu năm). Trong khi tiền gửi có kỳ hạn tăng 13,6% so với đầu năm đạt 322 nghìn tỷ đồng, thì tiền gửi không kỳ hạn lại giảm -4,6% so với đầu năm đạt 92 nghìn tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA giảm từ 24,1% trong Q3.2022 xuống còn 22,3% (so với 25,5% trong Q4.2021). Với môi trường lãi suất tăng, chúng tôi tin rằng khách hàng đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn, khiến CASA giảm. Nhìn chung, xu hướng này cũng đang diễn ra ở các ngân hàng khác mà chúng tôi nghiên cứu, với mức giảm trung bình là 390 điểm cơ bản so với đầu năm.

NIM tiếp tục tăng trong quý 4 2022 lên mức 4,6% (+6 điểm cơ bản so với quý trước, +63 điểm cơ bản so với cùng kỳ), vì LDR thuần vẫn dao động ở mức cao 90,3% trong Q4.2022 (so với 88,2% trong quý 4 2021), mặc dù CASA giảm. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng 300 điểm cơ bản trong quý 4 2022 đã cản trở tốc độ tăng của NIM. Mặc dù lãi suất cho vay được điều chỉnh 3 tháng một lần, nhưng chúng tôi cho rằng ACB khó có thể tăng lãi suất cao hơn mà không xem xét khả năng trả nợ của khách hàng. Do đó, chênh lệch lãi suất gần như không đổi so với quý 3 2022.

Thanh khoản được duy trì ổn định. Chúng tôi tin rằng việc huy động vốn liên ngân hàng bật tăng mạnh 31% so với quý trước là yếu tố quan trọng để kéo hệ số LDR xuống 78,4% (-46 điểm cơ bản so với quý trước). Theo Thông tư 26/2022/TT-NHNN mới ban hành, các ngân hàng vẫn có thể huy động vốn liên ngân hàng để hiệu chỉnh tỷ lệ LDR. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tin răng thanh khoản của Ngân hàng sẽ không phải là thách thức lớn đối với ACB, vì ngân hàng luôn duy trì tỷ trọng lớn trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản của mình (12,4% trong quý 4 2022, cao nhất trong số các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu), và là ngân hàng cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt trong quý 4 với mức tăng 25% so với cùng kỳ, do thu nhập từ hoạt động kinh doanh tiền tệ tăng 112% so với cùng kỳ đạt hơn 500 tỷ đồng và mức tăng 24% so với cùng kỳ đối với thu nhập phí thuần (NFI) (khoảng 927 tỷ đồng). Bancassurance là yếu tố đóng góp lớn nhất của NFI trong quý 4 2022, chiếm 55% đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng (+30,7% YoY), tiếp theo là 19% từ kinh doanh dịch vụ thẻ (663 tỷ đồng, 85,7% so với cùng kỳ). ACB bán bảo hiểm qua cả kênh cho vay và tiền gửi, điều này giúp bancassurance duy trì mức tăng trưởng khả quan trong năm 2022. Tuy nhiên, kinh doanh chứng khoán ghi nhận khoản lỗ 110 tỷ đồng trong quý 4 2022. Mặt khác, chi phí hoạt động tăng 68% so với cùng kỳ ở mức 4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí quản lý tăng gấp ba lần trong quý 4 2022. Cụ thể, ACB đã trích 1 nghìn tỷ đồng cho quỹ khoa học và công nghệ để chuẩn bị cho chiến dịch chuyển đổi số trong năm 2023.

Chất lượng tài sản được quản lý tốt hơn so với các NHTMCP. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,74% (-27 điểm cơ bản so với quý trước và so với mức 0,77% trong quý 4 2021), do xử lý khoản nợ xấu 990 tỷ đồng (0,24% tổng tín dụng). Tuy nhiên, các khoản nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đã tăng 24% so với đầu năm lên hơn 2,3 nghìn tỷ đồng trong quý 4 2022, chiếm khoảng 0,57% dư nợ cho vay khách hàng - chủ yếu đến từ việc cập nhật CIC. Trong số các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu, mức tăng trung bình của nợ Nhóm 2 đã tăng lên 31% so với quý trước hay 82% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với ACB. Các khoản nợ cơ cấu Covid-19 giảm thêm -25% so với quý trước xuống còn 8,4 nghìn tỷ đồng (2% tổng tín dụng). Như đã đề cập trong các báo cáo trước, chúng tôi cho rằng nợ xấu hình thành từ các khoản nợ cơ cấu này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận cốt lõi của ACB, khi mà Ngân hàng này đã trích lập dự phòng 100% trong năm 2021. Với sự sụt giảm mạnh của các khoản nợ cơ cấu (-44% so với đầu năm), ACB đã hoàn nhập dự phòng khoản 2 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và giúp giảm dự phòng tín dụng xuống còn 71 tỷ đồng (-98% so với cùng kỳ) trong năm 2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) cải thiện lên 159,3% sau khi giảm xuống 137,8% trong Q3.2022.

Luận điểm đầu tư

Chúng tôi nâng khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu ACB, với giá mục tiêu một năm là 30.900 đồng/cp dựa trên: (i) ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nên và có ít rủi ro đối với các công ty bất động sản; (ii) bộ đệm tín dụng đủ mạnh để chống chọi với những khó khăn hiện tại của trường tài chính; (iii) tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận nhiều hứa hẹn cùng với sự thận trọng trong quản trị rủi ro.