Nguồn: HSC
- Tổng giá trị TPDN phát hành trong tháng 7/2024 giảm xuống 28 nghìn tỷ đồng, tương đương tổng giá trị phát hành 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 182 nghìn tỷ đồng (tăng 62% so với cùng kỳ). Trong đó, giá trị phát hành tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 của ngành BĐS giảm lần lượt 38% và 40% so với cùng kỳ, cho thấy những khó khăn trong việc huy động vốn của các chủ đầu tư BĐS. Lãi suất phát hành bình quân tháng 7/2024 tăng lên 9,25% từ 8,48% trong tháng 6/2024.
- Giá trị TPDN đang lưu hành đạt 1.264 nghìn tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ). Tỷ trọng trái phiếu ngành ngân hàng là 41% trong khi tỷ trọng trái phiếu ngành BĐS giảm xuống 29%. Các doanh nghiệp BĐS (63 nghìn tỷ đồng) & Vinfast (11,5 nghìn tỷ đồng) phải đối mặt với sức ép đáo hạn lớn nhất trong phần còn lại của năm.
- Thanh khoản trên thị trường thứ cấp giảm xuống với giá trị giao dịch bình quân ngày giảm xuống 3,7 nghìn tỷ đồng từ 5 nghìn tỷ đồng trong tháng 6/2024. ACB, VHM & HDB là những tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng 7.
Ngân hàng dẫn đầu giá trị phát hành trong 4 tháng liên tiếp
Tổng giá trị TPDN phát hành trong tháng 7 giảm xuống 28 nghìn tỷ đồng, nâng tổng giá trị TPDN phát hành tăng lên gần 182 nghìn tỷ đồng (tăng 62% so với cùng kỳ) trong 7 tháng đầu năm 2024. Các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất kể từ đầu năm bao gồm TCB (22 nghìn tỷ đồng), MBB (19 nghìn tỷ đồng), Vingroup (14 nghìn tỷ đồng) và ACB (13 nghìn tỷ đồng). Ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành trong tháng thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị đạt gần 26,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành) trong khi giá trị phát hành của ngành BĐS giảm xuống 912 tỷ đồng. Lãi suất bình quân tăng lên 9,25% trong tháng 7/2024 từ 8,48% trong tháng 6/2024.
Giá trị trái phiếu mua lại giảm 19% so với tháng trước
Sau khi tăng mạnh lên 25 nghìn tỷ đồng vào tháng 6/2024, giá trị mua lại TPDN tháng 7/2024 giảm 19% so với tháng trước và giảm 27% so với cùng kỳ xuống 20,6 nghìn tỷ đồng (Biểu đồ 5). Ngành ngân hàng dẫn đầu hoạt động mua lại với 17,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% tổng giá trị mua lại). Trong đó, OCB (3,5 nghìn tỷ đồng), TCB, MBB và VPB (mỗi ngân hàng 3 nghìn tỷ đồng) nằm trong số các tổ chức phát hành có giá trị mua lại cao nhất trong tháng 7. Mặt khác, giá trị mua lại của ngành BĐS giảm 40% so với tháng trước xuống 1,3 nghìn tỷ đồng, trong đó công ty Hưng Thịnh Quy Nhơn (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) có giá trị mua lại lớn nhất ở mức 1 nghìn tỷ đồng.
127 nghìn tỷ đồng trái phiếu dự kiến đáo hạn vào cuối năm 2024
Trong tháng 7/2024, TPDN đáo hạn là 10 nghìn tỷ đồng (ngành BĐS: 4 nghìn tỷ đồng). Trong phần còn lại của năm 2024, HSC ước tính tổng giá trị TPDN đáo hạn khoảng 127 nghìn tỷ đồng, tương đương 10% tổng giá trị TPDN đang lưu hành. Trong đó, ngành BĐS dự kiến sẽ đối mặt với áp lực đáo hạn lớn nhất với 63 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm (SDI: 6,6 nghìn tỷ trong 5 tháng tới), trong khi ngành ngân hàng xếp thứ hai với tổng giá trị đáo hạn là 20 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Vinfast (phân loại vào nhóm ngành “khác”) nắm giữ lượng trái phiếu sắp đáo hạn lớn nhất là 11,5 nghìn tỷ đồng vào cuối năm.
Novaland chiếm phần lớn vào tổng giá trị trái phiếu có vấn đề
Giá trị trái phiếu có vấn đề mới (được định nghĩa là trái phiếu thanh toán chậm và điều chỉnh các điều khoản) tăng gấp ba lần so với tháng trước lên 18,4 nghìn tỷ đồng trong tháng 7/2024, trong đó giá trị cả trái phiếu thanh toán chậm (11,8 nghìn tỷ đồng) và trái phiếu điều chỉnh các điều khoản (6,6 nghìn tỷ đồng) đều tăng lên. Ngành BĐS đóng góp tỷ trọng trái phiếu có vấn đề lớn nhất trong tháng 7 (10,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 57% tổng giá trị). Trong tháng 7/2024, trái phiếu của công ty TNHH Bất động sản Gia Đức (thuộc Tập đoàn Novaland, 1,3 nghìn tỷ đồng) dẫn đầu về giá trị nợ gốc và lãi chậm thanh toán. Ngoài ra, Novaland đã thành công gia hạn 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 3,5 nghìn tỷ đồng.