NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): LNTT Q3 tăng 67% từ mức nền thấp, sát với dự báo

                                                                                                                                                                     Nguồn: HSC

LNTT Q3 tăng 67% từ mức nền thấp, sát với dự báo

 

 

  • KQKD Q3 của VPB nhìn chung sát với dự báo của chúng tôi với cả LNTT và lợi nhuận thuần đều tăng mạnh 66%, đạt lần lượt 5,2 nghìn tỷ đồng và 4 nghìn tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận thuần đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự báo cả năm của chúng tôi.
  • Tín dụng hợp nhất tăng 8,2% kể từ đầu năm và tăng nhẹ 1,2% so với quý trước. Tỷ lệ NIM ở mức 6%, tăng 97 điểm cơ bản so với cùng kỳ nhưng giảm 33 điểm cơ bản so với quý trước. Chất lượng tài sản cải thiện nhẹ với tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 4,8% từ 5,1% trong Q2/2024 và hệ số LLR tăng lên 51% từ 48%.
  • HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu

Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2024

KQKD Q3/2024 của VPB nhìn chung sát với dự báo của chúng tôi với cả LNTT và lợi nhuận thuần đều tăng 66% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 5,2 nghìn tỷ đồng và 4 nghìn tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, LNTT hợp nhất của VPB đạt 13,9 nghìn tỷ đồng và bằng 67% dự báo cả năm 2024 của chúng tôi, trong khi lợi nhuận thuần đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự báo cả năm.

Cơ cấu LNTT Q3 bao gồm: 4,6 nghìn tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ) từ Ngân hàng mẹ; 270 tỷ đồng từ công ty con tài chính tiêu dùng FE Credit, hồi phục từ hòa vốn trong Q3/2023; 340 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) từ công ty chứng khoán VPBankS; và 171 tỷ đồng (tăng 151% so với cùng kỳ) từ công ty con bảo hiểm phi nhân thọ OPES.

 

Tín dụng tăng trưởng 8,2% kể từ đầu năm nhờ Ngân hàng mẹ

Tín dụng hợp nhất tăng trưởng khiêm tốn đạt 1,2% so với quý trước (tăng 8,2% kể từ đầu năm), trong đó Ngân hàng mẹ tăng trưởng 2%, trong khi FE Credit vẫn đi ngang và VPBankS giảm 17%. Cho vay khách hàng (tăng 1,8% so với quý trước và tăng 12,2% kể từ đầu năm) là động lực tăng trưởng chính. Trong khi đó, danh mục TPDN sụt giảm đáng kể (giảm 15% so với quý trước và giảm 45% kể từ đầu năm). Điều này cho thấy nhiều khả năng một số trái phiếu nắm giữ đã được chuyển thành dư nợ cho vay.

  • Xét theo cơ cấu phân khúc khách hàng, khách hàng doanh nghiệp lớn/DNNVV là động lực tăng trưởng chính, (tăng 7,6% so với quý trước và tăng 26,8% kể từ đầu năm), trong khi cho vay khách hàng cá nhân tương đối yếu, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 0,7% kể từ đầu năm.
  • Xét theo cơ cấu ngành nghề, động lực tăng trưởng chính trong Q3/2024 đến từ ngành BĐS (tăng 17,5% so với quý trước), vận tải (tăng 19,5% so với quý trước) và sản xuất (tăng 9,6% so với quý trước). Ngược lại, nhu cầu vay mua nhà vẫn thấp, đi ngang cả so với quý trước và kể từ đầu năm.

Tỷ lệ NIM giảm 30 điểm cơ bản so với quý trước nhưng hồi phục 97 điểm cơ bản so với cùng kỳ

Tỷ lệ NIM hợp nhất đối mặt với sức ép, giảm 30 điểm cơ bản so với quý trước xuống 6%. Nguyên nhân do lợi suất gộp giảm 40 điểm cơ bản trong khi chi phí huy động vẫn ổn định (giảm nhẹ 4 điểm cơ bản so với quý trước). Lợi suất gộp giảm mạnh hơn so với dự báo của chúng tôi nhưng phù hợp với xu hướng KQKD gần đây của các NHTM khác.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ, tỷ lệ NIM hồi phục đáng kể 97 điểm cơ bản. Từ đó, thu nhập lãi thuần Q3 tăng 38% so với cùng kỳ mặc dù giảm nhẹ 2% so với quý trước. Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM sẽ đi ngang trong Q4/2024.

Thu nhập ngoài lãi ghi nhận kết quả trái chiều

Thu nhập ngoài lãi đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) trong Q3/2024 nhờ tăng trưởng của: thu nhập khác (tăng mạnh 207% so với cùng kỳ), lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối (so với lỗ trong Q3/2023) và lãi mua bán trái phiếu (tăng 33% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lãi thuần HĐ dịch vụ kém tích cực (giảm 39% so với cùng kỳ) đã làm giảm nhẹ kết quả tổng thể.

Đối với lãi thuần HĐ dịch vụ, mảng bảo hiểm (từ OPES và hoa hồng bancassurance) là động lực tăng trưởng duy nhất (tăng 24% so với cùng kỳ) trong khi dịch vụ thanh toán (giảm 82% so với cùng kỳ) và dịch vụ khác như dịch vụ thẻ và tài trợ thương mại (giảm 38%) sụt giảm.

Chất lượng tài sản cải thiện nhẹ

Chất lượng tài sản cải thiện nhẹ trong Q3/2024 với nợ xấu hợp nhất ở mức 30,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 4,8%, so với 5,77% tại thời điểm cuối năm 2023 và 5,08% tại thời điểm cuối Q2/2024. Nợ nhóm 2 giảm 8,2% so với quý trước và bằng 7,06% dư nợ cho vay khách hàng, giảm từ 7,8% tại thời điểm cuối Q2/2024. Mặc dù vẫn ở mức cao nhưng nợ nhóm 2 giảm xuống cho thấy chất lượng tài sản có khả năng sẽ bình ổn hoặc cải thiện trong những quý sắp tới.

Tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng mẹ tăng lên 3,63% từ 3,3% trong Q2/2024 nhưng giảm từ 4,08% tại thời điểm cuối năm 2023, trong khi tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit giảm xuống khoảng 17% từ 21% tại thời điểm cuối năm 2023. Chi phí dự phòng hợp nhất tăng 24% so với cùng kỳ lên 6,1 nghìn tỷ đồng (nhưng giảm 26% so với quý trước). Trong đó, chi phí dự phòng của Ngân hàng mẹ là 3,4 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ nhưng giảm 39% so với quý trước) và FE Credit là 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ nhưng giảm 2,5% so với quý trước).

Nợ xấu mới hình thành có xu hướng giảm trong Q3/2024 với tỷ lệ nợ xấu mới hình thành hợp nhất ở mức 0,73% tổng dư nợ cho vay, giảm từ mức đỉnh 2,64% vào Q4/2022 và 1,25% trong Q2/2024.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu

KQKD Q3/2024 của VPB nhìn chung sát với dự báo của chúng tôi. Sau khi giá cổ phiếu tăng 9% trong 3 tháng qua, VPB đang giao dịch với P/B và P/E dự phóng năm 2024 lần lượt là 1,11 lần và 10 lần, so với bình quân nhóm NHTM tư nhân lần lượt ở mức 1,23 lần và 7,6 lần. HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu.