6 giai đoạn trong quá trình trở thành trader chuyên nghiệp

Cảm xúc hay tâm lý là một trong những nguyên nhân cho sự thành công hay thất bại của một trader. Dưới đây là 6 giai đoạn về sự phát triển từ số 0 trở thành một trader chuyên nghiệp. Thử đánh giá xem bạn đang ở giai đoạn nào và cần thêm những gì để cải thiện bản thân nhé.

1. Con cừu non

Đây là thời điểm khi mọi thứ bắt đầu, kiến thức của bạn về cấu trúc thị trường nằm ở mức thấp hoặc không biết gì cả. Có thể, bạn là một người muốn tìm kiếm thêm kênh thu nhập, bạn muốn tự do tài chính hay chỉ đơn giản là có người nói với bạn rằng bạn chỉ cần bỏ tiền vào mua bán là sẽ kiếm lời…

Bạn thậm chí còn không biết về cách mà thị trường hoạt động, khối lượng giao dịch, hay tìm hiểu về sản phẩm đầu tư là gì. Biểu đồ giá giống như một bức tranh sống động nhiều màu sắc bao gồm những đường cong lên xuống vô nghĩa và những nét vẽ nguệch ngoạc như đứa trẻ ba tuổi nhà bạn đang cố vẽ bậy lên tường nhà, đó là tất cả những gì bạn thấy. Bạn nghĩ rằng những người có thể đọc được biểu đồ giá, hay phân tích và dự đoán được giá dựa trên mớ hỗn độn này đều phải sử dụng một công cụ cao siêu nào đó.

Tuy nhiên, mớ hỗn độn này có thể sẽ trở thành một bức tranh muôn màu khi bạn bắt đầu quan sát, tìm hiểu và nghiên cứu chúng. Chúng ở đây có thể là cách bạn biết đọc một loại báo cáo tài chính hay bạn tìm được cách sử dụng một chỉ báo kỹ thuật để phân tích thị trường.

Nhưng thời điểm đó, bạn không được dạy để biết rằng, thực ra bạn chỉ là một con cừu non đang chờ được xén lông.

>> Xem thêm: Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán từ A-Z cho người mới

2. Chú lừa cõng Phật

Mỗi ngày trong khoảng thời gian này, bạn sẽ quan sát thị trường một cách chăm chú. Sau một thời gian, bạn bắt đầu nhận thấy một hiện tượng với sự lặp lại thường xuyên và hoạt động này khá đều đặn. Bạn đặt sự chú ý cao vào mẫu hình này.

Sau nhiều lần quan sát, bạn thấy nó xuất hiện ngày càng nhiều biến thể ở các thị trường khác và tất cả chúng đều có vẻ giống nhau. Sự tự tin của bạn bắt đầu tăng lên khi thị trường xuất hiện mô hình tăng giá đó, bạn quyết định lao vào mua và cài đặt các điểm chốt lời cắt lỗ như được hướng dẫn. Và…bạn dính điểm dừng lỗ.

Nhưng, đó chưa phải là kết thúc, bạn tiếp tục nghiên cứu thêm về mô hình này nhiều hơn. Khi mô hình đó lại xuất hiện lần nữa, đúng theo các điều kiện mà bạn đã nhìn thấy trước đó, bạn đã tham khảo hàng trăm lần, nhưng thêm một lần nữa, lệnh đó dính đúng điểm cắt lỗ và bật tăng trở lại. Và trong một khoảnh khắc, bạn nhận ra rằng, có lẽ chính cắt lỗ mới khiến bạn mất tiền. Trong thời điểm cảm xúc lấn át tất cả, bạn quyết định tiếp tục vào lệnh với mô hình đó. Nhưng, đã không còn cắt lỗ. 

Thật không may, lần này lại tiếp tục dính cắt lỗ và số tiền mất còn nhiều hơn hai lần trước.

Trên thực tế, hầu hết 90% nhà đầu tư đều trải qua giai đoạn này, nhưng ít người hiểu rằng đây là một phần của thị trường tài chính. Nơi mà thắng - thua là một phần tất yếu với bất kỳ hệ thống nào. Không có thứ gọi là chén thánh trong thị trường đầu tư, không có phương pháp nào có tỷ lệ chính xác 100%. 

3. Hoài nghi mọi thứ

Đây là một trong những giai đoạn quan trọng nhất. Tại sao tôi đánh giá giai đoạn này là quan trọng? Vì nếu bạn không vượt qua được, thì nó sẽ mãi là rào cản. Những mong muốn về tự do tài chính của bạn sẽ chấm dứt.

Sau một quá trình nghiên cứu và nỗ lực, hiện thực hóa nó với các giao dịch của mình; sự thật hiển nhiên là bạn mất tiền và bạn cần một lý do để đổ lỗi. Đây là trường hợp đa phần nhà đầu tư mắc phải, khi sai chúng ta thường tìm một lý do để đổ lỗi.

“Tại vì tắc đường nên tôi đi làm trễ (chứ không phải thực ra tôi ngủ dậy muộn)”. “Tại vì…”

Mọi người đều vướng phải một vấn đề về tư duy, đó chính là giao dịch là phải có lợi nhuận. Nhưng mỗi khi mở lệnh giao dịch, mặc dù tất cả mọi thứ đều hoàn hảo với những phương pháp bạn đã học được. Đặt nhiều kỳ vọng thì sự thất vọng càng nhiều, bạn bước vào thị trường với quan điểm thành công có vẻ dễ dàng khi mình đã nắm được một phương pháp giao dịch. Sự bối rối và thất vọng này dần biến thành sự tức giận; tức giận và hoài nghi về những thứ mình đã bỏ công nghiên cứu, tức giận với những người thầy, tức giận với các nhà phân tích, các khóa học đầu tư chứng khoán, môi giới, các nhà tạo lập thị trường.

Việc đổ lỗi thường xuyên xảy ra trên một số diễn đàn, mạng xã hội về trading.

Trong giai đoạn hoài nghi về thị trường, bạn sẽ tiến thêm một bước nếu bạn vượt qua, còn không, bạn sẽ mãi dừng chân tại chỗ.

4. Rối trí

Bạn đã không bỏ cuộc, xin chúc mừng. Nhưng tiếp theo đây mới là thử thách lớn, vì bạn đã thất bại với một số cách sử dụng các mô hình, nến và chỉ báo. Bạn nghĩ rằng bạn phải cần một siêu hệ thống mới có thể loại bỏ được các sai lầm và tiến tới thành công.

 Sách, các khóa học trading, các dịch vụ về tư vấn và các bản tin của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tham gia mọi hội nhóm về phím lệnh, các AI đắt tiền với quảng cáo siêu lợi nhuận; bạn mua tất cả những thứ có thể giúp bạn tìm kiếm “chén thánh”.

Và, thật không may, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Khi bạn sử dụng quá nhiều chỉ báo ở trên biểu đồ, điều đó làm bạn bị rối trí. Với rất nhiều thông tin bạn được nhận từ các chỉ báo, bạn không thể đưa ra quyết định, bởi vì các thông tin hiếm khi đồng thuận với nhau. Sau đó, bạn có xu hướng tìm kiếm các ý kiến đồng ý với quan điểm giao dịch mà bạn đã thực hiện.

Đây chính là tài chính hành vi, những thứ gắn với lợi ích như đồng tiền luôn đi kèm sự sợ hãi. Nếu bạn không sẵn sàng chấp nhận điều đó, sự thực về mất mát và rủi ro liên quan đến giao dịch, bạn sẽ chỉ dạo quanh thị trường để tìm những người ủng hộ quan điểm của bạn.

Khi bạn tìm đến sự đồng thuận của người xung quanh, bạn sẽ thoát khỏi áp lực trong việc mâu thuẫn giữa các chỉ báo. Ví dụ như chỉ báo MACD cắt lên và cho tín hiệu mua trong khi RSI cho tín hiệu mua quá mức, kênh xu hướng đang thể hiện xu hướng bán nhưng SMA cho rằng thị trường vẫn tiếp tục tăng. 

Trong trường hợp thua lỗ, bạn cũng sẽ có lý do để đổ lỗi.

5. Tìm về bản chất

Một Trader đã vượt khỏi bức tường thứ 4, sau khi đã sử dụng 1001 các loại chỉ báo, công cụ hỗ trợ, thay vì tiếp tục sử dụng các công cụ chỉ báo này, bạn sẽ bắt đầu tự hỏi bản thân rằng: 

  • Bạn thực sự muốn gì? 
  • Bạn nên làm gì tiếp theo? 
  • Phong cách giao dịch như thế nào mới phù hợp với bản thân? 
  • Nhà đầu tư hay đầu cơ? 
  • Scalping hay Hold? 
  • Trung hạn, ngắn hạn hay dài hạn? 
  • Nên sử dụng khung thời gian nào?

Bạn nhận ra về việc kiểm soát rủi ro hay quản lý vốn quan trọng nhường nào trong quá trình đầu tư tài chính. Bạn bắt đầu kết hợp các chiến thuật giao dịch lại với nhau. Những Fibonacci, Elliott, RSI, Stochastic, MA… các chỉ báo được bạn chọn lọc và sử dụng theo một chiến lược nhất quán. Những điều này tạo nên một vũ khí sắc bén mà chỉ duy nhất bạn có thể sử dụng một cách nhuần nhuyễn nhất.

Bạn chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm về các giao dịch, các khoản lỗ, bạn đã hiểu ra rằng việc mất tiền trong đầu tư là không thể tránh khỏi. Bạn đã không còn cố gắng trả thù thị trường. 

Những cảm xúc tiêu cực đã thực sự biến mất.

6. Làm chủ

Trong giai đoạn này, lên kế hoạch giao dịch, xử lý các thông tin đầu vào là trọng tâm của bạn vào đầu ngày. Khi phiên giao dịch bắt đầu, bạn đã sẵn sàng với các kịch bản di chuyển của thị trường. Bạn thoải mái và bình tĩnh đối phó với các trường hợp xảy ra.

Bạn đã làm chủ được bản thân, bạn sử dụng kế hoạch nhuần nhuyễn, bạn sử dụng các công cụ để xác nhận lẫn nhau, điểm vào điểm ra và điểm cắt lỗ được trau chuốt. Ngay cả khi có diễn biến bất ngờ từ thị trường như tin tức lớn bạn cũng có thể thoát lệnh an toàn. Bất cứ điều nào xảy đến từ thị trường đều không khiến bạn nao núng bởi vì bạn được bảo vệ bởi nguyên tắc và sự kỷ luật.

Bạn đồng điệu với thị trường, các nghiên cứu trước đây về giá và các phản ứng của thị trường đã tạo cho bạn một loại “trực giác”. Bạn không cần biết thị trường sẽ làm gì tiếp theo vì bạn có thể xử lý được mọi tình huống, mọi câu đố hóc búa mà thị trường đưa ra.

Bạn biết những gì bạn muốn, bạn kiên nhẫn và chờ đợi cơ hội chín muồi tới. Và khi nó xuất hiện, bạn hành động dứt khoát và không do dự, và lặp lại một quá trình liên tục như vậy.

Theo một khía cạnh nào đó, bạn chính là người hỗ trợ cho bạn, bạn tự đặt câu hỏi và tự giải thích, tự đưa ra kịch bản cho thị trường. Bạn tự nhắc nhở bản thân giữ cho mình tập trung. Không quá nhiều chiến thắng, không chán nản về việc cắt lỗ. Bạn đã chiến thắng bản thân và trở thành một trader chuyên nghiệp.

Bạn nhận ra, đánh bại thị trường không phải là không thể, nhưng việc đầu tiên phải làm chính là đánh bại bản thân mình. Đó là một quá trình, giống như việc bạn sinh ra lớn lên và trưởng thành. 

Đến lúc này, bạn đã chính thức đạt được tự do tài chính.

>> Xem thêm: 5 bẫy tâm lý phổ biến mà nhà đầu tư nên tránh

Finashark - Hệ thống phân tích dữ liệu dòng tiền chuyên nghiệp, hiệu quả

Hotline: 0901 345 869

Email: lienhe@finashark.vn

Website: finashark.vn

Nhận tín hiệu miễn phí tại: Finashark's Telegram channel