Tăng trưởng tín dụng tăng tốc đạt 6,9%
Dư nợ tín dụng tăng trưởng 6,9% kể từ đầu năm và tăng 8,1% so với quý trước trong Q2/2024 sau khi giảm 1,1% so với quý trước trong Q1/2024. Ngân hàng chưa công bố số liệu về cơ cấu cho vay theo phân khúc khách hàng và ngành trong báo cáo Q2 nhưng HSC dự đoán tăng trưởng chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Về cơ cấu kỳ hạn, 85% các khoản vay được giải ngân trong Q2 là ngắn hạn và 15% là trung & dài hạn.
Tiền gửi khách hàng có độ trễ
Trong khi đó, tổng vốn huy động (tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) giảm 1% kể từ đầu năm (Q1 giảm 2,7% so với quý trước và Q2 tăng 1,8% so với quý trước). Hệ số LDR điều chỉnh tăng lên 97,7%, từ 91% tại thời điểm cuối năm 2023 và 94% tại thời điểm cuối Q1/2024.
Ngoài ra, tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước tại VCB tăng lên đáng kể đạt 60,5 nghìn tỷ đồng, từ lần lượt 0,8 nghìn tỷ đồng và 3,3 nghìn tỷ đồng trong Q4/2023 và Q1/2024. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại các NHTM có vốn nhà nước khác. Nguồn tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có chi phí rẻ hơn và có thể hỗ trợ thanh khoản thị trường, các NHTM có vốn nhà nước là các bên trung gian nhưng cũng sẽ được hưởng lợi.
Tỷ lệ NIM giảm xuống là không thể tránh khỏi
Tỷ lệ NIM giảm nhẹ 12 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,1%. Cả lợi suất gộp (giảm 41 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 185 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động (giảm 29 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 157 điểm cơ bản so với cùng kỳ) đều có xu hướng tiếp tục sụt giảm. Bên cạnh những xu hướng về lãi suất đã được dự báo trước, cùng với thực tế là hầu hết các khoản vay được giải ngân vào cuối tháng 6 và có kỳ hạn ngắn, tỷ lệ NIM phải đối diện với nhiều áp lực là điều dễ hiểu.
Trên cơ sở tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ vừa phải và tỷ lệ NIM sụt giảm, thu nhập lãi thuần (giảm 0,8% so với cùng kỳ) đi ngang trong cả Q2/2024 và 6 tháng đầu năm 2024.
Chất lượng tài sản vẫn vững chắc
Nợ xấu tăng 6% so với quý trước lên 16,4 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 1,2% (so với 1,22% tại thời điểm cuối Q1/2024), trong đó nợ xấu mới hình thành là 2,5 nghìn tỷ đồng (0,19% dư nợ cho vay bình quân) và nợ xấu đã xóa là 1,5 nghìn tỷ đồng (0,11% dư nợ cho vay bình quân). Các chỉ số khác cho thấy chất lượng tài sản cải thiện bao gồm:
- Nợ nhóm 2 giảm 31% so với quý trước, bằng 0,36% dư nợ cho vay và
- Lãi phải thu giảm 13%, bằng 0,63% nợ nhóm 1
VCB đã trích lập 1,5 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng (giảm 40% so với cùng kỳ) trong Q2/2024, tương đương mức đã trích lập trong Q1/2024. Trong đó, chi phí dự phòng các khoản cho vay khách hàng là 5,5 nghìn tỷ đồng và hoàn nhập dự phòng 3,95 nghìn tỷ đồng cho vay liên ngân hàng. Việc hoàn nhập dự phòng cho vay liên ngân hàng (được trích lập vào Q4/2023) đã nằm trong dự báo.
Với việc trích lập bổ sung đáng kể đối với các khoản cho vay khách hàng, hệ số LLR đã tăng lên 212% từ 200% trong Q1/2024 và cũng là một tín hiệu tích cực.
Thu nhập HĐ dịch vụ vẫn chưa hồi phục, thu nhập ngoài lãi khác cũng sụt giảm
Lãi thuần HĐ dịch vụ (giảm 7,6% so với cùng kỳ) vẫn chưa hồi phục chủ yếu do hoạt động bancassurance kém tích cực. Thu nhập ngoài lãi khác, bao gồmlãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (giảm 22% so với cùng kỳ) và thu nhập khác (giảm 36% so với cùng kỳ) không đạt kết quả quá tốt do điều kiện thị trường không thuận lợi.
HSC duy trì khuyến nghị và giá mục tiêu
Mặc dù kết quả kém tích cực hơn một chút so với dự báo, HSC kỳ vọng lợi nhuận của VCB sẽ tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 nhờ tăng trưởng tín dụng bắt đầu khởi sắc và chất lượng tài sản vẫn vững mạnh. HSC duy trì khuyến nghị và giá mục tiêu cho đến khi hoàn thành đánh giá toàn diện hơn.