Công nghệ thông tin: Khai thác tiềm năng ngành Bán dẫn của Việt Nam

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Khai thác tiềm năng ngành Bán dẫn của Việt Nam

 

 

  • Gần đây, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Ngày hội Kết nối Đầu tư Công nghệ Bán dẫn nhằm khám phá cơ hội giúp Việt Nam hội nhập vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.
  • Ngành bán dẫn hoạt động trên quy mô toàn cầu, bao gồm nhiều giai đoạn sản xuất khác nhau như thiết kế, sản xuất (chế tạo), đóng gói & kiểm thử, và phân phối. Hệ sinh thái toàn cầu này dựa vào các khu vực khác nhau để thực hiện các chức năng chuyên biệt. Việt Nam có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và đóng gói & kiểm thử.
  • Việt Nam có vị thế tốt để hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành bán dẫn toàn cầu. Các công ty công nghệ trong nước như FPT (Mua vào) và Viettel đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thiết kế chip.
Chuỗi giá trị ngành Bán dẫn toàn cầu
 
Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò là xương sống của thế giới công nghệ hiện nay. Các chip điện tử giúp vận hành các thiết bị mà chúng ta sử dụng hằng ngày, từ điện thoại thông minh và vệ tinh đến những chiếc xe điện đang cách mạng hóa ngành giao thông vận tải.
 
Chuỗi giá trị bán dẫn phức tạp và thực sự mang tính toàn cầu, với một mạng lưới liên kết giữa các công ty ở nhiều địa điểm địa lý khác nhau cùng thiết kế, sản xuất và phân phối các sản phẩm bán dẫn. Ngành công nghiệp này có điểm đặc trưng là tính chuyên môn hóa cao ở nhiều khu vực địa lý, rào cản gia nhập cao do chi phí đầu tư R&D đáng kể, chi phí vốn lớn và nhu cầu nhiều biến động.
 
Trong chuỗi giá trị này, có một số khu vực chiếm phần lớn thị phần toàn cầu. Về mặt gia công bán dẫn, hầu hết các nhà máy đều tập trung ở Đài Loan. Mặc dù có sự tập trung này, chuỗi cung ứng vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ trên toàn cầu, với Mỹ, EU và Nhật Bản ở thượng nguồn (công cụ và thiết bị), Đài Loan và Hàn Quốc ở trung nguồn (nơi sản xuất hầu hết các chip bán dẫn tiên tiến) và Trung Quốc ở hạ nguồn (nơi kết hợp chip vào hàng hóa cuối cùng, lắp ráp & kiểm thử). Vật liệu bán dẫn đa dạng về giá cả và nguồn cung, từ silicon dồi dào đến các nguyên tố đất hiếm khó tìm nguồn cung như gali, germani và scandi. Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh mảng sản xuất nguyên liệu thô.
 
Với ứng dụng rộng rãi trong các khía cạnh của cuộc sống hiện đại, theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), giá trị thị trường ngành bán dẫn toàn cầu là 527 tỷ USD vào năm 2023. Giá trị thị trường của ngành này dự báo tăng trưởng 16% so với năm ngoái đạt 611 tỷ USD trong năm nay và đạt khoảng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tương đương tăng trưởng với tốc độ CAGR 7 năm đạt 10%.
 
 
Nắm bắt cơ hội bán dẫn tại Việt Nam
 
Vào ngày 8/8, Thủ tướng đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ và Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp với các bên có thẩm quyền để xử lý các vấn đề quan trọng liên quan. Ban cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn cũng như tạo điều kiện phối hợp giữa các Bộ liên quan để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2045. Việt Nam có kế hoạch tham gia sâu vào quy trình lắp ráp và kiểm thử chất bán dẫn thuê ngoài (OSAT) và đào tạo 50.000 kỹ sư để phục vụ ngành vào năm 2030.
 
FPT có vị thế thuận lợi trong xu hướng này
 
Hiện nay, tổng cộng có 45 công ty tại Việt Nam hoạt động trong ngành Bán dẫn và hầu hết trong số đó là các công ty FDI (Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan). Viettel và FPT (Mua vào) là những công ty nội địa hàng đầu sẵn sàng tham gia thị trường bán dẫn. Năng lực thiết kế và nguồn nhân lực của hai doanh nghiệp này có thể đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị. Thị trường OSAT sẽ mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp cung cấp vật liệu và các doanh nghiệp mảng BĐS KCN.
 
Định giá và khuyến nghị
 
Cho giai đoạn 2024-2026, HSC dự báo lợi nhuận thuần của FPT sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm đạt 24%, dẫn dắt bởi mảng dịch vụ CNTT nước ngoài. FPT đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 22 lần, cao hơn bình quân 3 năm ở mức 16,5 lần. Mặc dù định giá cao nhưng HSC tin rằng FPT xứng đáng được định giá lại ở mặt bằng cao hơn trên cơ sở triển vọng lợi nhuận tích cực. FPT cũng đang có P/E dự phóng năm 2024 và 2025 thấp hơn lần lượt 10% và 20% so với các công ty cùng ngành. HSC hiện khuyến nghị Mua vào (đang xem xét lại) đối với FPT với giá mục tiêu 147.200đ (tiềm năng tăng giá 13%).