Nguồn: HSC
Bão Yagi tác động tiêu cực tới triển vọng ngắn hạn
Bão Yagi: Đặc biệt nghiêm trọng
Do đặc thù vị trí địa lý, Việt Nam thường hứng chịu 6-8 cơn bão mỗi năm. May mắn thay, trong 5 năm qua, chỉ có một số ít cơn bão có cường độ trung bình là ‘cấp 7’ (hoặc cao hơn) đổ bộ vào đất liền Việt Nam (Biểu đồ 1, trang tiếp theo) và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền trong năm 2023. Do đó, bão Yagi được coi là cơn bão có sức tàn phá mạnh nhất, với cường độ ‘cấp 14’ khi đổ bộ vào đất liền; trên thực tế, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là cơn bão mạnh nhất trong 3 thập kỷ qua đổ bộ vào Việt Nam. Do đó, lợi nhuận của các công ty bảo hiểm có thể sẽ chịu tác động tiêu cực.
Nhiều khả năng chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng ngắn hạn
Trong những trường hợp tương tự, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường bị ảnh hưởng nặng hơn các công ty bảo hiểm nhân thọ do thiệt hại về tài sản là rất lớn. Trong số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, chúng tôi cho rằng những công ty tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm tài sản và xe cơ giới (PVI và MIG) có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với những công ty tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe (BVH, thông qua công ty con bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy nhiên, trong mọi kịch bản, tác động dự kiến sẽ mang tính chất ngắn hạn.
Khi đánh giá tác động của 4 cơn bão lớn đổ bộ vào Việt Nam trước đó (Bảng 2, trang tiếp theo), tỷ suất lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường sụt giảm mạnh trong quý xảy ra cơn bão hoặc một quý sau đó (trong những năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận thường sụt giảm trong cùng quý hứng chịu ảnh hưởng của bão) nhưng tỷ suất lợi nhuận thường phục hồi về mức bình thường trong quý tiếp theo. Điều này có thể do thấy năng lực về ước tính & xác định giá trị thiệt hại đã được cải thiện giúp các công ty bảo hiểm trích lập trước chi phí.
Theo tin tức từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), PVI đã nhận được 210 yêu cầu bồi thường với tổng số tiền ước tính 320 tỷ đồng (tương đương 7% tổng chi phí bồi thường đã thanh toán trong năm 2023) tính đến đầu ngày 9/9/2024 và BVH đã nhận được 437 yêu cầu bồi thường với tổng số tiền ước tính 385 tỷ đồng (khoảng 8% tổng chi phí bồi thường đã thanh toán trong năm 2023) tính đến đầu ngày 10/9/2024 - những con số này nhiều khả năng sẽ tăng lên trong những ngày tới. Tuy nhiên, những yêu cầu bồi thường này không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận thuần của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ do những công ty này đã ước tính và trích lập chi phí dự phòng khi ghi nhận doanh thu và một phần rủi ro sẽ được tái bảo hiểm chi trả.
Duy trì khuyến nghị Mua vào đối với BVH, lựa chọn hàng đầu của chúng tôi, cho đến khi hoàn thành đánh giá toàn diện hơn
Mặc dù nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn, quan điểm trong trung và dài hạn của chúng tôi vẫn giữ nguyên, trên cơ sở: (1) cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ đều sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và tỷ lệ thâm nhập thấp hiện nay và (2) lãi suất cũng cho thấy sự hồi phục từ đáy (Mời xem Biểu đồ 4-5).
Ngoài ra, sau một thảm họa thiên nhiên bất lợi, nhận thức về rủi ro và bảo hiểm thường được nâng cao và điều này có thể sẽ là một yếu tố tích cực đối với tăng trưởng phí bảo hiểm. Tuy nhiên, rủi ro đối với lợi nhuận trong năm nay chắc chắn vẫn tồn tại và chúng tôi cũng lưu ý về những điều chỉnh gần đây của giá thị trường (giá cổ phiếu giảm bình quân 15,1% trong 3 tháng qua, dẫn đầu là MIG và PVI). HSC duy trì khuyến nghị Mua vào và giá mục tiêu đối với BVH cho đến khi hoàn thành đánh giá toàn diện hơn; trong khi đó, chúng tôi đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo cho MIG và PVI.