Báo cáo chiến lược Tháng 2/2024: Như ý Cát tường

                                                                     Nguồn: SSI

 

 

Kinh tế việt nam tháng 1 năm 2024: Tín hiệu trái chiều

Số liệu vĩ mô tháng 1 cho thấy sự phân hóa rõ nét:
  • Ngành sản xuất chế biến chế tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực nhẹ.
  • Tiêu dùng chưa có sự phục hồi đáng kể, trong khi số liệu thực tế của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong năm 2023 có sự điều chỉnh mạnh.
  • Lạm phát là điểm sáng trong tháng, khi chỉ số CPI toàn phần và cơ bản đều trong mức kiểm soát.
  • Giải ngân đầu tư FDI ổn định và vốn FDI đăng kí ghi nhận mức tăng đáng kể.
  • Mặt bằng lãi suất trên cả thị trường 1 và 2 duy trì mức thấp trong khi tỷ giá gặp nhiều áp lực trong nửa cuối tháng 1.
Yếu tố mùa vụ (Tết nguyên đán năm 2023 rơi vào tháng 1) đã ảnh hưởng nhiều tới kết quả so sánh với cùng kỳ và do vậy cần phải chờ thêm dữ liệu tháng 2 để có những cái nhìn chính xác hơn về sản xuất và tiêu dùng. Nhìn chung, tương tự như tháng trước, chúng tôi cho rằng nền kinh tế vẫn ở trong giai đoạn hồi phục nhưng tốc độ tương đối chậm khi các yếu tố chủ lực như chế biến chế tạo và tiêu dùng vẫn chưa thể sôi động trở lại trước khi dịch. Trong tháng 2, tâm điểm sẽ tập trung vào cầu tiêu dùng nội địa trong dịp Tết Nguyên Đán.   
 
Sản xuất chế biến chế tạo và xuất nhập khẩu
 

 

Sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo có kết quả tích cực trong tháng 1
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 1 tăng 18% svck, trong đó chế biến chế tạo (+19,2%) và sản xuất, phân phối điện (+21,6%) là 2 nhóm ngành đóng góp tích cực nhất. Cần lưu ý rằng do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán), việc so sánh với cùng kỳ sẽ không có nhiều ý nghĩa và chúng tôi sẽ phân tích cụ thể hơn khi có số liệu vĩ mô tháng 2.
  • Khi đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ, cả IIP ngành chế biến chế tạo và PMI đều có sự cải thiện nhẹ so với tháng trước. Đặc biệt sự cải thiện từ PMI đến từ sản lượng và đơn hàng mới, trong khi đó chỉ số sử dụng lao động của ngành chế biến chế tạo tăng 0,5% so với tháng trước, đặc biệt từ khối doanh nghiệp FDI (tăng 0,7%). Các yếu tố trên đang cho thấy ngành sản xuất đang từng bước trong giai đoạn phục hồi.
  • Xuất khẩu tháng 1 ước tính đạt 33,5 tỷ USD – mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 8/2022 và nhập khẩu đạt 30,6 tỷ USD. Tốc độ hồi phục của các nhóm ngành trong xuất khẩu vẫn tương đối phân hóa, và trong tháng 1, động lực chủ yếu đến từ nhóm ngành điện thoại và linh kiện (tăng gần 2 tỷ USD so với tháng 12) trong khi các nhóm ngành truyền thống khác như dệt may, giày dép, đồ gỗ nội thất hay thủy sản vẫn chưa có sự bứt phá mạnh.
Tiêu dùng trong nước và du lịch
 
Tiêu dùng trong nước chưa bứt phá trong tháng 1
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% svck và 5,8% nếu loại trừ yếu tố giá, đều thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2023 (tăng lần lượt 13,3% và 9,1%).
  • Khách quốc tế trong tháng 1/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước với động lực lớn từ nhóm du khách từ Mỹ (+28%), Châu Âu (+26,6%) và Hàn Quốc (+12,2%).Tuy nhiên, đáng lưu ý là doanh thu từ du lịch lữ hành chỉ tăng hơn 1% so với tháng trước.
  • Số liệu thực tế của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong năm 2023 có sự điều chỉnh mạnh với mức giảm gần 10% trong tháng 12/2023. Kết hợp với yếu tố mùa vụ, chúng tôi sẽ cần thêm dữ liệu tháng 2 để có những cái nhìn chính xác hơn về tiêu dùng.
  • Số liệu sơ bộ về nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán cho kết quả không quá khả quan. Nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng trong nửa đầu tháng 1 giảm tới 6,2% so với cùng kỳ trong khi khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 1/2024 cho thấy tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng giảm so với cùng kỳ năm trước là 7,6% (tăng so với mức 5,9% trong năm 2023). 
 
Đầu tư FDI và đầu tư công
 
Giải ngân vốn FDI khả quan
  • Giải ngân FDI tháng 1 đạt 1,48 tỷ USD – tăng gần 10% svck.
  • Vốn FDI đăng ký trong tháng 1 tăng 48,6% svck, tương đương 2,23 tỷ USD. Dự án lớn nhất được ghi nhận có thể là dự án Lumi Hanoi của CapitaLand.
Giải ngân đầu tư công tích cực trong tháng 1
  • Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1/2023 là gần 17 nghìn tỷ đồng, đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng (hết tháng 1/2023 đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng). Mức giải ngân trong tháng 1 cũng ghi nhận mức tăng 32% svck nếu so sánh theo số tuyệt đối.
  • Bộ Tài Chính cũng công bố số liệu ước giải ngân đầu tư công cho năm tài khóa 2023, đạt 662 nghìn tỷ đồng, tăng 23% svck và hoàn thành 93% kế hoạch Thủ tướng. Trong đó, giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đạt 89 nghìn tỷ, hoàn thành 66% kế hoạch.
  • Tính trong năm 2024, kế hoạch đầu tư của Thủ tướng là 657 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm kế hoạch vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2023 chuyển sang (ước tính khoảng 45 nghìn tỷ đồng).
 
Lạm phát

 

 
Lạm phát được kiểm soát tốt
  • Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 trong mức kiểm soát, khi chỉ tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37% và lạm phát cơ bản tăng 2,72%.
  • Nhóm y tế là nhóm đóng góp mức tăng mạnh nhất trong lạm phát tháng 1, và áp lực từ việc tăng giá điện không phản ánh mạnh lên chỉ số CPI trong 2 tháng qua, cho thấy cầu tiêu dùng chưa phục hồi đáng kể
  • Các kịch bản lạm phát năm 2024 của Chính phủ đều nằm trong mức mục tiêu Quốc hội đưa ra, với mức 3,52% cho kịch bản tích cực nhất, 4,03% cho kịch bản cơ sở và 4,5% cho kịch bản kém tích cực.
 
Lãi suất và tỷ giá
 
Đối với lãi suất trên thị trường, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm
  • Lãi suất trên thị trường 2 ở mức thấp trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 đã điều chỉnh về mức tương đương 2021 (hoặc thấp hơn, ở một số kỳ hạn). Mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho KHTC hiện nay giữa các nhóm NHTM đã không còn sự chênh lệnh đáng kể, ghi nhận ở 4,3% cho 4 NHTMCPNN, 4,7% cho các NHTMCP lớn và 4,8% cho các NHTMCP khác. Như vậy, so với giai đoạn năm 2021, lãi suất huy động ở nhóm NHTMNN và NHTMCP khác đã thấp hơn nhiều trong khi nhóm NHTMCP lớn vẫn còn cao hơn mức 2021 khoảng 10 điểm cơ bản.
  • Lãi suất trung bình của những khoản cho vay hiện tại cũng đã điều chỉnh về mức tương đương 2021 (khoảng 9-11% dành cho lãi suất mua nhà). Lãi suất cho vay đối với các khoản mua nhà mới thậm chí đã giảm chỉ còn khoảng 6,5 – 7,0% cho 2 năm đầu tiên.
  • Trái ngược, đồng VND biến động mạnh trong tháng 1 và có những thời điểm giảm giá 1,4% so với cuối năm 2023. Kết tháng, VND giảm 0,6%, và chênh lệch tỷ giá tự do và niêm yết ở ngân hàng vẫn ở mức cao.
  • Khác với xu hướng tích cực thường thấy vào đầu năm, áp lực đối với tỷ giá hiện nay đang cao dần, một phần do thị trường đang đánh giá lại khả năng giảm lãi suất của FED, chưa kể tới chênh lệch lãi suất VND-USD âm kéo dài khiến áp lực rút vốn tăng dần. Bên cạnh đó, cán cân thương mại cũng khó có khả năng hỗ trợ tích cực như giai đoạn 2023 và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt và khiến biến động tỷ giá trên thị trường tự do khó lường hơn.
 
TTCK việt nam tháng 1 năm 2024
 
Khởi động năm 2024 thuận lợi

 

TTCK Việt Nam có tháng đầu năm khá bận rộn với nhiều thông tin quan trọng được đón nhận. Tâm điểm trong nửa đầu tháng là nhóm Ngân hàng với hàng loạt sự kiện quan trọng, bao gồm (i) Tăng trưởng tín dụng tháng cuối năm được công bố vượt kỳ vọng với 4,56% theo tháng và 13,71% từ đầu năm và NHNN định hướng tiếp tục tăng 15% trong năm 2024 (ii) Kỳ họp Quốc hội bất thường lần 5 diễn ra từ 15/1 – 18/1 đã quyết định thông qua 2 dự thảo luật quan trọng là Luật các tổ chức tín dụng và Luật đất đai sửa đổi bên cạnh Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc và Kế hoạch bổ sung vốn đầu tư công trung hạn. Trong khi đó, những ngày cuối tháng diễn ra trầm lắng hơn với sự chú ý hướng về mùa báo cáo KQKD Q4.2023 và động thái từ cuộc họp chính sách của FED.
 
Trên nền tảng vĩ mô ổn định và hỗ trợ chính sách bền vững, VNIndex tiếp nối mạch hồi phục kể từ đáy tháng 10 và có tháng khởi đầu thuận lợi với mức tăng
3,04%, dù bị hạn chế bởi phiên điều chỉnh cuối tháng. Theo đó, chỉ số khép lại tháng 1 ở ngưỡng 1.164,3 điểm.
 
Chọn lọc cơ hội ở những nhóm đi sau trong năm 2023
 
Nửa đầu tháng dòng tiền dường như chỉ tập trung vào mỗi nhóm Ngân hàng thì sang nửa sau đã có sự lan tỏa rộng hơn và chọn lọc ở những nhóm đi sau trong năm 2023. Nổi bật trong tháng là nhóm Ngân hàng, Công nghiệp, Bán lẻ, Chứng khoán với điểm sáng ở MBB (+16,6%), CTG (+16,6%), VCB (+10%), HCM (+11,5%), PNJ (+6,4%). Bên cạnh nhóm Tài nguyên cơ bản, CNTT, Dầu khí tạm chững lại sau giai đoạn tăng mạnh, hai nhóm Bất động sản, Du lịch giải trí vẫn giao dịch trầm lắng khi bức tranh ngành còn chưa khởi sắc. Theo đó, sự trở lại của nhóm trụ cột Ngân hàng đã giúp VN30 (+3,1%) khởi sắc hơn VNMidcap (+1,4%) và VNSmallcap (+0,6%) trong tháng 1. Tính từ đáy tháng 10, các nhóm Dịch vụ tài chính, Hóa chất, Bán lẻ, Xây dựng và Vật liệu, Tài nguyên cơ bản là các nhóm đã phục hồi tốt nhất.
 
Dòng tiền tiếp tục xu hướng dịch chuyển sang nhóm vốn hóa lớn
 
Nhìn vào tỷ trọng phân bổ dòng tiền trong 20 phiên gần nhất, dòng tiền dù vẫn dành sự ưu ái cho nhóm vốn hóa vừa (VNMidcap) nhưng xu hướng dịch chuyển sang nhóm vốn hóa lớn (VN30) kể từ tháng 12 cũng vẫn đang tiếp diễn.
Trong đó, nhóm Ngân hàng cho thấy chuyển biến tích cực rõ rệt nhất khi phân bổ GTGD tăng vọt lên mức 26,9%, so với chỉ 19,2% vào tháng 12 và là ngưỡng cao nhất kể từ tháng 4.2023. Như vậy, nhóm Ngân hàng đã vượt qua nhóm Bất động sản để trở thành động lực dẫn dắt thanh khoản trong tháng 1 vừa qua.
 
Các mã giao dịch sôi động nhất trong tháng bao gồm SSI, HPG, STB, SHB, MBB.
 
Mặt bằng thanh khoản duy trì ổn định
 
GTGD bình quân sàn HOSE ghi nhận 16,7 nghìn tỷ đồng/phiên trong tháng 1, cải thiện so với cùng kỳ và tháng trước tương ứng 56% và 3%. Dù vậy, mặt bằng thanh khoản đang khá ổn định trong những tháng gần đây cho thấy dòng tiền tham gia vào thị trường chưa có nhiều chuyển biến quá nổi bật.
Khi các nhóm ngành chưa đồng thuận tăng trưởng, chúng tôi cho rằng, dòng tiền trong thời gian qua vẫn đang trong nhịp độ xoay vòng và đảo lớp tìm kiếm cơ hội ngắn hạn hơn là việc đón nhận dòng tiền mới vào thị trường.
 
Khối ngoại quay lại mua ròng nhẹ trong tháng 1
 
Khối ngoại mua ròng 186 tỷ đồng trong tháng 1 sau 9 tháng rút ròng liên tiếp. Tỷ trọng giao dịch ghi nhận ở mức thấp, chỉ 7,7% trên sàn HOSE. Trong đó, nhóm Ngân hàng (+3,1 nghìn tỷ) được vào ròng mạnh nhất giúp nâng đỡ giá của các cổ phiếu nhóm này trong tháng. Nhóm Tài nguyên cơ bản cũng tiếp tục thu hút dòng tiền ngoại với GT mua ròng +1 nghìn tỷ đồng.
 
Dẫn đầu GT mua ròng của khối ngoại là giao dịch thỏa thuận của AIC (+1,3 nghìn tỷ) cùng VCB (+900 tỷ), STB (+771 tỷ), HPG (+738 tỷ), VPB (+663 tỷ), VCG (+514 tỷ) và MWG (+443 tỷ) qua kênh khớp lệnh. Ngược lại, VNM (-956 tỷ), VRE (-790 tỷ), chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-751 tỷ đồng) chịu áp lực rút ròng lớn nhất.
 
Dòng tiền từ NĐT cá nhân trong nước lại trở nên thận trọng hơn khi đảo chiều rút ròng đến 1,4 nghìn tỷ đồng, phần lớn ở nhóm Ngân hàng với hơn 3 nghìn tỷ đồng. Ngược lại, khối cá nhân mua ròng mạnh ở hai nhóm Thực phẩm đồ uống (+2 nghìn tỷ) và Bất động sản (+1,3 nghìn tỷ).
 
Xu hướng lợi nhuận q4.2023 – Phục hồi trên nền thấp
 
LN Q4.2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực kể từ đáy ở Q4.2022. Tổng LNST toàn sàn (1.130 DN tính đến ngày 5/2) tăng mạnh 35,3% so với Q4.2022 và tăng 4,8% so với Q3/2023, ghi nhận mức LN cao nhất trong vòng 5 quý. Như vậy, LN đã lấy lại mức tăng trưởng dương sau 4 quý liên tiếp suy giảm, giúp thu hẹp tăng trưởng cả năm 2023 chỉ còn âm 3,5% so với năm 2022.
 
Động lực tăng trưởng mạnh nhất quý này (svck) đến từ các nhóm:
 
Ngân hàng (+25%), Thực phẩm & đồ uống (+52%), Xây dựng & Vật liệu (+162%), và CNTT (+31%) phục hồi mạnh. Ngành Ngân hàng gần đạt mức đỉnh LN ghi nhận vào Quý 1/2022 và ngành CNTT tiếp tục lập đỉnh lợi nhuận mới.
 
Các nhóm Tài nguyên cơ bản, Chứng khoán, Viễn thông cùng đảo chiều từ lỗ sang lãi, trong khi nhóm Du lịch và giải trí thu hẹp đáng kể mức lỗ cùng kỳ năm 2022.
 
Ngoại trừ ngành Ngân hàng và ngành CNTT, mặt bằng LN các nhóm ngành còn lại vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2021-2022 do niềm tin tiêu dùng vẫn thấp và sức khỏe nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn. Có thể thấy các nhóm ngành Tiện ích (-27%), Hàng & Dịch vụ công nghiệp (-12%), Bán lẻ (-67%), và Ô tô (-17%) vẫn chưa quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Ngành Bất động sản tuy tăng nhẹ 3% nhưng vẫn thấp so với các quý trước.
 
Xu hướng lợi nhuận q4.2023 – Còn nhiều thách thức
 
Và đằng sau con số tăng trưởng LN ròng ấn tượng, cũng có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi LN của thị trường vẫn ở giai đoạn ban đầu và vẫn còn nhiều thách thức phía trước trong quá trình hồi phục:
 
Quy mô doanh thu không tăng tương ứng. Tổng doanh thu toàn thị trường tiếp tục giảm nhẹ 2% svck, tác động chủ yếu bởi các ngành Bất động sản (-30%), Thực phẩm & đồ uống (-11%), Hóa chất (-9%), Tiện ích (-5%). Du lịch & giải trí là nhóm ngành có mức tăng doanh thu tốt nhất (+33%) nhờ khách du lịch quốc tế dần phục hồi sau đại dịch.
 
Biên lợi nhuận gộp (nhóm ngành Phi tài chính) giảm mạnh từ 15,3% trong Q4/2022 xuống 14% trong Q4/2023, thấp hơn cả mức đáy thời kỳ Covid-19 là 14,3% trong Q1/2020.
 
LN bất thường đến từ các khoản Thu nhập khác và Thu nhập tài chính tăng mạnh, đóng góp tới 23% tổng LNTT. Các khoản thu nhập này gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước chủ yếu nhờ thu nhập đột biến ở cá thể một số doanh nghiệp như VIC, VHM, HNG, DHB, NVL. Nếu loại trừ các khoản đột biến này, tổng LN chỉ tăng 3% so với cùng kỳ.
 
Như vậy, có thể thể thấy tăng trưởng LN Quý 4/2023 phụ thuộc khá nhiều vào mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2022, bên cạnh các khoản thu nhập mang tính đột biến, chưa thể hiện sự tăng trưởng đến nhiều từ nội tại của DN. Tuy nhiên, bên cạnh các khó khăn vẫn còn đang tồn đọng, bức tranh BCTC quý cuối cùng của năm 2023 cũng đáng khích lệ khi DN đang trong quá trình tái cơ cấu thích nghi tạo bước đệm cho kỳ vọng hồi phục các mảng kinh doanh cốt lõi trong các quý tới của năm 2024.
 
Chiến lược đầu tư và khuyến nghị
 
Tín hiệu kỹ thuật – Sức mạnh xu hướng trung tính

 

 
Tín hiệu tích cực ở tháng 1 được duy trì và VNIndex tạm thời tiếp cận vùng kháng cự ngắn hạn 1.205-1.210 điểm.
  • Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX ở trung hạn cho thấy tín hiệu sức mạnh xu hướng ở mức trung tính.
  • Theo đó, chỉ số VNIndex khả năng sẽ có mức giao động trong vùng 1.160 – 1.210 trong những phiên giao dịch nửa cuối tháng 2 với trạng thái giằng co thường xuyên.
  • Vùng hỗ trợ 1.127-1.130 điểm là vùng hỗ trợ mạnh trên VNIndex. Trường hợp thị trường điều chỉnh, NĐT cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi VNIndex giữ được vùng này và ngược lại nên đưa danh mục về trạng thái an toàn nếu chỉ số không giữ được.
 
Tham khảo thống kê lịch sử - Kỳ vọng quán tính tăng tiếp tục
 
Nhìn về lịch sử, chúng tôi thực hiện thống kê mức tăng của VNIndex theo tháng kể từ khi niêm yết (Bảng 1) để quan sát khả năng tiếp tục đi lên của VNIndex nếu tăng điểm trong tháng 1.
Kết quả tính toán (Bảng 2) trong giai đoạn 2021 – 2023 thể hiện rõ trong 23 năm qua, có tổng cộng 13 lần VNIndex tăng điểm vào tháng 1. Đồng thời, trong 13 kỳ quan sát trên có đến 10 lần chỉ số VNIndex duy trì quán tính tăng trong tháng 2, chiếm xác suất khoảng 77%.
 
Chiến lược thị trường – Chủ đề đầu tư chính
 
TTCK Việt Nam vẫn đang trong nhịp phục hồi hơn 3 tháng từ vùng đáy tháng 10/2023 với mức tăng 16,5% của VNIndex tính đến 7/2/2024. Môi trường lãi suất tiếp tục về mức rất thấp, kết quả LN phục hồi trong quý 4 và hiệu ứng từ chính sách vẫn là các yếu tố chính tác động đến thị trường giai đoạn hiện tại. Chúng tôi cũng quan sát thấy dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu “đi sau” trong năm 2023 và có mức định giá lùi về mức thấp trong lịch sử.
 
Tâm lý thị trường hiện khá lạc quan với kỳ vọng quán tính tăng sẽ tiếp diễn và giao dịch sẽ sôi động hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Nhìn vào lịch sử tháng 2 thông thường có xác suất tăng nhiều hơn sau tháng 1 khởi đầu tích cực trong năm.
 
Mặc dù vậy, NĐT cần sẵn sàng cho các “nhịp lùi lành mạnh” của thị trường để điều tiết cung cầu (P/E ước tính cho năm 2024 vẫn hấp dẫn trong dài hạn khi duy trì ở mức 10,3 lần - thấp hơn đáng kể so với mức 13,8 lần bình quân 5 năm gần nhất).
 
Trong khi đó các yếu tố rủi ro cho sự điều chỉnh của thị trường gồm có: xuất khẩu và tiêu dùng trong nước phục hồi chậm hơn kỳ vọng, khó khăn của ngành bất động sản và tác động gián tiếp lên các ngành khác, lạm phát và lãi suất cao ở Mỹ và Châu Âu kéo dài hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị leo thang.
 
 
“Phục hồi” và “Tăng trưởng” vẫn sẽ là 2 câu chuyện chính dòng tiền sẽ tìm đến trong giai đoạn tới, đặc biệt với môi trường lãi suất thấp rất trong nước và rủi ro suy thoái từ các nền kinh tế lớn có phần dịu bớt.
 
Các chủ đề đầu tư NĐT có thể dựa vào để tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn đầu năm (i) Nhóm DN có trạng thái kinh doanh đã tạo đáy hồi phục và giá cổ phiếu hồi chậm hơn mặt bằng chung (ii) Nhóm duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững ở hoạt động cốt lõi (iii) Thông tin trong mùa ĐHCĐ với kế hoạch tăng vốn/KHKD mở rộng của các DN sau phục hồi (iv) Nhóm DN sẽ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ/tài khóa hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ luật mới đang dần hoàn thiện.
 
Danh mục khuyến nghị tháng 2 chúng tôi đề xuất tiếp tục nắm giữ với HAH, PVT và thêm mới các mã DPR, QNS và VCI.