Cập nhật Kinh tế vĩ mô: Thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh FDI đăng ký hồi phục

Nguồn: HSC

Thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh FDI đăng ký hồi phục

 

 

Tóm tắt

  • Trong tháng 7/2023, đà giảm của kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đã chậm lại ở mức 3,5% so với cùng kỳ, ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp có tăng trưởng dương so với tháng trước đó. Trong 7 tháng đầu năm 2023, thặng dư thương mại vượt 15 tỷ USD - mức cao nhất từng được ghi nhận trong chu kỳ 7 tháng đầu năm – hỗ trợ triển vọng ổn định của VNĐ.
  • Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số công nghiệp chế biến & chế tạo đã phục hồi trong tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi chỉ số PMI sản xuất cho thấy tình hình kém tích cực hơn. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu được kỳ vọng sẽ ổn định trong những tháng tới.
  • Vốn FDI đăng ký tăng mạnh 85,8% so với cùng kỳ trong tháng 7, theo đó FDI đăng ký luỹ kế từ đầu năm đã lần đầu phục hồi 4,5% so với cùng kỳ kể từ tháng 1/2022. Số lượng khách du lịch nước ngoài tăng mạnh lên hơn 1 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc ngày càng tăng.

KNXK có xu hướng cải thiện; vốn FDI & ngành du lịch cho thấy triển vọng lạc quan

Hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu cải thiện trong tháng 7 khi giảm chậm lại so với cùng kỳ và tăng so với tháng trước trong tháng thứ 3 liên tiếp, và đánh dấu tháng thứ 14 liên tiếp ghi nhận thăng dư thưởng mại. Trong 7 tháng đầu năm 2023, thặng dư thương mại đã vượt 15 tỷ USD - mức cao nhất từng ghi nhận trong chu kỳ 7 tháng đầu năm, từ đó hỗ trợ triển vọng ổn định của VNĐ trong năm 2023. Lưu ý, KNXK máy tính & sản phẩm điện tử trong tháng 7 đã tăng ấn tượng 32% so với cùng kỳ sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp và đóng góp đáng kể vào tổng KNXK. KNXK máy tính & sản phẩm điện tử cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới do nhu cầu chuẩn bị cho mùa tựu trường bắt đầu vào tháng 9 gia tăng tại Mỹ và khu vực Eurozone.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất tháng 7 đã phục hồi trong tháng thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số PMI sản xuất của S&P Global cho thấy bức tranh ảm đạm hơn khi vẫm cho thấy sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế biến & chế tạo Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ nhất trong vòng 5 tháng qua là dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu đang dần ổn định trong bối cảnh các doanh nghiệp kỳ vọng lượng đơn hàng sẽ tăng trở lại trong các tháng tới. Nền tảng cơ bản của Việt Nam vẫn nguyên vẹn trong dài hạn nhờ vốn FDI đăng ký tăng 85,8% so với cùng kỳ trong tháng 7. Theo đó, FDI đăng ký lũy kế từ đầu năm tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022, củng cố dự báo FDI của Việt Nam tăng trưởng 7% trong năm 2023 của HSC.

Trong tháng 7, lượng khách du lịch quốc tế lần đầu tiên vượt mức 1 triệu khách kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 2/2020 và duy trì đà tăng mạnh so với cùng kỳ. Số lượng khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới, trong đó tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc ngày càng tăng. CPI tổng thể tăng nhẹ nhưng lạm phát cơ bản vẫn thấp hơn mục tiêu của NHNN là 4,5%, cho thấy nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Đầu tư công đã tăng tốc trong tháng 7 nhưng vẫn trễ so với kế hoạch của Chính phủ. Nhìn chung, số liệu tháng 7 cho thấy hoạt động kinh tế đang dần phục hồi khi vốn FDI, đầu tư công và ngành du lịch tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến & chế tạo trong nước cũng được hỗ trợ nhờ NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ.

Triển vọng thương mại Q3/2023 cải thiện

Theo số liệu tháng 7/2023, hoạt động thương mại đã dần cải thiện. KNXK giảm chậm lại 3,5% so với cùng kỳ nhờ tăng so với tháng trước trong tháng thứ 3 liên tiếp. Trong tháng, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại đạt 2,2 tỷ USD. Do chi phí điện tăng trong mùa hè, CPI tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của NHNN, tạo dư địa để NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ vẫn ổn định, nhưng đà tăng chậm lại đã phản ánh tâm lý thận trọng của người tiêu dùng. Vốn FDI khả quan với FDI đăng ký luỹ kế từ đầu năm tăng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022. Mặc dù vẫn chậm tiến độ, đầu tư công tiếp tục tăng tốc và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

KNXK giảm nhẹ nhất trong vòng 5 tháng

KNXK và KNNK giảm chậm lại lần lượt là 3,5% và 9,9% so với cùng kỳ (so với mức giảm lần lượt 11,0% và 18,0% so với cùng kỳ trong tháng 6) nhờ tăng lần lượt 0,8% và 4,4% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng so với tháng trước (Bảng 2 & 4). Điều này sát với dự báo của HSC về đà phục hồi chậm nhưng bền vững của hoạt động thương mại.

Cụ thể, KNXK máy tính & sản phẩm điện tử đã tăng ấn tượng 32% so với cùng kỳ trong tháng 7 sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của tổng KNXK. KNXK máy tính & sản phẩm điện tử được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới do nhu cầu chuẩn bị cho năm học mới tăng lên tại Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, KNXK máy móc & thiết bị giảm 22% so với cùng kỳ, KNXK điện thoại các loại giảm 18% so với cùng kỳ và KNXK hàng dệt may giảm 13% so với cùng kỳ đã khiến tổng KNXK tháng 7 giảm (Bảng 3).

Đối với các mặt hàng nhập khẩu, KNNK sản phẩm công nghiệp và tư liệu sản xuất chủ chốt như điện thoại, máy móc & thiết bị, sắt thép và hóa chất giảm mạnh nhất (Bảng 5). Về mặt tích cực, KNNK máy tính & sản phẩm điện tử trong tháng 7 đã hồi phục trong tháng thứ 2 liên tiếp khi tăng 1,6% so với cùng kỳ so với mức tăng 1,1% trong tháng 6.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, thặng dư thương mại vượt 15 tỷ USD, mức cao nhất từng được ghi nhận trong chu kỳ 7 tháng đầu năm

Trong 7 tháng đầu năm 2023, do KNNK (giảm 17,1% so với cùng kỳ) giảm mạnh hơn nhiều so với KNXK (giảm 10,6% so với cùng kỳ), Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại ước tính khoảng 15,2 tỷ USD, cao hơn một chút so với dự báo của HSC là thặng dư thương mại cả năm 2023 đạt 14,9 tỷ USD - mức cao nhất từng được ghi nhận trong chu kỳ 7 tháng đầu năm. Cán cân thương mại thuận lợi đóng vai trò quan trọng giúp VND duy trì ổn định khi đồng USD tăng giá.

Chỉ số công nghiệp chế biến & chế tạo trong nước cải thiện trong tháng thứ 2 liên tiếp

Chỉ số công nghiệp chế biến & chế tạo của Tổng cục Thống kê trong tháng 7 tiếp tục tăng 3,6% so với cùng kỳ và 4,2% so với tháng trước (so với mức tăng 2,9% so với cùng kỳ và 2,5% so với tháng trước trong tháng 6), đánh dấu tháng phục hồi thứ 2 liên tiếp (Bảng 6). Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp kể từ đầu năm đã giảm chậm lại 1,0% so với cùng kỳ (so với mức giảm 1,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023).

Mặt khác, chỉ số PMI sản xuất cho thấy ngành công nghiệp chế biến & chế tạo Việt Nam vẫn đang sụt giảm. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ nhất trong vòng 5 tháng qua (Bảng 6) là dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu sẽ ổn định trong bối cảnh các doanh nghiệp kỳ vọng lượng đơn hàng sẽ tăng trở lại trong các tháng tới.

Vốn FDI cam kết cho thấy dấu hiệu tích cực

Trong tháng 7, vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng 3,2% so với cùng kỳ (so với mức tăng 0,9% so với cùng kỳ trong tháng 6), theo đó FDI giải ngân luỹ kế từ đầu năm tăng 0,8% so với cùng kỳ (so với mức tăng 10,2% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022) (Bảng 7).

Thêm một điểm tích cực là lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm 2023, FDI đăng ký lũy kế đã khôi phục đà tăng trưởng ở mức 4,5% so với cùng kỳ (so với giảm 4,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023), chủ yếu nhờ vốn FDI đăng ký mới kể từ đầu năm tăng 38,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, góp vốn mua cổ phần tính từ đầu năm cũng tăng mạnh 60,6% so với cùng kỳ, cho thấy hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và BĐS. Trong bối cảnh hoạt động thương mại suy yếu trong ngắn hạn, vốn bổ sung cho các dự án hiện hữu đã giảm 42,5% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm 2023 (so với mức tăng 59,3% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022). Tuy nhiên, HSC dự báo vốn bổ sung cho các dự án hiện hữu sẽ hồi phục khi sản lượng thương mại toàn cầu tăng trở lại.

Nhờ FDI tiếp tục được cải thiện, chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan đối với dự báo cả năm 2023, kỳ vọng mức tăng 7% đối với cả vốn FDI đăng ký và thực hiện.

Doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ tăng chậm lại một con số trong tháng thứ 3 liên tiếp

Trong tháng 7, doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ (tăng 1,1% so với tháng trước), báo hiệu đà tăng trưởng đang bình thường hóa, sát với dự báo tăng trưởng cả năm đạt 9,5% của HSC (Bảng 8). Trong 7 tháng đầu năm 2023, doanh số bán lẻ hàng hoá & dịch vụ tăng 10,4% so với cùng kỳ (so với mức tăng 10,9% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023).

Số lượng khách du lịch quốc tế lần đầu vượt mốc 1 triệu lượt kể từ tháng 2/2020

Trong tháng 7, số lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng mạnh 195% so với cùng kỳ lên trên 1 triệu lượt. HSC dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục bền vững trong những tháng tới nhờ nhu cầu du lịch tăng cao trong kỳ nghỉ hè. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch tăng 6,9 lần so với cùng kỳ đạt 6,6 triệu lượt (Bảng 9), tương đương 68% cùng kỳ năm 2019 và cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Để thúc đẩy du lịch, Quốc hội đã thông qua việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, được phép nhập cảnh nhiều lần.

Trong số 3 thị trường dẫn đầu về số lượng khách du lịch vào Việt Nam, Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 286 nghìn lượt khách đến Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc với 180 nghìn khách (Bảng 10).

Trong năm 2023, HSC dự báo số lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt 8,5 triệu khách, so với 3,7 triệu khách trong năm 2022, trong đó khách du lịch Trung Quốc chiếm 25% tổng lượng khách du lịch. Số lượng khách du lịch quốc tế trên thực tế có thể vượt dự báo, nhưng số lượng khách Trung Quốc đang phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng.

CPI tổng thể tăng nhẹ nhưng xu hướng chung vẫn ổn định

CPI tổng thể trong tháng 7 tăng lên 2,06% so với cùng kỳ (so với tăng 2,0% so với cùng kỳ trong tháng 6), thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 4,9% ghi nhận trong tháng 1 (Bảng 11) và cao hơn 10 điểm cơ bản so với dự báo của chúng tôi. Chi phí nhà ở & vật liệu xây dựng tăng 6,5% so với cùng kỳ (tăng 0,5% so với tháng trước), đóng góp 1,23 điểm phần trăm vào CPI tháng 7 do giá điện tăng 3,87% so với tháng trước (Bảng 12).

Lạm phát cơ bản tháng 7 hạ nhiệt xuống 4,11% so với cùng kỳ (so với 4,33% so với cùng kỳ trong tháng 6) do mức nền cao cungfk ỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp lạm phát cơ bản xuống dưới mục tiêu 4,5% của NHNN (Bảng 11). Điều này cho thấy lạm phát cơ bản có thể đã đạt đỉnh, do mức nền thấp đang giảm dần và nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, lạm phát tổng thể tăng 3,12%, so với dự báo CPI năm 2023 tăng 3,3% của HSC.

Đầu tư công tăng tốc nhưng vẫn chậm tiến độ

Đầu tư công trong tháng 7 tăng 28,4% so với cùng kỳ, so với mức tăng 24,6% so với cùng kỳ trong tháng 6/2023 (Bảng 13). Kể từ đầu năm, đầu tư công tăng 22,1% so với cùng kỳ (so với mức tăng 12,3% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022), tương đương 41,3% kế hoạch năm 2023 của Chính phủ (726,7 nghìn tỷ đồng). HSC dự báo đầu tư công sẽ tiếp tục tăng tốc trong những tháng tới do đây là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, thu ngân sách của Chính phủ cao hơn (tương đương 62,7% kế hoạch năm 2023) so với chi ngân sách (tương đương 46,1% kế hoạch năm 2023). Do đó, trong 7 tháng đầu năm 2023, ngân sách nhà nước thặng dư 59,1 nghìn tỷ đồng so với mục tiêu thâm hụt 455,5 nghìn tỷ đồng theo kế hoạch năm 2023 ("Quyết định 2506" của Bộ Tài chính).