CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ là một trong những động lực tăng trưởng trong dài hạn

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

 Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ là một trong những động lực tăng trưởng trong dài hạn

 

 

  • Ngày 21/9/2024, ban Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị với các doanh nghiệp lớn, trong đó có HPG. Một trong các chủ đề được thảo luận là dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Chủ tịch HĐQT của HPG cho biết Công ty sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép làm đường ray cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
  • Dự án này đã được Đại hội Đảng thông qua và dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới. Nếu được Quốc hội thông qua, dự án có tổng vốn đầu tư 70 tỷ USD sẽ khởi công vào đầu năm 2027.
  • HPG dự kiến xây nhà máy tại tỉnh Phú Yên để sản xuất sản phẩm thép cao cấp mới và chuyên dụng, bao gồm thép đường ray tốc độ cao cho dự án đường sắt. Điều này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng dài hạn. Duy trì khuyến nghị Mua vào.

Sự kiện: Một phần sản phẩm của nhà máy mới tại Phú Yên sẽ phục vụ dự án đường sắt

Trong hội nghị diễn ra ngày 21/9/2024, ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT của HPG đã đưa ra những nhận định sâu sắc có giá trị về tình hình phát triển kinh tế. Đáng lưu ý, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam và xem đây là dự án hạ tầng mang tầm chiến lược quốc gia. Ông Long cho biết HPG sẵn sàng tham gia vào bất kỳ quy trình đấu thầu nào để cung cấp thép làm đường ray tốc độ cao cho dự án. Điều này có nghĩa là Công ty sẽ xây nhà máy mới để sản xuất thép có chất lượng cao trong thời gian tới, bao gồm thép làm đường ray.

Thêm thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Sau khi xem xét và thảo luận toàn diện, Bộ Chính trị đã thông qua đề xuất xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Quyết định này, được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tiềm năng của dự án trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng cường kết nối khu vực, sẽ được trình lên Quốc hội để phê duyệt lần cuối. Dự án này dự kiến sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam như đã nêu trong Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ tăng cường đáng kể năng lực vận tải dọc hành lang Bắc-Nam. Bằng cách tối ưu hóa thị trường vận tải và giảm chi phí logistics, dự án sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống của người dân. Hơn nữa, khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng này sẽ kích thích các ngành liên quan phát triển, thúc đẩy giao thông bền vững và góp phần làm trong sạch môi trường hơn.

Theo Bộ GTVT, đường sắt cao tốc Bắc-Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với cấu trúc đường đôi, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa đến 350km/h, bắt đầu từ Hà Nội và kết thúc tại TP.HCM. Dự án đầy tham vọng này, dự kiến có tổng vốn đầu tư 70 tỷ USD, sẽ có 23 nhà ga hành khách và 5 nhà ga hàng hóa. Công tác xây dựng những đoạn đầu tiên (Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang) dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2027, và toàn tuyến dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2035.

HPG có thể cung cấp những sản phẩm gì cho dự án này?

Tại ĐHCĐ được tổ chức vào tháng 4/2024, HPG quyết định tập trung sản xuất thép chất lượng cao, bao gồm tôn silic/thép điện và thép dùng cho đường ray đường sắt cường độ cao (được sử dụng trong các công trình đường sắt cao tốc). HPG đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho nhà máy Phú Yên, nơi sẽ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao này. Tổng vốn đầu tư cho dự án này ước tính khoảng 5 tỷ USD hoặc cao hơn tùy thuộc vào nhu cầu.

Trong giai đoạn đầu của dự án, một trong những sản phẩm mới từ nhà máy này sẽ được dùng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam ở Việt Nam. Một số thông tin bổ sung:

Trọng lượng đường ray trên một mét: Đường ray cao tốc thường sử dụng chuẩn UIC 60 (60kg/mét), được thiết kế cho tốc độ cao và tải trọng nặng. ▪ Tổng chiều dài đường ray: Với tuyến đường sắt có cấu trúc đường đôi có chiều dài 1.541 km (mỗi chiều một đường ray), đường ray sẽ có tổng chiều dài cần thiết là 3.082 km. ▪ Tổng trọng lượng của đường ray: Dựa theo các giả định trên, HSC ước tính tổng lượng thép sử dụng cho dự án đường ray cao tốc này là 185.000 tấn hoặc có thể cao hơn.

Như vậy, Việt Nam sẽ cần khoảng 185.000 tấn thép dùng làm đường ray để xây dựng 1.541 km đường sắt cao tốc đối với chuẩn ray UIC 60. Ngoài ra, công tác bảo trì/thay thế đường ray cũng sẽ được tiến hành sau mỗi 15 đến 30 năm, tùy thuộc vào từng đoạn đường ray. Nhưng công tác thay thế định kỳ hàng năm cần một lượng thép khá nhỏ, khoảng 10.000 tấn cho đường ray cao tốc đôi 1.541 km.

Mặc dù chúng tôi thấy nhu cầu thép cho dự án đường sắt là có, nhưng chúng tôi nhận thấy quy mô thị trường cho sản phẩm này nói chung vẫn tương đối nhỏ so với công suất thiết kế của các nhà máy thép mới, thường ở mức hàng triệu tấn thép mỗi năm. Do đó, sản phẩm từ nhà máy Phú Yên sẽ không chỉ tập trung sản xuất thép dùng cho đường ray. Nhà máy này sẽ được thiết kế để sản xuất nhiều sản phẩm thép khác nhau, đảm bảo thị trường bền vững hơn cho sản phẩm đầu ra.

Dự án này còn mang lại những lợi ích nào khác?

Sau khi nghiên cứu, chúng tôi hiểu rằng trong tất cả các chi phí cho các dự án thành phần của dự án đường sắt cao tốc (Bảng 1), chi phí cơ sở hạ tầng (công trình dân dụng) chiếm phần lớn trong tổng chi phí đầu tư của dự án. Do đó, công tác xây dựng đường hầm, cầu và cầu cạn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép xây dựng. Điều này cho thấy, bên cạnh sản phẩm thép chất lượng cao dùng cho công tác xây dựng đường ray, nhu cầu thép xây dựng trong dự án này cũng sẽ có lợi cho HPG trong dài hạn. Lưu ý, thép xây dựng đóng góp khoảng 47,9% sản lượng thép tiêu thụ của HPG trong 8 tháng đầu năm 2024. HPG hiện dẫn đầu phân khúc sản phẩm thép xây dựng này với thị phần 38%.

Khi nào HPG hưởng lợi từ dự án này?

Bộ GTVT đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công xây dựng các đoạn Hà NộiVinh và TP.HCM-Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642 km vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh-Nha Trang dài khoảng 899 km, dự kiến khởi công trước năm 2030, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Theo mốc thời gian xây dựng dự kiến của dự án đường sắt, nhu cầu ban đầu về đường sử dụng làm đường ray dự kiến sẽ phát sinh trong giai đoạn 2027- 2030. Khu liên hợp thép Phú Yên của HPG cần được xây dựng theo mốc thời gian phù hợp với tiến độ triển khai của dự án này để tối ưu hóa lợi ích tiềm năng.

Khuyến nghị

Nhờ có vị thế dẫn đầu trong ngành thép, HPG đang ở vị thế tốt để hưởng lợi từ dự án đường sắt cao tốc. Bên cạnh đó, việc đủ năng lực cung cấp thép cho dự án trọng điểm Quốc gia cũng sẽ tiếp tục củng cổ vị trí dẫn đầu và tiên phong của HPG. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG với giá mục tiêu không đổi 33.800đ (tiềm năng tăng giá: 32%).