CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Sản lượng tiêu thụ tháng 8: tăng 38% so với cùng kỳ, vượt dự báo nhờ xuất khẩu mạnh

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Sản lượng tiêu thụ tháng 8: tăng 38% so với cùng kỳ, vượt dự báo nhờ xuất khẩu mạnh

 

 

  • Sản lượng tiêu thụ của HPG trong tháng 8 đạt 842.147 tấn, tăng mạnh 38% so với cùng kỳ và 13% so với tháng trước, bất chấp sự sụt giảm mạnh của giá thép toàn cầu và ảnh hưởng của tháng 7 âm lịch. Kết quả này có được chủ yếu nhờ vào nhu cầu ổn định từ các thị trường xuất khẩu.
  • Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 378.425 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ và tăng 9% so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ HRC đã tăng trưởng trở lại (tăng 8% so với cùng kỳ và 11% so với tháng trước) nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng sau 4 tháng liên tiếp giảm từ tháng 4/2024.
  • Nhu cầu dự kiến sẽ phục hồi vào cuối năm khi các nỗ lực tái xây dựng ở miền Bắc diễn ra sau bão Yagi, cùng với các yếu tố mùa vụ. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG với giá mục tiêu 33.800đ (tiềm năng tăng giá: 36%).

Sự kiện: Công bố sản lượng tiêu thụ tháng 8/2024

Ngày 16/9/2024, Hiệp hội Thép Việt Nam đã công bố báo cáo tổng quan hằng tháng. Theo đó, trong tháng 8, HPG đã bán được tổng cộng 842.147 tấn sản phẩm thép, tăng 38% so với cùng kỳ và 13% so với tháng trước. Kết quả này rất đáng khích lệ và được thúc đẩy bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ, bất chấp tâm lý thị trường yếu do giá thép toàn cầu giảm mạnh và ảnh hưởng của tháng 7 âm lịch tại thị trường Việt Nam. Nhu cầu đối với mọi loại sản phẩm đã phục hồi, cụ thể như sau:

Nhu cầu thép xây dựng phục hồi nhờ hoạt động xuất khẩu

Trong tháng 8, HPG đã bán được tổng cộng 378.425 tấn thép xây dựng, tăng 23% so với cùng kỳ và 9% so với tháng trước, bất chấp ảnh hưởng của tháng 7 âm lịch tại thị trường Việt Nam và tâm lý thị trường yếu do giá thép toàn cầu giảm mạnh. Sản lượng tiêu thụ rất đáng khích lệ này được hỗ trợ bởi:

  • Sản lượng xuất khẩu tăng lên mức 138.361 tấn, tăng 41% so với cùng kỳ và 90% so với tháng trước, với các thị trường chính là các quốc gia châu Á.
  • Sản lượng tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng phần nào bởi tác động của tháng 7 âm lịch và tâm lý thị trường yếu do giá thép giảm. Theo đó, sản lượng tiêu thụ trong nước đạt 240.064 tấn, giảm 13% so với tháng trước nhưng vẫn duy trì được sự ổn định, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 2,95 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm 71% tổng nhu cầu (so với mức 82% trong 8 tháng đầu năm 2023); 29% còn lại đến từ xuất khẩu (so với mức 18% trong 8 tháng đầu năm 2023).

Sản lượng tiêu thụ HRC đã phục hồi trở lại so với cùng kỳ và so với tháng trước

Sau 4 tháng giảm liên tiếp từ tháng 4/2024, sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 8 đã phục hồi ấn tượng đạt 259.799 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ và 11% so với tháng trước, được thúc đẩy chủ yếu bởi xuất khẩu.

  • Xuất khẩu giữ vai trò quan trọng trong tháng này với sản lượng xuất khẩu đạt 102.456 tấn, tăng 77% so với tháng trước mặc dù giảm 10% so với cùng kỳ.
  • Sản lượng tiêu thụ trong nước đạt 157.343 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu cao hơn từ các nhà sản xuất tôn mạ/ống thép ở Việt Nam, sau cuộc điều tra về hoạt động bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ gần đây. Trong khi đó, do ảnh hưởng của tháng 7 âm lịch, sản lượng tiêu thụ trong nước đã giảm 11% so với tháng trước, nhưng HSC cho rằng đây vẫn là kết quả ổn định.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ HRC đạt 2,02 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chiếm 33% (so với mức 40% trong 8 tháng đầu năm 2023) và tiêu thụ trong nước chiếm 67% (so với mức 60% trong 8 tháng đầu năm 2023).

Sản lượng tiêu thụ phôi thép đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2021

Sản lượng tiêu thụ phôi thép của HPG tăng mạnh lên mức 96.365 tấn trong tháng 8, tương đương tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ và tăng 84% so với tháng trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi việc tập trung vào các thị trường xuất khẩu, giúp bù đắp cho tác động của nhu cầu trong nước suy giảm trong tháng 7 âm lịch. Việc HPG chủ động tìm kiếm thị trường mới cho thấy sự linh hoạt và cam kết của công ty trong việc tối đa hóa công suất sản xuất. Điều này gợi nhớ đến năm 2021, khi nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch. Vào thời điểm đó, HPG đã tích cực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phôi thép và vẫn tìm ra cách thức tốt nhất để cải thiện HĐKD. Trong 8 tháng đầu năm 2024, HPG đã bán được tổng cộng 437.714 tấn phôi thép, tăng 812% so với cùng kỳ.

Về hoạt động sản xuất của nhà máy, sản lượng thép thô trong tháng 8 đạt 709.511 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 2,8% so với tháng trước, tương đương công suất hoạt động 100%.

Sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ

HPG đã bán được tổng cộng 47.937 tấn tôn mạ trong tháng 8, tăng 301% so với cùng kỳ và 9% so với tháng trước, được hỗ trợ bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ, đạt 29.571 tấn, tăng 9% so với tháng trước (so với 519 tấn trong tháng 8/2023). Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ tôn mạ tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 314.095 tấn.

Về phân khúc ống thép, HPG đã bán tổng cộng 59.621 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ nhưng giảm 9% so với tháng trước do yếu tố mùa vụ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ đạt 442.630 tấn, không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Do nhu cầu về ống thép thường được thúc đẩy bởi thị trường trong nước nên sự yếu kém của nhu cầu trong nước cũng đã ảnh hưởng phần nào đến sự phục hồi nhu cầu ống thép.

Giá thép đã ổn định lại sau đợt giảm mạnh

Sau khi giảm mạnh vào tháng 8 và đầu tháng 9, giá thép đã phục hồi nhẹ trong tuần này. Nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kiềm chế sản xuất thép và kích thích thị trường BĐS đã góp phần vào sự ổn định này. Ngoài ra, mức tồn kho giảm ở Trung Quốc, sau các hoạt động giải phóng hàng tồn kho mạnh mẽ của các nhà sản xuất thép vào tháng trước cũng đã hỗ trợ cho giá phục hồi.

Do đó, giá thép tại Trung Quốc đã tăng 3% đối với cả sản phẩm HRC lẫn thép thanh, đạt lần lượt 445 USD/tấn và 460 USD/tấn. Điều này sẽ giúp ổn định tâm lý thị trường và khôi phục nhu cầu. Lưu ý, nhu cầu tại thị trường Việt Nam thường cải thiện về cuối năm, và sẽ được hỗ trợ thêm bởi nhu cầu gia tăng sau bão Yagi.

Do đó, HSC tin rằng nhu cầu đối với các sản phẩm thép, bao gồm cả sản phẩm của HPG, sẽ tiếp tục cải thiện về cuối năm. Mặc dù bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi khả năng phải trích lập dự phòng hàng tồn kho (do giá thép và chi phí đầu vào giảm mạnh), tỷ suất lợi nhuận dự kiến sẽ cải thiện từ Q4/2024 trở đi khi giá quặng sắt và than cốc bắt đầu rẻ hơn.

Duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu giữ nguyên là 33.800đ

HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với HPG ở giai đoạn này. Giá cổ phiếu giảm sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu. Tiến trình áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã bị trì hoãn thêm một tháng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng việc áp dụng một biện pháp tạm thời sẽ sớm được công bố vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Đây sẽ là một động lực lớn cho HPG. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng thuế CBPG tạm thời đối với tôn mạ nhập khẩu sẽ được triển khai sớm vào cuối năm nay.