Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS): Xây dựng chuỗi cung ứng M&C cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi toàn cầu

Nguồn: VCSC

Xây dựng chuỗi cung ứng M&C cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi toàn cầu

 

PVS

 

  • 118 cổ đông (chiếm 59% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành) đã tham dự ĐHCĐ của Tổng CTCP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (PVS) vào ngày 29/05. ĐHCĐ chủ yếu thảo luận về khối lượng công việc tiềm năng từ dự án Lô B, kho cảng LNG và lĩnh vực điện gió ngoài khơi, cũng như KQKD sơ bộ nửa đầu năm 2023 của PVS.
  • ĐHCĐ đã thông qua định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi của PVS. PVS có kế hoạch thâm nhập thị trường năng lượng tái tạo bằng việc trở thành nhà thầu tiêu chuẩn quốc tế cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Trong các giai đoạn sau, PVS định hướng trở thành nhà phát triển các dự án năng lượng tái tạo, bắt đầu từ các dự án tại Việt Nam.
  • PVS đặt mục tiêu phát triển chuỗi giá trị xây dựng cơ khí cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi toàn cầu tại Việt Nam. Chuỗi giá trị này bao gồm PVS là nhà thầu chính và một số nhà thầu phụ. Điều này sẽ giúp PVS hưởng lợi từ tiềm năng lớn của lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
  • ĐHCĐ đã thông qua việc PVS tham gia các gói thầu cho các dự án trong nước như mỏ khí Lô B, đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, mỏ khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2 và kho cảng LNG Sơn Mỹ.
  • Cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu đạt 13,2 nghìn tỷ đồng (-19,4% YoY) và LNST đạt 560 tỷ đồng (-40,7% YoY). Mục tiêu doanh thu và LNST năm 2023 của PVS đều tương đương 61% dự báo của chúng tôi, và chúng tôi cho rằng điều này đến từ quan điểm thận trọng của công ty. Trong 5 năm qua, PVS đã vượt kế hoạch lợi nhuận trung bình 35%.
  • Cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt năm 2022 và kế hoạch cổ tức tiền mặt năm 2023 là 700 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 2,3%) — phù hợp với dự báo của chúng tôi cho cả 2 năm.
  • PVS đã công bố KQKD sơ bộ nửa đầu năm 2023 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Doanh thu đạt 7,2 nghìn tỷ đồng (-5,0% YoY) và LNTT đạt 440 tỷ đồng (+17,7% YoY), lần lượt hoàn thành 33,2% và 37,2% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng PVS thường thận trọng khi công bố KQKD sơ bộ.

Khối lượng công việc mảng Cơ khí & Xây dựng (M&C) lớn, dịch vụ cho thuê kho nổi tiềm năng cho Lô B. PVS đã nộp hồ sơ dự thầu các gói thầu chính của dự án Lô B và đang chờ công bố kết quả. Ban lãnh đạo cho biết hiện dự án Lô B (vốn đầu tư 10 tỷ USD) đang chịu áp lực phải khởi công càng sớm càng tốt do Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện và thiếu khí và cần một thời gian đáng kể để năng lượng tái tạo thay thế các nguồn năng lượng truyền thống. Chúng tôi hiện giả định hợp đồng của PVS trị giá 500 triệu USD cho dự án Lô B sẽ bắt đầu được ghi nhận doanh thu từ năm 2024. Trong khi đó, PVS ước tính giá trị hợp đồng của dự án Lô B đạt khoảng 1 tỷ USD cho giai đoạn đầu, bên cạnh các hợp đồng tiềm năng cho việc xây dựng các giàn đầu giếng trong các giai đoạn sau của dự án. Ngoài ra, PVS tự tin sẽ nhận được hợp đồng cho thuê kho nổi FSO cho dự án Lô B nếu dự án được khởi công. Do đó, PVS có khả năng có được khối lượng công việc đáng kể và ổn định từ các hợp đồng EPC đến việc cho thuê FSO (tương ứng khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo của chúng tôi) trong vòng đời của dự án Lô B.

Ban lãnh đạo nhận thấy tiềm năng to lớn về cơ hội việc làm trong mảng năng lượng tái tạo ngoài khơi bao gồm Mỹ và Châu Âu. Theo Westwood Global Energy Group, các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 179 GW dự kiến sẽ được cấp phép trên toàn cầu trong giai đoạn 2022-2026. Tổng mức đầu tư cho các hợp đồng EPCI ước tính đạt khoảng 420 tỷ USD, chủ yếu ở Trung Quốc (28%), Châu Âu (không bao gồm Anh) (24%) và Châu Á (không bao gồm Trung Quốc) (15%). Khối lượng công việc tiềm năng cho 1 dự án trang trại điện gió ngoài khơi điển hình bao gồm xây dựng chân đế (jacket), trạm biến áp ngoài khơi và lắp đặt dây cáp. PVS ước tính giá trị hợp đồng của các thành phần này chiếm khoảng 40% tổng vốn XDCB của 1 trang trại điện gió ngoài khơi (phù hợp với ước tính của chúng tôi, trong đó phần chân đế chiếm 20-30% tổng vốn XDCB và trạm biến áp chiếm 5-7%). Vì vậy, các hợp đồng mảng M&C điện gió ngoài khơi ở Châu Á (không bao gồm Trung Quốc) có trị giá ước tính khoảng 25 tỷ USD. PVS xác định các thị trường tiềm năng của công ty là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc và các nước Châu Âu. Ngoài ra, PVS cho biết hợp đồng mảng M&C gần đây với Orsted - nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới - đã chứng minh năng lực của công ty trong việc sản xuất chân đế đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ban lãnh đạo tin tưởng rằng dự án này sẽ củng cố khả năng thắng thầu của PVS trong các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi khác từ Orsted và các nhà phát triển khác. Ngoài ra, PVS đang đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và khu vực Biển Bắc. Chúng tôi hiện cho rằng PVS có khả năng giành được các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi trị giá khoảng 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030. Chúng tôi thận trọng đưa khoảng 60% tiềm năng này vào mô hình dự báo, bao gồm 1,7 tỷ USD cho giai đoạn 2023-2027 và 1,0 tỷ USD cho giai đoạn 2028-2030. Những diễn biến tích cực trong việc PVS trúng thầu các hợp đồng mảng M&C điện gió ngoài khơi tương ứng tiềm năng tăng đối với dự báo doanh thu của chúng tôi; tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo biên lợi nhuận trong dài hạn khi ban lãnh đạo chia sẻ rằng biên lợi nhuận M&C điện gió ngoài khơi thấp hơn nhẹ so với biên lợi nhuận M&C dầu khí do dự án điện gió ngoài khơi có thể được sản xuất hàng loạt và dung công nghệ đơn giản hơn so với dự án dầu khí.

PVS đặt mục tiêu xây dựng trung tâm sản xuất cơ khí tại Việt Nam cho chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện gió ngoài khơi. PVS đang xây dựng chuỗi giá trị xây dựng cơ khí cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Chuỗi giá trị này bao gồm PVS là nhà thầu chính và một số nhà thầu phụ để hỗ trợ PVS trong việc sản xuất các thành phần cho các trang trại điện gió ngoài khơi (ví dụ: chân đế và trạm biến áp ngoài khơi). Với bãi chế tạo lớn hiện tại và sự hợp tác của các đối tác, PVS sẽ có khả năng thi công đồng thời nhiều dự án mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của chủ đầu tư. Để thực hiện chiến lược này, PVS sẽ cải tạo cơ sở vật chất hiện tại để phù hợp với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, thực hiện nghiên cứu, khảo sát để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. PVS đặt kế hoạch vốn XDCB đạt 1,8 nghìn tỷ đồng và 1,3 nghìn tỷ đồng lần lượt vào năm 2023 và 2024, và tổng vốn XDCB trong 5 năm tới đạt 4,6 nghìn tỷ đồng. Các mục tiêu này chủ yếu là do cam kết của các khách hàng và đối tác chiến lược đối với cơ hội việc làm của PVS trong lộ trình mở rộng công suất điện gió ngoài khơi. Chúng tôi hiện giả định tổng vốn XDCB trong 5 năm tới đạt 5,6 nghìn tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho rằng rủi ro chính trị của các dự án trang trại điện gió ngoài khơi của PVS và Sembcorp nhằm xuất khẩu điện sang Singapore là có thể kiểm soát được. Ngày 10/02, PVS đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển với công ty Sembcorp của Singapore để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi (công suất ban đầu đạt 2.300 MW với vốn XDCB khoảng 5 tỷ USD) và xuất khẩu điện được tạo ra từ các trang trại điện gió này sang Singapore thông qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển từ năm 2030. Ban lãnh đạo tin tưởng vào tính khả thi của dự án này vì 2 lý do chính: thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích xuất khẩu điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, như đã nêu trong Quy hoạch Điện VIII (PDP VIII) của Việt Nam; thứ hai, PVS cho rằng rủi ro chính trị có thể kiểm soát được do đường cáp quang Internet ngầm xuyên biên giới đã tồn tại nhiều năm mà không có vấn đề chính trị nào.

PVS có cơ hội việc làm tiềm năng do nhu cầu LNG lớn tại Việt Nam. PDP VIII đặt kế hoạch nhà máy điện LNG chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt của Việt Nam vào năm 2030. Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) đặt kế hoạch tổng công suất LNG đạt khoảng 12 triệu tấn LNG/năm sau khi mở rộng Kho cảng LNG Thị Vải và Kho cảng Sơn Mỹ LNG lên 6 triệu tấn/năm. Do đó, PVS tin rằng công ty có tiềm năng trở thành nhà thầu EPC cho các kho cảng LNG này.