Nguồn: HSC
Tác động của bão Yagi lên GDP Việt Nam
Tác động của bão Yagi lên GDP của Việt Nam
Bão Yagi tàn phá các tỉnh thành miền bắc Việt Nam vào đầu tháng 9/2024 ghi nhận sức gió mạnh nhất (cấp 14) đổ bộ vào đất liền trong ít nhất 25 năm qua. Cơn bão gây ra mưa lớn và lũ lụt, và làm mực nước sông Hồng tại Hà Nội dâng lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Tính đến ngày 15/9/2024, cơn bão này đã khiến 292 người tử vong, số lượng người thiệt mạng hàng năm cao nhất do thiên tai ở Việt Nam kể từ năm 2017. Hơn 240.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc ngập úng, mức cao nhất kể từ năm 2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính thiệt hại ở mức 40 nghìn tỷ đồng (1,6 tỷ USD) tại 25 tỉnh thành miền Bắc và Thanh Hóa, khu vực đóng góp hơn 41% GDP và 40% dân số của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo bão Yagi sẽ làm giảm tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2024, với khả năng làm giảm lần lượt 0,35 và 0,22 điểm phần trăm tăng trưởng Q3 và Q4/2024. Điều này có thể làm giảm 0,15 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Bộ so với dự báo trước đó (6,8-7%). Tác động giữa các ngành sẽ có sự chênh lệch, trong đó tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản dự kiến giảm 0,33 điểm phần trăm trong khi tăng trưởng khu vực công nghiệp & xây dựng giảm 0,05 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ giảm 0,22 điểm phần trăm.
Theo số liệu quá khứ, thiệt hại do thiên tai và tăng trưởng GDP có mối tương quan nghịch đáng kể, đặc biệt là năm 2016 và 2020, trong đó, theo dự báo của chúng tôi, cơn bão Yagi dự kiến sẽ làm giảm 0,38 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong năm nay.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của cơn bão, HSC tin rằng tác động lên GDP của Việt Nam sẽ chỉ giới hạn trong năm 2024 và không ảnh hưởng đến tăng trưởng năm 2025. Kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu tốt hơn dự báo, chúng tôi gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng lên lần lượt 15% và 17,5%, có thể sẽ bù đắp cho sự sụt giảm của tăng trưởng GDP (ước tính 0,38 điểm phần trăm như đã đề cập ở trên).
Do đó, HSC duy trì dự báo tăng trưởng GDP lần lượt ở mức 6,2% và 6,5% cho năm 2024-2025, trong đó tăng trưởng Q3/2024 và Q4/2024 dự báo đạt lần lượt 5,8% và 6,1%. Tình hình hiện tại mở ra cơ hội cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ bởi ngân sách tài khóa chưa giải ngân, từ đó giúp giảm thiểu tác động lên GDP của cơn bão này. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc đẩy mạnh tiêu dùng hộ gia đình và chi tiêu chính phủ sau thiên tai có thể giúp phục hồi tăng trưởng, như trong nghiên cứu gần đây của ông H. Krichene.