Kinh tế vĩ mô hàng tháng: Đánh giá tác động của khủng hoảng Biển Đỏ với hoạt động thương mại & CPI

                                                                                                                                              Nguồn: HSC

Đánh giá tác động của khủng hoảng Biển Đỏ với hoạt động thương mại & CPI

 

 

  • Trong tháng 6, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ đã tăng lên mức cao kỷ lục. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Drewry, hầu hết các chuyên gia trong ngành dự đoán cuộc khủng hoảng Biển Đỏ sẽ tiếp diễn ít nhất đến năm 2025.
  • HSC cho rằng cuộc khủng hoảng Biển Đỏ sẽ chỉ tác động vừa phải tới CPI do (1) nguồn cung tàu container đã tăng lên, (2) sức ép lên chuỗi cung ứng còn thấp do nhu cầu yếu và (3) giá dầu và chi phí đầu vào sản xuất ổn định.
  • Trong khi đó, triển vọng thương mại sẽ gặp nhiều thách thức nếu cuộc khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài sau năm 2025, chủ yếu do các thị trường phát triển có thể đẩy mạnh thực hiện chiến lược “gần bờ” (nearshoring).
Bối cảnh và tình hình hiện tại của cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ
 
Kể từ giữa tháng 11/2023, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi lên các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã gia tăng. Để tránh những cuộc tấn công này, một số tàu thuyền đã chuyển từ hải trình đi qua Biển Đỏ sang hải trình xung quanh Mũi Hảo Vọng, từ đó làm gia tăng thời gian giao hàng & chi phí hoạt động, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cảng và làm tăng giá cước vận chuyển container.
 
Thị trường cho rằng những cuộc tấn công này sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào chiến dịch của Israel ở Gaza còn tiếp diễn. Trong tháng 6, các cuộc tấn công của Houthi lên các tàu trên Biển Đỏ thậm chí còn tăng lên mức cao kỷ lục. Do đó, theo một cuộc khảo sát gần đây của Drewry, hầu hết các chuyên gia trong ngành đang dự đoán cuộc khủng hoảng Biển Đỏ sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2025.
 
Tác động tiềm năng của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ lên lạm phát có vẻ vừa phải
 
HSC cho rằng cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ chỉ tác động vừa phải tới CPI do (1) nguồn cung tàu container tăng lên giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung, (2) sức ép lên chuỗi cung ứng thấp do nhu cầu yếu và (3) giá dầu & chi phí đầu vào sản xuất ổn định. HSC duy trì dự báo CPI tổng thể sẽ bình quân ở mức lần lượt 3,8% và 3,4% trong năm 2024 và 2025 (so với 3,3% trong năm 2023).
 
Triển vọng thương mại đối mặt với những khó khăn lớn nếu cuộc khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài cho tới sau năm 2025
 
Triển vọng thương mại của Việt Nam vẫn tích cực trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực Biển Đỏ. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, bao gồm các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, đã khiến WTO phải hạ dự báo tăng trưởng KNXK toàn cầu cho năm 2024. Nếu cuộc khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài cho tới sau năm 2025, các quốc gia mới nổi như Việt Nam có thể phải đối mặt nhiều thách thức lớn trong hoạt động thương mại do kém cạnh tranh hơn về khoảng cách và chi phí.
 
Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ dự kiến sẽ kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2025, HSC duy trì dự báo KNXK và KNNK tăng trưởng lần lượt 12,5% và 13,5% trong năm 2024, tương đương thặng dư thương mại đạt 28,6 tỷ USD (so với thặng dư 28,4 tỷ USD trong năm 2023).