Nguồn: HSC
Rút ròng từ quỹ ETF giảm, nhưng khối ngoại bán ròng mạnh trong tháng 10
Rút ròng từ quỹ Fubon ETF giảm, quỹ Diamond ETF thu hút vốn
Các quỹ ETF lớn vẫn bị rút ròng nhưng với giá trị thấp hơn. Quỹ DCVFMVN Diamond ETF thu hút vốn 14,1 triệu USD nhờ dòng vốn ròng của các NĐT Thái Lan. Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (Fubon ETF) và FTSE Vietnam ETF bị rút ròng mạnh trong tháng 10, với quỹ Fubon ETF bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.
NĐT NN bán mạnh
Giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 10 đạt 9,8 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 3,7 lần so với tháng trước đó. Giao dịch thỏa thuận liên quan đến hai cổ phiếu VIB và MSN là nguyên nhân dẫn đến việc bán ròng mạnh trong tháng 10. Nếu loại trừ những giao dịch này, giá trị bán ròng của khối ngoại chỉ tăng khoảng 50%. Trong đó, các quỹ ETF cũng bị bán ròng hơn 290 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,9% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 10.
Cập nhật dòng vốn quỹ ETF tại ASEAN
Theo Bloomberg, Việt Nam bị rút ròng trở lại với giá trị khoảng 12 triệu USD. Mặc dù con số này khá thấp, nhưng đây là giá trị rút ròng lớn nhất khu vực trong tháng 10. Các nước khác trong khu vực ASEAN bị rút ròng hoặc thu hút vốn ròng nhẹ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024 Việt Nam vẫn bị rút ròng mạnh (791 triệu USD).
Cập nhật dòng vốn quỹ ETF
Tỷ giá USD/VND tăng trở lại trong tháng 10 ngăn cản dòng vốn ETF quay trở lại trong tháng. Tuy nhiên, giá trị rút ròng từ các quỹ ETF giảm mạnh so với tháng trước. Quỹ DCVFMVN Diamond ETF thu hút một lượng vốn đáng kể trong khi quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng mạnh nhất trong tháng.
Khối ngoại tăng bán ròng; Rút ròng từ các quỹ ETF giảm
Trong tháng 10/2024, bán ròng của khối ngoại tăng mạnh với tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX là 9,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với tháng trước đó (bán ròng 2,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 9/2024). Giá trị bán ròng trong tháng 10 chủ yếu đến từ hoạt động bán ra của NĐT tổ chức nước ngoài (9,7 nghìn tỷ đồng), trong khi các NĐT tổ chức và NĐT cá nhân trong nước mua ròng mạnh, lần lượt 5,7 nghìn tỷ đồng và 4,1 nghìn tỷ đồng trong tháng. Giá trị bán ròng của khối ngoại tăng mạnh trong tháng 10 bị ảnh hưởng bởi giá trị bán ròng của giao dịch thỏa thuận liên quan đến MSN (5,4 nghìn tỷ đồng) và VIB (1,1 nghìn tỷ đồng). Đây là tháng thứ 9 liên tiếp trong năm 2024 khối ngoại bán ròng ở thị trường Việt Nam sau khi mua ròng nhẹ vào tháng 1/2024 (185 tỷ đồng). Trong 10 tháng đầu năm 2024, NĐT NN bán ra tổng cộng 76 nghìn tỷ đồng tại thị trường Việt Nam.
Trong tháng qua, khối bán mạnh ròng mạnh cổ phiếu của các NHTM với 5,6 nghìn tỷ đồng và các tổ chức tài chính (không bao gồm ngành Ngân hàng) với 2,3 nghìn tỷ đồng, trong khi mua ròng nhẹ mảng công nghệ với 412 tỷ đồng. Top những cổ phiếu NĐT NN mua vào là TCB, FPT, NTL, FUEVFVND và MWG và top những cổ phiếu NĐT NN bán ra là VIB, MSN, HDB, VHM, và MSB.
Theo dữ liệu của Bloomberg trong tháng 10, các quỹ ETF tại Việt Nam tiếp tục bị rút vốn mạnh nhất (12 triệu USD) trong khi các nước khác trong khu vực ASEAN thu hút được vốn, với Singapore thu hút 55 triệu USD, Malaysia thu hút 38 triệu USD và Thái Lan thu hút 9 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Indonesia và Philippines bị rút vốn lần lượt 8 triệu USD và 13 triệu USD trong tháng 10.
Tổng dòng vốn rút ròng từ các quỹ ETF lớn tại Việt Nam vào khoảng 11,8 triệu USD, giảm 63% so với tháng trước đó (tổng giá trị rút ròng trong tháng 9/2024 ở mức 32 triệu USD). Trong đó, quỹ Fubon ETF (tổng tài sản quản lý 610,2 triệu USD) bị rút ròng mạnh nhất 9,8 triệu USD. Quỹ Fubon ETF đã bán ròng trong 9 tháng liên tiếp, tuy nhiên, giá trị bán ròng đã giảm theo từng tháng kể từ tháng 7/2024.
Quỹ DCVFMVN Diamond ETF tiếp tục hút vốn ròng 14,1 triệu USD trong tháng 10/2024. Sự thu hút này một phần là nhờ các NĐT Thái Lan mua vào chứng chỉ lưu ký (tỷ lệ 1 chứng chỉ lưu ký: 1 chứng chỉ quỹ DCVFMVN Diamond). Tổng số chứng chỉ lưu ký Diamond đã tăng thêm 2,95 triệu chứng chỉ trong tháng 10/2024.
Các quỹ ETF ngoại cũng bị rút ròng trong tháng 10 nhưng với giá trị không đáng kể. Theo đó, quỹ FTSE Vietnam ETF, VanEck Vectors Vietnam ETF bị rút ròng lần lượt 7,7 triệu USD và 3,6 triệu USD. Trong khi quỹ Premia MSCI Vietnam ETF thu hút vốn ròng nhẹ với 1,1 triệu USD trong tháng 10, quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF gần như hoàn tất thanh lý các cổ phiếu Việt Nam tính đến ngày 1/7/2024. Do đó, giá trị thu hút vốn ròng/rút ròng từ quỹ ETF này sẽ không được ghi nhận tại thị trường Việt Nam.
Các quỹ ETF trong nước như SSIAM VNFIN Lead ETF và DCVFM VN30 ETF cũng bị rút ròng không đáng kể lần lượt ở mức 5,6 triệu USD và 0,3 triệu USD.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2024, các quỹ ETF lớn bị rút ròng tổng cộng khoảng 947 triệu USD (giá trị rút ròng thực tế khoảng 787 triệu USD), trong đó quỹ DCVFMVN Diamond ETF bị rút ròng rất mạnh 300,2 triệu USD, tiếp theo là quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút 213,9 triệu USD và quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF bị rút 196 triệu USD (giá trị rút ròng thực tế khoảng 35 triệu USD do tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ iShares ETF chỉ chiếm khoảng 18%).
Các quỹ ETF khác cũng bị rút ròng trong 10 tháng đầu năm 2024, nhưng giá trị rút ròng nhỏ hơn, bao gồm các quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF (bị rút 82,5 triệu USD), DCVFM VN30 ETF (bị rút 66,6 triệu USD), FTSE Vietnam ETF (bị rút 58,4 triệu USD), VanEck Vector Vietnam ETF (bị rút 20,6 triệu USD) và Premia MSCI Vietnam ETF (bị rút 9,6 triệu USD).
Kể từ đầu năm, chỉ số VN Index đã tăng 11,9%. Theo đó, chứng chỉ quỹ DCVFMVN Diamond ETF, DCVFM VN30 ETF, và KIM Growth VNFIN Select ETF có diễn biến tích cực nhất với mức tăng lần lượt 25,9%, 21,8% và 20,6% so với đầu năm. Các quỹ ETF khác sử dụng chỉ số VN30 làm cơ sở cũng ghi nhận diễn biến khả quan. Trên thực tế, các chứng chỉ quỹ KIM Growth VN30 ETF, Mirae Asset VN30 ETF và SSIAM VN30 ETF tăng lần lượt 19,9%, 19,6 và 19,5%. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ của hai quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF và VinaCapital VN100 ETF tăng lần lượt 18,6% và 16,8%.
Chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF ngoại diễn biến không tích cực bằng các quỹ ETF nội. Theo đó, chứng chỉ quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF, Premia MSCI Vietnam ETF, FTSE Vietnam ETF và VanEck Vectors Vietnam ETF diễn biến kém tích cực hơn với mức tăng/giảm lần lượt 4,9%, -0,5%, - 4,6%, -7,4%, và -7,9%.