Môi giới BĐS: KQKD Q2/2024 sát với dự báo, nhưng vẫn lo ngại về rủi ro

                                                                                                                                                                 Nguồn: HSC

KQKD Q2/2024 sát với dự báo, nhưng vẫn lo ngại về rủi ro

 

 

 

  • Trong khi doanh thu HĐKD cốt lõi của DXS sát với dự báo, doanh thu của CRE thấp hơn so với dự báo của HSC một chút do giá trị giao dịch thực tế thấp hơn kỳ vọng. Trong khi đó, doanh thu mảng mua đi bán lại của hai công ty cao hơn dự báo của chúng tôi nhờ số lượng bàn giao căn hộ cao hơn dự báo.
  • Sự cạnh tranh trong ngành còn khá gay gắt và nhiều mảng kinh doanh trong ngành chưa có dấu hiệu phục hồi. Những yếu tố này có khả năng làm giảm phí hoa hồng, giảm khối lượng giao dịch và tạo áp lực lên chi phí. Từ đó, triển vọng lợi nhuận của các công ty trở nên kém hấp dẫn.
  • HSC duy trì khuyến nghị Giảm tỷ trọng đối với CRE và DXS, với giá mục tiêu lần lượt là 6.000đ và 5.000đ (rủi ro giảm giá 13-15%). Theo quan điểm của chúng tôi, mức định giá thấp này vẫn chưa bắt kịp mức độ gia tăng rủi ro của Công ty.
 
Q2/2024: Lợi nhuận của DXS cao hơn dự báo, CRE sát với dự báo
 
Lợi nhuận thuần Q2/2024 của DXS đạt 38 tỷ đồng, cao hơn một chút so với dự báo của HSC, nhờ doanh thu bán nhà cao hơn dự báo trong khi doanh thu HĐKD cốt lõi sát với dự báo. Ngược lại, KQKD của CRE sát với dự báo, với doanh thu 334 tỷ đồng (giảm 16,8%) và lợi nhuận thuần 8 tỷ đồng. KQKD mảng môi thấp hơn so với dự báo của chúng tôi một chút, nhưng được bù trừ bởi KQKD tích cực của mảng đầu tư thứ cấp.
 
Chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận cho năm 2024. Đối với DXS, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần đạt 78 tỷ đồng, chuyển biến tích cực từ lỗ 168 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi đó, đối với CRE, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần đạt 15 tỷ đồng, cao hơn mức lợi nhuận chỉ 2,5 tỷ đồng trong năm 2023.
 
Những thách thức trong cuộc cạnh tranh khốc liệt
 
Theo DXS và CRE, các giao dịch được thực hiện trong nửa đầu năm 2024 đa phần đến từ phân khúc môi giới truyền thống. Chúng tôi hiểu rằng HĐKD của phân khúc môi giới trọn gói và dịch vụ môi giới có đảm bảo gặp khó khăn vì những phân khúc này có tốc độ phục hồi chậm hơn bình quân thị trường. Với phân khúc môi giới truyền thống, DXS và CRE đang phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt, có khả năng dẫn đến việc giảm chi phí môi giới (hiện ở mức 3-5%).
 
Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng các luật mới sẽ tạo ra sự hợp nhất ngành rõ nét hơn nữa, đặc biệt khi nhu cầu mua BĐS vẫn chưa tăng trở lại. Trong bối cảnh thị trường hiện tại, sự cạnh tranh có thể vẫn còn gay gắt vì các công ty mới tham gia thị trường không ngừng mở rộng HĐKD tại các thành phố có nhu cầu giao dịch BĐS cao. Các công ty môi giới chiếm lĩnh thị trường như DXS, CRE vẫn đang gặp khó khăn với HĐKD mua và bán lại của mình.
 
Vẫn lo ngại về tình hình quản trị doanh nghiệp & yếu tố nền tảng kém
 
HSC duy trì quan điểm lợi thế cạnh tranh ở mảng kinh doanh cốt lõi của DXS và CRE đang yếu đi trong thị trường có sức ép cạnh tranh gay gắt. Ngoài ra, việc thay đổi lãnh đạo ở DXS làm gia tăng rủi ro quản trị doanh nghiệp và CRE đẩy mạnh đầu tư vào các HĐKD không cốt lõi làm cho chúng tôi lo ngại.
 
Duy trì khuyến nghị Giảm tỷ trọng đối với DXS và CRE
 
Sau khi giá cổ phiếu giảm 15,3% trong 1 tháng qua, CRE đang giao dịch với P/B trượt dự phóng 1 năm là 0,55 lần, thấp hơn bình quân 3 năm ở mức 1,05 lần, và cổ phiếu cũng đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2024 ở mức 213 lần. Trong khi đó, DXS – giá cổ phiếu giảm 20,9% trong 1 tháng qua (sau vụ kiện thanh toán trái phiếu) – đang giao dịch với P/B trượt dự phóng 1 năm là 0,53 lần, thấp hơn so với bình quân từ tháng 7/2021 ở mức 1,13 lần, và cổ phiếu đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2024 ở mức 43 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Giảm tỷ trọng đối với CRE và DXS, với giá mục tiêu lần lượt là 6.000đ và 5.000đ (rủi ro giảm giá lần lượt là 13- 15%). Chúng tôi khuyến nghị NĐT nên chốt lợi nhuận khi giá cổ phiếu DXS và CRE tăng.