Ngành thủy sản: VHC là lựa chọn đầu ngành với lượng xuất khẩu và biên lợi nhuận cải thiện giúp triển vọng nửa cuối 2023 và năm 2024 tích cực

Nguồn: HSC

VHC là lựa chọn đầu ngành với lượng xuất khẩu và biên lợi nhuận cải thiện giúp triển vọng nửa cuối 2023 và năm 2024 tích cực

 

VHC

 

Tóm tắt

  • Sau 10 tháng liên tiếp giảm nhập khẩu, mức tồn kho cao tại các thị trường lớn đã được giải phóng và các nhà nhập khẩu đã bắt đầu bổ sung nguồn hàng cho dịp cuối năm. Nhu cầu dự báo sẽ hồi phục trong năm 2024 từ nền thấp năm 2023.
  • Các yếu tố căn bản của xuất khẩu cá tra cải thiện nhiều hơn xuất khẩu tôm mặc dù triển vọng cả 2 sản phẩm cùng cải thiện trong nửa cuối 2023 và năm 2024 nhờ giá xuất khẩu tăng và giá nguyên liệu đầu vào giảm.
  •  HSC nâng khuyến nghị đối với VHC lên Mua vào và nâng 40% giá mục tiêu lên 92.000đ. Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với FMC lên Mua vào với giá mục tiêu 56.200đ nhưng hạ khuyến nghị đối với MPC xuống Giảm tỷ trọng với giá mục tiêu 16.900đ.

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023: Giảm mạnh so với nền cao kỷ lục cùng kỳ

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,130 tỷ USD, giảm 27,4% so với mức kỷ lục đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng tương đương cùng năm 2021 là 4,122 tỷ USD và cao hơn 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.

HSC cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện đã trở về mặt bằng bình thường (trước Covid-19) sau khi đạt mức cao kỷ lục vào 6 tháng đầu năm 2022 khi hầu hết các nhà nhập khẩu tích lũy tồn kho để phục vụ nhu cầu tăng mạnh sau dịch Covid-19.

Trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm đạt 1,531 tỷ USD, đóng góp 37% tổng giá trị xuất khẩu và thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021 ở mức 1,702 tỷ USD nhưng tương đương với cùng kỳ năm 2020 ở mức 1,523 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2023 đạt 888,5 triệu USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cao hơn 12,3% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 33% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu đã chạm đáy trong Q1/2023

Xuất khẩu tôm trong tháng 6/2023 đạt 329 triệu USD (giảm 19,8% so với cùng kỳ) nhưng tăng nhẹ so với mức 327 triệu USD (giảm 27% so với cùng kỳ) trong tháng 5/2023. Tuy nhiên, đây là tháng thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 1/2023 xuất khẩu tôm tăng so với tháng trước. Tính chung cả Q2/2023, xuất khẩu tôm đạt 939 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ nhưng tăng 58,7% so với quý trước.

Xuất khẩu cá tra cũng đã chạm đáy trong Q1/2023. Giá trị xuất khẩu cá tra Q2/2023 đạt 454 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ nhưng tăng nhẹ 7% so với quý trước.

Các yếu tố căn bản của ngành đang cải thiện

  • Lượng xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2023 dự báo tăng nhờ yếu tố mùa vụ

Lượng xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2023 dự báo sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm 2023 vì đây là thời gian cao điểm xuất khẩu thủy sản với nhu cầu sẽ tăng trước các dịp lễ tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt.

  • Giá xuất khẩu dự báo cải thiện

Sau khi giá thủy sản giảm trong 10 tháng qua, người nông dân đã giảm quy mô nuôi, từ đó giúp nguồn cung cân đối hơn với nhu cầu đang suy yếu trên thế giới, tạo điều kiện cho giá hồi phục trở lại. Mặt khác, tồn kho tại các thị trường chủ chốt cũng gần được giải phóng hết sau 10 tháng liên tiếp lượng nhập khẩu giảm. Theo đó, các đơn vị bán lẻ, nhập khẩu và bán buôn cũng như các đơn vị khác trong chuỗi thực phẩm sẽ phải tích lũy tồn kho trở lại và giá nhiều khả năng sẽ tăng tương ứng với nhu cầu nhập khẩu cải thiện.

  • Tỷ suất lợi nhuận dự báo cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm

Nguyên liệu đầu vào – tôm và cá nguyên liệu – đã và đang giảm kể từ tháng 3/tháng 4 do nhu cầu xuất khẩu kém. Giá cá tra nguyên liệu đã giảm xuống còn 26.000- 26.500đ/kg (giảm 10% so với cùng kỳ và giảm 6,5% so với đầu năm), mức thấp nhất trong 10 năm qua. Giá tôm nguyên liệu cũng đã giảm mạnh khoảng 15-30% tùy từng kích cỡ.

Mặt khác, chi phí nuôi trồng cũng giảm thời gian gần đây nhờ giá thức ăn giảm. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 5, giá thức ăn đã được điều chỉnh giảm nhiều đợt trong tháng 6 – đầu tháng 7 và hiện đã thấp hơn 5% so với đỉnh. Giá thức ăn giảm giúp giảm chi phí đầu vào vì thức ăn chiếm đến 50-70% trong tổng chi phí nguyên liệu.

Giá cá tra giống (chiếm khoảng 5-10% chi phí đầu vào) cũng đã giảm đáng kể (giảm 50%) từ đỉnh thiết lập vào tháng 2 – tháng 3.

Theo đó, tỷ suất lợi nhuận dự báo sẽ cải thiện khi chi phí nguyên liệu đầu vào giảm (nhờ chi phí nuôi trồng thấp hơn, xuất phát từ giá thức ăn và con giống giảm) trong khi giá xuất khẩu dự báo tăng.

  • Nhu cầu sẽ hồi phục trong năm 2024 từ nền thấp

Năm 2022, đặc biệt 6 tháng đầu năm, là thời gian cả lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản đạt đỉnh lịch sử nhờ (1) giao các đơn hàng tồn đọng từ cuối năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam; (2) hoạt động xuất khẩu thủy sản của Nga, Ucraina bị gián đoạn và Mỹ, EU áp dụng lệch trừng phạt đối với sản phẩm thủy sản của Nga; và (3) lạm phát thế giới tăng, kéo theo giá xuất khẩu tăng.

Và vì vậy, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm mạnh từ nền cao cùng kỳ vì lượng tồn kho cao từ năm 2022 chuyển sang trong khi nhu cầu suy yếu vì suy thoái kinh tế diễn ra tại các thị trường chính, đặc biệt là Mỹ, EU.

Tuy nhiên, sau 10 tháng nhập khẩu suy giảm (đến tháng 6/2023), tồn kho tại các thị trường chủ chốt đã được giải phóng và các đơn vị nhập khẩu hiện đã bắt đầu tích trữ tồn kho trở lại để phục vụ mùa lễ hội vào cuối năm.

Trong năm 2024, HSC tin rằng xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục từ nền thấp của năm 2023. Là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản sẽ ít bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế sau khi quay về mặt bằng bình thường trước dịch Covid-19.

  • Xuất khẩu cá tra nhiều khả năng hồi phục mạnh hơn tôm

Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra chủ yếu, chiếm đến 97% tổng lượng xuất khẩu cá tra toàn cầu nên các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự gia tăng của nhu cầu. Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác có chi phí sản xuất thấp hơn như Ấn Độ và Ecuador. Vì vậy, nhu cầu từ thị trường thế giới đối với tôm Việt Nam nhiều khả năng sẽ hồi phục ít hơn so với cá tra.

Điều chỉnh dự báo năm 2023-2025

Dựa trên KQKD 6 tháng đầu năm 2023 và sự cải thiện ở các yếu tố căn bản của ngành trong 6 tháng cuối năm 2023, HSC nâng dự báo lợi nhuận năm 2023-2025 cho VHC, doanh nghiệp hưsởng lợi lớn nhất từ các diễn biến thị trường trong nửa cuối năm 2023. Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận cho FMC và giảm đáng kể dự báo lợi nhuận cho MPC – thông tin cụ thể được trình bày trong Bảng 6.

Định giá và khuyến nghị

  • Kết luận và phương pháp định giá

HSC đánh giá triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đã giảm trong những tháng gần đây nhờ giá thức ăn giảm.

Trước các nhân tố trên cộng với KQKD 6 tháng đầu năm 2023, HSC nâng dự báo lợi nhuận năm 2023-2025 cho VHC, duy trì dự báo cho FMC và giảm dự báo cho MPC. Thông tin chi tiết về dự báo mới, định giá và quan điểm của chúng tôi về doanh nghiệp được trình bày như dưới đây.

Lưu ý rằng HSC định giá các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bằng phương pháp DCF. Giả định chi phí vốn bình quân WACC dành cho VHC, FMC và MPC lần lượt là 11,7%; 10,1% và 8,2%. Chúng tôi đồng thời cũng chuyển thời gian định giá sang giữa năm 2024.

VHC: KQKD dự báo chuyển biến tích cực từ nửa cuối năm 2023; nâng khuyến nghị lên Mua vào. HSC nâng bình quân 14,6% dự báo lợi nhuận cho năm 2023-2025 sau khi nâng giả định tỷ suất lợi nhuận gộp nhờ giá xuất khẩu tăng và giá cá nguyên liệu giảm. KQKD 6 tháng cuối năm 2023 có thể cải thiện mạnh nhờ tỷ suất lợi nhuận và lượng xuất khẩu cải thiện với nhu cầu tăng theo mùa vụ. Chúng tôi nâng 40% giá mục tiêu lên 92.000đ sau khi nâng bình quân 14,6% dự báo lợi nhuận năm 2023-2025 và chuyển thời gan định giá sang giữa năm 2024. Hiện VHC có P/E trượt dự phóng 1 năm ở mức 9,6 lần; cao hơn 1,1 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ nhưng vẫn chiết khấu 27% so với bình quân doanh nghiệp cùng ngành. Nâng khuyến nghị lên Mua vào với tiềm năng tăng giá là 20,1%.

FMC: Tỷ trọng tôm tự nuôi tăng giúp lợi nhuận tăng trưởng và định giá rẻ; nâng khuyến nghị lên Mua vào. HSC dự báo lợi nhuận thuần giai đoạn 2023-2025 của FMC tăng trưởng với tốc độ CAGR 14,5% nhờ nâng tỷ trọng tôm tự nuôi giúp nâng cao tỷ suất lợi nhuận. Chúng tôi nâng 16,6% giá mục tiêu lên 56.200đ sau khi chuyển thời điểm định giá sang giữa năm 2024. Hiện FMC có P/E trượt dự phóng 1 năm là 7,6 lần; cao hơn một chút so với bình quân quá khứ ở mức 7,2 lần nhưng chiết khấu 40% so với bình quân các doanh nghiệp cùng ngành ở mức 13,5 lần.

MPC: Lợi nhuận năm 2023 dự báo giảm 65%; hạ khuyến nghị xuống Giảm tỷ trọng. HSC dự báo lợi nhuận năm 2023 giảm 65% vì cạnh tranh gay gắt tại thị trường Mỹ và nền kinh tế thế giới suy yếu. Lợi nhuận năm 2024-2025 dự báo sẽ lần lượt tăng trưởng vừa phải ở mức 14,1% và 4%. Chúng tôi giảm bình quân 47% dự báo lợi nhuận thuần năm 2023-2024 và giảm 7,7% giá mục tiêu xuống 16.900đ sau khi giảm dự báo lợi nhuận và chuyển thời gian định giá sang giữa năm 2024. Hiện MPC có P/E trượt dự phóng 1 năm là 25 lần; cao hơn 1,1 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ ở mức 13,5 làn và cũng cao hơn nhiều mức bình quân các doanh nghiệp cùng ngành.