Ngành thủy sản: Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự kiện Trung Quốc/Nhật Bản

Nguồn: HSC

Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự kiện Trung Quốc/Nhật Bản

 

Khai thác thủy sản: Thay đổi để bền vững – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

 

Tóm tắt

  • Trung Quốc đã quyết định cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản sau khi nước này xả nước thải qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ra biển.
  • Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ hưởng lợi từ sự kiện trên vì có khoảng cách địa lý gần Trung Quốc và có vị thế/mối quan hệ mạnh tại thị trường này.
  • Chúng tôi tin rằng sự kiện này sẽ là động lực tích cực cho giá cổ phiếu thủy sản. Trong số các doanh nghiệp HSC khuyến nghị, VHC (xuất khẩu cá tra) sẽ hưởng lợi nhiều nhất; chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VHC và FMC (xuất khẩu tôm).

Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản

Trung Quốc đã kiểm soát chặt hơn sản phẩm hải sản nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ đầu tháng 7 khi Nhật Bản có kế hoạch xả 1 triệu tấn nước thải qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima (bị ảnh hưởng của thảm họa động đất) ra biển, bắt đầu từ tháng 8/2023. Nhật Bản đã lên kế hoạch thực hiện 4 lần xả nước thải, bắt đầu từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024. Theo đó, HSC tin rằng lệnh cấm sẽ được duy trì sau tháng 3/2024.

Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp gồm (1) lặp lại lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản, được thực hiện kể từ năm 2011 khi xảy ra thảm họa động đất; và (2) sàng lọc 100% giấy tờ chứng nhận đối với các sản phẩm hải sản từ Nhật Bản.

Cơ quan hải quan Trung Quốc sau đó đã thông báo cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản, có hiệu lực từ ngày 24/8.

Hàn Quốc cũng tỏ ra lo ngại trước quyết định của Nhật Bản nhưng phản ứng ôn hòa hơn

Hàn Quốc cũng đã cấm nhập khẩu hải sản từ 8 tỉnh của Nhật Bản kể từ năm 2013 và hiện lệnh cấm này vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, chính quyền Hàn Quốc cũng đã đẩy mạnh kiểm tra xuất sứ sản phẩm hải sản nhập khẩu trước lo ngại của dân chúng nước này trước quyết định xả nước thải hạt nhân ra biển của Nhật Bản.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ hưởng lợi

Sau khi bị Trung Quốc kiểm soát chặt hơn vì liên quan đến vấn đề xả thải, xuất khẩu hải sản của Nhật Bản vào Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 34% so với tháng trước và giảm 28% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 35 triệu USD. Với lệnh cấm trên, Nhật Bản sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm hải sản sang Trung Quốc.

Nhật Bản là quốc gia xuất khẩu hải sản lớn thứ 10 vào Trung Quốc với giá trị xuất khẩu năm 2022 là 510 triệu USD. Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản sẽ tạo ra cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác, đặc biệt là Việt Nam vì có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đồng thời có vị thế mạnh tại thị trường này (là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 vào Trung Quốc và chiếm gần 10% tổng giá trị nhập khẩu thủy hải sản của Trung Quốc).

Nhập khẩu hải sản của Hàn Quốc từ Nhật Bản cũng đã giảm đáng kể 25-30% trong 2 tháng qua.

Duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VHC – lựa chọn đầu ngành của HSC

Thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 12% tổng doanh thu 7 tháng đầu năm 2023 của VHC. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 3% tổng doanh thu của FMC và MPC. Với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lớn, HSC kỳ vọng VHC sẽ hưởng lợi từ sự kiện trên, đặc biệt khi cá tra là sản phẩm bình dân và thị trường Trung Quốc đang bước vào mua cao điểm tiêu thụ.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp xuất khẩu tôm như FMC và MPC cũng nhận thấy triển vọng tích cực hơn tại thị trường Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 vì người tiêu dùng tại đây ưa dùng tôm trong các ngày lễ đoàn viên vì tôm mang màu hồng máy mắn và có giá trị dinh dưỡng cao.

Hiện VHC có P/E trượt dự phóng 1 năm là 9,1 lần; cao hơn 0,8 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ ở mức 8 lần nhưng vẫn chiết khấu 30% so với bình quân doanh nghiệp cùng ngành. KQKD 6 tháng cuối năm 2023 có thể cải thiện mạnh so với 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng cuối năm 2022 nhờ tỷ suất lợi nhuận và lượng tiêu thụ cao hơn với nhu cầu tăng theo mùa vụ. HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VHC với giá mục tiêu 92.000đ, tương đương tiềm năng tăng giá 27%.

FMC hiện có P/E trượt dự phóng 1 năm là 7,5 lần; cao hơn một chút so với bình quân quá khứ ở mức 7,2 lần và chiết khấu 40% so với bình quân doanh nghiệp cùng ngành ở mức 13,5 lần. Chúng tôi tiếp tục ưa thích FMC vì Công ty đang mở rộng hoạt động nuôi tôm. Lợi nhuận thuần năm 2023-2025 tăng trưởng tích cực với tốc độ CAGR 14,5% nhờ sản lượng tôm tự nuôi tăng giúp nâng cao tỷ suất lợi nhuận. Duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu 56.200đ, tương đương tiềm năng tăng giá 21%.

MPC ít hưởng lợi từ sự kiện trên vì thị trường chính của công ty là Mỹ và EU. Trong khi đó, sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu tôm có chi phí thấp - chẳng hạn như Ecuador và Ấn Độ - sẽ hạn chế sự tăng trưởng của MPC tại 2 thị trường trên. Hiện MPC có P/E trượt dự phóng 1 năm là 24,8 lần; cao hơn 1,1 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ nhưng cao hơn đáng kể so với bình quân doanh nghiệp cùng ngành ở mức 13,5 lần. Duy trì khuyến nghị Giảm tỷ trọng và giá mục tiêu 16.900đ.

Khuyến nghị

HSC tin rằng sự kiện này sẽ là động lực tích cực đối với giá cổ phiếu ngành thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lớn như VHC (thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 12% tổng doanh thu 7 tháng đầu năm 2023 của công ty). Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VHC với tiềm năng tăng giá 27% vì tin rằng công ty sẽ hưởng lợi nhờ có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cao và có thể tiếp tục đẩy mạnh doanh thu xuất khẩu sang thị trường này.

HSC cũng duy trì dự báo, giá mục tiêu và khuyến nghị cho FMC (Mua vào) và MPC (Giảm tỷ trọng) mặc dù những doanh nghiệp này ít hưởng lợi từ sự kiện trên.