Ngân hàng: Bão Yagi ảnh hưởng tiêu cực nhưng không lớn

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

Bão Yagi ảnh hưởng tiêu cực nhưng không lớn

 

 

  • Theo một báo cáo của NHNN, dựa trên dữ liệu từ 20 tỉnh thành chịu tác động của cơn bão Yagi, khoảng 80 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay đã bị ảnh hưởng (tương đương 0,55% tổng dư nợ tín dụng).
  • Một số NHTM có vốn nhà nước & tư nhân đã triển khai chương trình giảm lãi suất từ 0,5-2%, tùy thuộc vào từng ngân hàng, cũng như các điều khoản và hình thức vay.
  • Dưới góc độ ngành, HSC dự báo tỷ lệ NIM sẽ giảm nhẹ, nợ xấu tăng nhẹ và nhu cầu tín dụng tăng vừa phải trong Q4/2024.
  • Dựa trên số liệu hiện có, các NHTM có vốn nhà nước dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn các NHTM tư nhân.

Đánh giá tác động ban đầu của cơn bão Yagi đối với các NHTM

Theo một báo cáo của NHNN, dựa trên dữ liệu từ 20 tỉnh thành chịu tác động của cơn bão Yagi, khoảng 80 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay đã bị ảnh hưởng (tương đương 0,55% tổng dư nợ tín dụng). Cụ thể, tại Quảng Ninh và Hải Phòng, 11.700 khách hàng đã chịu ảnh hưởng, với dư nợ cho vay khoảng 23,1 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá sơ bộ của CTG (Mua vào, giá mục tiêu 41.000đ), 195 khách hàng doanh nghiệp ở Quảng Ninh và Hải Phòng đã chịu ảnh hưởng của bão Yagi, với dư nợ cho vay 18 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này. Tương tự, theo ước tính của VCB (Mua vào, giá mục tiêu 106.500đ), 6.000 khách hàng chịu ảnh hưởng có dư nợ cho vay 71 nghìn tỷ đồng (bằng 5,1% tổng dư nợ cho vay của VCB), trong đó 230 khách hàng ở Quảng Ninh & Hải Phòng có dư nợ cho vay 13,3 nghìn tỷ đồng (bằng 1% tổng dư nợ cho vay của VCB). Agribank (Chưa niêm yết) cũng công bố 12.000 khách hàng với dư nợ cho vay 21 nghìn tỷ đồng (bằng 1,35% tổng dư nợ cho vay của Agribank) (Bảng 1).

Thông tin cụ thể từ những ngân hàng khác chưa được công bố nhưng chúng tôi cho rằng các NHTM có vốn nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các NHTM tư nhân. Trong số các NHTM tư nhân, những ngân hàng tập trung nhiều hơn vào miền Bắc, như MBB, TCB và VPB, có thể sẽ có nhiều khách hàng chịu ảnh hưởng hơn so với những ngân hàng tập trung nhiều hơn vào miền Nam, như ACB và STB.

Nhanh chóng đưa ra những chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho vay

Để ứng phó với tình hình khó khăn của khách hàng, một số NHTM có vốn nhà nước và tư nhân đã triển khai chương trình giảm lãi suất từ 0,5-2%, tùy thuộc vào từng ngân hàng, cũng như điều khoản và loại hình vay nợ. Những chương trình hỗ trợ này dự kiến sẽ kéo dài 4-5 tháng, áp dụng cho cả những khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, cung cấp hỗ trợ tài chính tạm thời cho những khách hàng chịu ảnh hưởng. Ngoài chương trình giảm lãi suất, HSC dự đoán NHNN sẽ có thêm những động thái hỗ trợ tiếp theo, như gia hạn thời hạn khoản vay, hoãn thanh toán lãi suất và tái cơ cấu các khoản vay.

Tác động tiêu cực tới các ngân hàng nhưng khó lượng hóa ở thời điểm hiện tại

Mặc dù vẫn chưa đánh giá được đầy đủ tác động tài chính đối với các ngân hàng do thiếu số liệu, HSC cho rằng những xu hướng sau đây sẽ diễn ra (chủ yếu trong Q4/2024):

  • Tỷ lệ NIM giảm nhẹ
  • Nợ xấu tăng nhẹ
  • Nhu cầu tín dụng tăng vừa phải do khách hàng chịu ảnh hưởng cần nguồn vốn để xây dựng lại nhà ở và khôi phục sản xuất kinh doanh.

HSC ước tính tác động của những chương trình hỗ trợ này lên thu nhập lãi, và lợi nhuận, của các ngân hàng sẽ tương đối nhỏ. Ví dụ, VCB ước tính chi phí của chương trình hỗ trợ mà ngân hàng này áp dụng sẽ là khoảng 100 tỷ đồng, tương đương lần lượt 0,72% và 1% thu nhập lãi thuần và LNTT của VCB trong Q2/2024.