Nguồn: VCSC
Chênh lệch giá hồi phục trong năm 2024; GL3 thúc đẩy tăng trưởng dài hạn
Giá giấy giảm sau một đợt phục hồi ngắn. Giá giấy trung bình tăng từ 8.300 đồng/kg trong tháng 1 lên 9.500 đồng/kg trong tháng 3 nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại và thuế nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, giá giấy đã giảm xuống 8.000 đồng/kg vào tháng 5 và dao động quanh mức này tính đến hiện tại do hoạt động sản xuất tại Việt Nam chững lại và nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn dự kiến. Mức đỉnh tháng 6/2022 đạt xấp xỉ12.500 đồng/kg. Tương tự, giá thùn carton cũ (OCC) trung bình giảm xuống khoảng 140 USD/tấn vào tháng 6/2023 so với mức cao nhất vào tháng 6/2022 là 260 USD/tấn.
Dự án nhà máy giấy GL3 nhằm nâng công suất của DHC thêm 140% vào năm 2027. DHC sẽ chi 2,6 nghìn tỷ đồng trong tổng vốn XDCB để xây dựng công suất bổ sung là 370.000 tấn/năm. DHC có kế hoạch hoàn tất việc cho thuê đất, xin phê duyệt báo cáo an toàn cháy nổ và tác động môi trường, đồng thời nhận giấy phép xây dựng trước khi bắt đầu khởi công vào nửa đầu năm 2024. GL3 sẽ tập trung vào xuất khẩu kraftliner sang Trung Quốc nhưng chuyển sang testliner (một sản phẩm có giá trị gia tăng thấp hơn) trong thời điểm nhu cầu yếu.
DHC lạc quan về nhu cầu giấy dài hạn nhưng thận trọng với tình trạng dư cung hiện tại. Công ty dự kiến nhu cầu giấy của Việt Nam sẽ tăng với tốc độ hàng năm trong khoảng 11%-15% trong vài năm tới, dựa trên (1) mức tiêu thụ giấy trên đầu người hiện tại và mức độ thâm nhập thương mại điện tử thấp của Việt Nam, (2) năng lực xuất khẩu của Việt Nam và (3) chuyển từ bao bì nhựa sang bao bì giấy thân thiện với môi trường. Theo DHC, Việt Nam thặng dư 2,5 triệu tấn trong tổng công suất 7 triệu tấn giấy bao bì, trong khi Malaysia và Indonesia lần lượt thặng dư 3 triệu và 2 triệu tấn. Do đó, DHC đã quyết định chuyển sang kraftliner với GL3.