Cập nhật Kinh tế vĩ mô: Phát hành trái phiếu ngân hàng tăng mạnh trong khi trái phiếu BĐS sụt giảm trong tháng 8

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Phát hành trái phiếu ngân hàng tăng mạnh trong khi trái phiếu BĐS sụt giảm trong tháng 8

 

 

  • Giá trị phát hành TPDN tháng 8 tăng lên 49 nghìn tỷ đồng với trái phiếu ngân hàng đạt 43 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với tháng trước và tăng 108% so với cùng kỳ) trong khi trái phiếu BĐS chỉ là 5 nghìn tỷ đồng (giảm 6% so với tháng trước và giảm 56% so với cùng kỳ). Lãi suất phát hành bình quân tăng lên 8,85% (so với 8,46% trong tháng 7).
  • Quy mô thị trường TPDN tháng 8 tăng mạnh lên 1.291 nghìn tỷ đồng (tăng 6,3% so với cùng kỳ và tăng 2,2% so với đầu năm), tương đương 11,8% GDP ước tính năm 2024.
  • Thanh khoản bình quân ngày trên thị trường thứ cấp đối với TPDN phát hành riêng lẻ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023 (3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với tháng trước). ACB & VHM là những tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng thứ 2 liên tiếp

Phát hành 8 tháng đầu năm 2024 tăng 65% so với cùng kỳ đạt 244 nghìn tỷ đồng

Trong tháng 8, giá trị phát hành TPDN tăng 21% so với tháng trước và tăng 37% so với cùng kỳ lên 49 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ trái phiếu ngân hàng (43 nghìn tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị phát hành). Từ đó, tổng giá trị phát hành kể từ đầu năm đạt 244 nghìn tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ). Các đợt phát hành đáng chú ý từ các ngân hàng bao gồm đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của Agribank (10 nghìn tỷ đồng) và đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của OCB (6,6 nghìn tỷ đồng). Ngược lại, ngành BĐS chỉ phát hành 5 nghìn tỷ đồng trong tháng 8/2024. Lãi suất phát hành bình quân đơn giản tăng 39 điểm cơ bản so với tháng trước lên 8,85% trong tháng 8/2024, với lãi suất cao nhất đến từ ngành BĐS (Công ty Xây dựng Thái Sơn, trực thuộc Vinhomes: 12%) và ngành tài chính (Công ty F88: 11%, được phân loại vào ngành khác).

Giá trị mua lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024

Giá trị mua lại TPDN tháng 8/2024 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024 đạt 11 nghìn tỷ đồng (giảm 67% so với tháng trước và giảm 37% so với cùng kỳ). Giá trị mua lại trái phiếu ngân hàng giảm mạnh xuống 9 nghìn tỷ đồng (giảm 70% so với tháng trước), chiếm 82% tổng giá trị mua lại tháng 8/2024. OCB và ABB là những ngân hàng có giá trị mua lại trái phiếu lớn nhất trong tháng (mỗi ngân hàng 2 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, giá trị mua lại ngành BĐS không đáng kể ở mức 146 tỷ đồng.

Gánh nặng trái phiếu đáo hạn gia tăng vào cuối năm

TPDN đáo hạn trong tháng 8/2024 là 17 nghìn tỷ đồng, tăng 96% so với tháng trước từ mức 8,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 7/2024 (trong đó 8 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS và 4 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng). Trong 4 tháng cuối năm 2024, giá trị TPDN đáo hạn ước tính là 108 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ), bằng 8% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành. Trong đó, hơn một nửa số trái phiếu đáo hạn đến từ ngành BĐS với tổng giá trị ước tính 55,4 nghìn tỷ đồng.

Trái phiếu có vấn đề mới giảm mạnh trong tháng 8/2024

Về mặt tích cực, giá trị trái phiếu có vấn đề mới (được định nghĩa là trái phiếu thanh toán chậm và điều chỉnh các điều khoản) giảm mạnh 79% so với tháng trước và giảm 77% so với cùng kỳ xuống gần 4 nghìn tỷ đồng trong tháng 8/2024, trong đó ngành BĐS chiếm 87% tổng giá trị. Đối với trái phiếu thanh toán chậm, Novaland công bố một lô trái phiếu chậm thanh toán lãi (350 tỷ đồng) trong tháng 8/2024. Trong khi đó, công ty này đã thanh toán một phần nợ gốc và lãi của 3 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 1,5 nghìn tỷ đồng bằng tài sản BĐS. Ngoài ra, Đại Thịnh Phát đã đàm phán thành công gia hạn 1 năm đối với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 972 tỷ đồng.