Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB): Giảm dự báo lợi nhuận của FEC; ngân hàng mẹ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

Nguồn: VCSC

Giảm dự báo lợi nhuận của FEC; ngân hàng mẹ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

 

VPB

 

  • Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) nhưng điều chỉnh giảm 3,7% giá mục tiêu xuống còn 26.000 đồng/cổ phiếu do (1) việc điều chỉnh giảm 15,7% dự phóng tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 ảnh hưởng nhiều hơn (2) so với mức giảm trong giả định về chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi từ 15,6% xuống 14,5%.
  • Chúng tôi điều chỉnh giảm 21,2% dự báo thu nhập ròng năm 2023 (trước lợi ích CĐTS) xuống 21,0 nghìn tỷ đồng (+5,4% YoY) so với dự báo trước đây do (1) giảm 4,2% dự báo thu nhập từ lãi (NII) đến từ việc giảm NIM và tăng trưởng cho vay tại FEC, và (2) nâng chi phí HĐKD (OPEX) thêm 2,7% và (3) nâng giả định trích lập dự phòng thêm 7,6%.

  • Chúng tôi đưa đợt phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu sơ cấp cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để sở hữu 15% vào giữa năm 2023 vào dự báo của chúng tôi, nếu phát hành thành công sẽ tăng cường hệ số CAR hàng đầu của VPB.
  • Rủi ro: Phát hành cho nhà đầu tư chiến lược không thành công có thể khiến việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài/tăng trưởng tín dụng theo dự báo của chúng tôi khó đạt được; không kiểm soát được chi phí tín dụng.

Chúng tôi cho rằng năm 2023 sẽ là một năm thách thức đối với FE Credit. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay của FEC giảm khoảng 2,7% YoY trong năm 2022, nguyên nhân chủ yếu là do (1) môi trường kinh tế không thuận lợi ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu của khách hàng thu nhập thấp và (2) FE Credit thắt chặt chính sách giải ngân tín dụng. LNST 2022 cũng thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi do KQKD kém tích cực và chi phí tín dụng tăng cao. Chúng tôi điều chỉnh giảm 42% dự báo tổng LNST cho FE Credit trong giai đoạn 2023-2027 so với dự báo trước đó, do chúng tôi giả định chi phí tín dụng tăng và điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho vay do FE Credit phục hồi chậm. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng FE Credit có thể bắt đầu đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất từ năm 2024.

VPBank Securites có vốn điều lệ cao nhất trong số các công ty chứng khoán trong năm 2022. Tháng 12/2022, VPBank Securities đã tăng vốn điều lệ lên 15 nghìn tỷ đồng so với vốn điều lệ của SSI là 14,9 nghìn tỷ đồng. VPBank Securities bắt đầu cho vay ký quỹ vào năm 2022, với dư nợ cho vay ký quỹ tính đến cuối năm 2022 là 2,9 nghìn tỷ đồng (so với 8,4 nghìn tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Techcombank). Dù VPBank Securities vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng chúng tôi cho rằng VPBank có vị thế tốt để nắm bắt đà tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Giá cổ phiếu của VPB đã bị ảnh hưởng khá nhiều do có dư nợ tín dụng cho lĩnh vực BĐS và trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn. Phân tích độ nhạy của chúng tôi bao gồm các giả định khác nhau về tỷ lệ tổn thất trong trường hợp vỡ nợ lên đến 50% đối với khoản tín dụng VPB cấp cho các doanh nghiệp BĐS, hoặc tổn thất lên đến 25% cho các khoản vay thế chấp mua nhà với các. Chúng tôi cho rằng ngân hàng có vốn hóa tốt như VPB sẽ có khả năng ứng phó với áp lực tăng chi phí tín dụng gây ra bởi điều kiện kinh tế kém thuận lợi trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, VPB cho biết, mặc dù tỷ lệ hấp thụ BĐS ở mức thấp nhất kể từ năm 2019 nhưng nhu cầu vay thế chấp mua nhà vẫn được duy trì. Ngân hàng kỳ vọng thị trường BĐS có thể phục hồi từ quý 4/2023.