4 dạng biểu đồ phân tích kỹ thuật thông dụng và dễ hiểu nhất

Phân tích kỹ thuật - Technical analysis (TA) là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu để giúp cho nhà đầu tư quyết định thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ cổ phiếu. Vậy TA có những dạng biểu đồ nào?

Trong phân tích kỹ thuật, mỗi loại biểu đồ sẽ có đặc điểm khác nhau và được sử dụng cho từng chiến lược khác nhau. Lựa chọn biểu đồ phù hợp sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm nhiều thời gian đồng thời nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng chiến lược giao dịch. Trong bài viết này này, Finashark sẽ giới thiệu 4 dạng biểu đồ phân tích kỹ thuật dùng để biểu thị sự thay đổi giá của công cụ tài chính.

Biểu đồ nến - Candlestick chart

Đây là dạng biểu đồ phân tích kỹ thuật do người Nhật khám phá và sử dụng  từ những năm 1600. Ưu điểm nổi bật của biểu đồ phân tích kỹ thuật dạng nến giúp thể hiện các mức giá một cách trực quan hơn. 

Mỗi cây nến thường bao hàm 4 thông tin: giá mở cửa/giá đóng cửa, giá cao nhất/giá thấp nhất và thể hiện sự dao động của giá trong 1 khoảng thời gian giao dịch. Nến xanh hoặc nến trắng biểu thị sự tăng giá (mức giá đóng cửa sẽ cao hơn mức giá mở cửa); nến đỏ hoặc nến đen là nến giảm giá (mức giá đóng cửa sẽ thấp hơn mức giá mở cửa).  

Để hiểu hơn về cấu tạo nến, bạn có thể xem hình minh họa dưới đây.

biểu đồ phân tích kỹ thuật

Trong đó: 

  • Mỗi cây nến không nhất thiết phải có đủ các phần như minh họa.
  • Đỉnh mỗi bóng nến tương ứng với giá cao nhất và thấp nhất trong một phiên giao dịch.
  • Với nến xanh thì giá mở cửa nằm ở dưới, giá đóng cửa nằm ở trên còn nến đỏ thì ngược lại.
  • Thân nến càng dài thì sức mua hoặc bán càng mạnh, chênh lệch giữa giá mở cửa và đóng cửa càng lớn. Nếu nến xanh thì bên mua đang nhiều hơn, nến đỏ thì bên bán nhiều hơn. Trong khi đó, thân nến ngắn chứng tỏ thị trường đang chững lại, cả bên mua và bên bán đều chưa quyết định.
  • Bóng nến dài chứng tỏ 2 phe đều mua bán mạnh khiến giá tăng giảm liên tục. Nhà đầu tư nên quan tâm đến đỉnh của bóng nến đánh giá ngưỡng hỗ trợ, ngưỡng kháng cự.

Biểu đồ thanh - Bar chart

Biểu đồ thanh (hay còn gọi là OHLC) là một tập hợp các thanh giá, biểu thị các thông tin: giá mở (O), giá cao nhất (H), giá thấp nhất (L) và giá đóng cửa (C). Cụ thể

  • Phần đỉnh và phần đáy của thanh thẳng đứng tương ứng chỉ mức giá cao nhất và giá thấp nhất trong một khoảng thời gian nhất định. 
  • Thanh ngang bên trái đại diện cho giá mở cửa, bên phải thể hiện giá đóng cửa.

Giống như với biểu đồ nến, người ta cũng sử dụng màu sắc để biểu thị giá tăng hay giảm. Trong đó, nếu thanh có màu xanh (hoặc đen) thì giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa (giá tăng), nếu thanh có màu đỏ thì giá đóng cửa nhỏ mức giá mở cửa (giá giảm).

biểu đồ phân tích kỹ thuật

Chiều dài của thanh dọc tỉ lệ thuận với sự chênh lệch giá của tài sản trong một giai đoạn. Thanh càng dài thì thị trường càng biến động. Ngược lại, nếu thanh dọc rất ngắn thì điều đó có nghĩa là có không có nhiều biến động giá xảy ra. Ngoài ra, NĐT cũng có thể dựa vào khoảng cách giữa giá mở cửa và giá đóng cửa để đưa ra một số nhận định. Nếu mức giá đóng cửa vượt xa mức giá mở cửa, điều đó cho thấy ở thời điểm xem xét biểu đồ, người mua đã rất tích cực giao dịch. Còn nếu khoảng cách này ngắn tức là là giá tài sản ít thay đổi.

Tùy vào chiến lược mà NĐT sẽ lựa chọn phân tích giai đoạn nào. Các NĐT trong ngày hay trader có thể theo dõi biểu đồ thanh 1 phút. Với các NĐT dài hạn, họ có thể chọn phân tích biểu đồ thanh hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng...

Biểu đồ đường - Line Chart 

Biểu đồ đường được tạo ra bằng cách nối các mức giá đóng cửa của các ngày giao dịch. Ưu điểm của biểu đồ đường là cho thấy xu hướng chuyển động giá tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, hạn chế của nó là không thể hiện được sự chuyển động của giá trong ngày. 

biểu đồ phân tích kỹ thuật

Biểu đồ núi - Mountain chart 

Về cơ bản, biểu đồ núi (hay còn được gọi là biểu đồ khu vực) cũng giống như biểu đồ đường. Nó là biểu đồ tài chính nối các mức giá đóng cửa của tài sản trong các phiên giao dịch lại với nhau. Khác biệt ở chỗ không gian bên dưới đường được thêm màu sắc. 

Biểu đồ núi có một số công dụng chính như mô tả sự tăng trưởng của một khoản đầu tư theo thời gian, là công cụ giao dịch được các trader dùng để phân tích hành vi giá. Tuy nhiên, các trader cần cẩn thận vì loại biểu đồ này có thể tạo ra ảo ảnh quang học về sự tăng trưởng lớn hơn thực tế.

biểu đồ phân tích kỹ thuật

Trên đây là 4 loại biểu đồ phân tích kỹ thuật cơ bản được áp dụng trên thế giới. Bạn có thể sử dụng các biểu đồ nến, thanh nếu muốn theo dõi biến động giá theo ngày hoặc trong ngắn hạn hay biểu núi, biểu đồ đường nếu muốn nhìn tổng quan. 

Finashark - Hệ thống phân tích dữ liệu dòng tiền chuyên nghiệp, hiệu quả

Hotline: 0901 345 869

Email: lienhe@finashark.vn

Website: finashark.vn